Theo PGS Vũ Trọng Khải, chúng ta đang phải chứng kiến, đối diện với thực trạng nông nghiệp đang vào đà suy thoái. Sản xuất không đủ sống, nông dân bỏ ruộng, ra thành phố làm bất cứ việc gì, thậm chí không cần kỹ năng mà chỉ cần cơ bắp vẫn có thu nhập cao hơn làm nông. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân mưu sinh ở các đô thị, khu công nghiệp lại rất bấp bênh, mức sống nghèo khổ.

Ở nước ta, dân số sống bằng nghề nông chiếm 70% dân số cả nước. 57% lực lượng lao động xã hội làm việc trong ngành nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra chưa đầy 20% GDP. Do đó, họ cũng chỉ được hưởng lợi trong khuôn khổ con số đó. GDP bình quân đầu người ở khu vực nông thôn chỉ 200 USD so với bình quân cả nước là 1.600 USD/người.

{keywords}
Cần những “nông dân lớn” và mô hình quản trị nông nghiệp chuyên nghiệp

Theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, thu nhập bình quân của một hộ nông dân với bốn nhân khẩu là 60.000 đồng/ngày, dưới mức nghèo khổ. Có tới 47,4% hộ nông dân không hài lòng với cuộc sống hiện tại; 50% hộ phải vay nợ, trong đó chỉ có 13% hộ được vay ngân hàng. Còn lại 87% phải vay nặng lãi của tư nhân. Mức tiết kiệm hàng năm chỉ đạt 5–8 triệu đồng/hộ. Trong đó 80% tiết kiệm dùng để phòng ngừa rủi ro.

Như thế, cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn, lặp đi lặp lại. Năng suất thấp thì thu nhập thấp, thu nhập thấp thì tiết kiệm ít, tiết kiệm ít thì đầu tư nhỏ, đầu tư nhỏ thì năng suất thấp…

Đi sâu vào bên trong, có thể thấy chúng ta có chính sách “cởi trói” nhưng chưa có chính sách thực sự “thúc đẩy”. Chính sách “thúc đẩy” hoàn toàn khác với “cởi trói”. Nó có vai trò đưa sự phát triển lên tầm mới, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vì vậy, chính sách “thúc đẩy” phải được hoạch định có căn cứ khoa học và thực tiễn, đòi hỏi nhà hoạch định chính sách không chỉ có lương tâm và lòng dũng cảm, điều quan trọng hơn là phải có trí tuệ. Thực tiễn luôn thay đổi và phát triển, chính sách cũng phải thay đổi để thích ứng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, họ phải hiểu các quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Sau nữa là năng lực thực thi chính sách của bộ máy công quyền và đội ngũ công chức.

Mặt khác, thực trạng hoạch định và thực thi chính sách của chúng ta thời gian qua so với yêu cầu nói trên đang yếu và thiếu, mang nặng tính xử lý tình huống và bị động.

Với quy mô sản xuất nhỏ như hiện nay, bình quân mỗi hộ gia đình chỉ 0,8 ha, kỹ thuật canh tác, nền nông nghiệp với các yếu tố cấu thành như vậy, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ và trang thiết bị sản xuất ở đầu vào đầu ra đều lạc hậu. Nghề nông vẫn là nghề “cha truyền con nối”, “lão nông tri điền”. Chế biến và buôn bán vẫn như xưa, không liên kết với sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nói riêng đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong thế yếu.

Do vậy, giá trị gia tăng thấp, càng hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu, nền nông nghiệp càng mang lại hậu quả xấu về KT - XH và môi trường, nông dân đã nghèo lại khó thoát nghèo bền vững. Vô tình, Việt Nam chúng ta, trước hết là nông dân đang “bù lỗ” cả về giá và “phí môi trường” cho người dân các nước nhập khẩu gạo và nông sản của Việt Nam. Điều này khiến cho càng xuất khẩu gạo càng nghèo, môi trường càng ô nhiễm, tài nguyên càng cạn kiệt. Nông dân và nền nông nghiệp của chúng ta phải bất đắc dĩ làm “nghĩa vụ quốc tế về an ninh lương thực” do sự khiếm khuyết của thể chế quản lý và lạc hậu về công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa.

Vì sao chúng ta rơi vào tình thế này? Ông Khai lý giải, có nhiều nguyên nhân. Về tầm vĩ mô, sau thời gian gia nhập WTO, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế của hội nhập thế giới. Trái lại, còn bị tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.

Ở tầm vi mô, nguyên nhân quan trọng, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” là chúng ta đang thiếu những “nông dân lớn” và quản trị nông nghiệp một cách chuyên nghiệp. Nói cách khác, thể chế của chúng ta chưa hình thành nên đội ngũ nông dân chuyên nghiệp sản xuất lớn.

Cứ hình dung như thế này sẽ thấy rõ. Anh nông dân với 5–7 công đất thì anh ta không cần hợp tác, không thể gắn kết với DN để tham gia chuỗi ngành hàng “từ đồng ruộng, trang trại đến bàn ăn”. Vì quá nhỏ bé, anh nông dân này không cần đến tín hiệu thị trường mà chỉ nghe lời thương lái. Quan trọng hơn, quy mô 5–7 công đất thì không thể ứng dụng tốt nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Hoài Thanh