Có những bản án oan uổng khác nữa, không phải dành cho những người bị ngồi tù, mà là những người không bị cách ly...

>> Tránh thảm kịch "gấu bị bắt nhận là... thỏ"

>> Vụ Cát Tường, dùng nhục hình và chặng đường gian nan

>> Đại biểu QH nói về vụ dùng nhục hình

>> Nhiều điều lộ ra sau phiên tòa gây phẫn nộ

Lâu nay, nói đến án oan là chúng ta thường nghĩ đến những bản án oan uổng đối với những người bị kết án, bị bỏ tù oan khuất. Chẳng hạn trường hợp ông Bùi Minh Hải (Nhơn Trạch, Đồng Nai) trót đánh rơi chiếc đồng hồ tại hiện trường vụ án mà bị giam trong tù 16 tháng. Hay ông Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang) bị ngồi tù oan hơn 10 năm khi lỡ đi qua nhà người bị hại vào thời điểm xảy ra vụ án.

Nhưng còn có những bản án oan uổng khác nữa, không phải dành cho những người bị ngồi tù, mà là những người không bị cách ly...

Cứ cán bộ, công chức là án treo?

Năm 2006, cả nước xôn xao vì vụ án "Quan tham ăn đất Đồ Sơn". Kết thúc điều tra, 3 bị cáo là quan chức UBND thị xã Đồ Sơn bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tại phiên tòa sơ thẩm, dù đưa ra những nhận định đanh thép "hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm minh" nhưng ngay sau đó, TAND thành phố Hải Phòng lại tuyên một bản án "sững sờ": Các bị cáo bị cảnh cáo và phải nộp 50.000 đồng án phí!

Phiên tòa kết thúc trong sự hụt hẫng của những người đấu tranh chống tiêu cực và sự phẫn nộ của công luận. May mà sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm, TANDTC đã hủy bản án của TAND TP Hải Phòng để điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Và tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm sau đó, 7 bị cáo đã phải nhận những hình phạt thích đáng hơn.

{keywords}
Ảnh minh họa: Khều

Đang gây bão công luận có lẽ là vụ án "Công an dùng nhục hình" diễn ra tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Vụ án "phạm tội tập thể" này có bỏ lọt tội phạm là một con "cá to" như luật sư, báo chí và công luận nghi ngờ hay không, cần phải cấp có thẩm quyền cao hơn vào cuộc.

Nhưng với việc đánh chết người tại trụ sở cơ quan công quyền mà cả VKS lẫn Tòa án đều có chung quan điểm, rồi chỉ có 3 án tù, người nặng nhất là 5 năm, còn lại 2 bị cáo án treo, cũng đã cho thấy những biểu hiện không bình thường trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của vụ án này.

Báo cáo của TANDTC cho biết, tỷ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 36,5% (năm 2010), 37,1% (năm 2011), 30,2% (năm 2012) cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%). Một điều rất dễ để nhận ra là án treo thường được áp dụng cho những cán bộ, công chức khi bị truy tố trách nhiệm hình sự, từ phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể "ung dung" được hưởng án treo. Phải chăng, đó là một đặc ân riêng, nằm ngoài những quy định nghiêm khắc của pháp luật và sự lên án của công luận?

Là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, án treo thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật hình sự của nhà nước. Nhưng sẽ là một bản án "oan uổng" nếu án treo được dành cho những tội phạm không xứng đáng.

Oan... thị Mầu!

Trở lại vụ án "Quan tham ăn đất Đồ Sơn", trong vụ này đã có ý kiến chỉ đạo "Nếu có tình tiết giảm nhẹ, có thể xử phạt các bị cáo dưới khung hình phạt quy định", và gợi ý "Vụ án xảy ra ở lòng hồ Trị An không xử lý hình sự" như báo cáo của TAND Đồng Nai. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, UBND thành phố cũng đã có 2 văn bản đề nghị miễn truy tố cho một vài quan chức với lý do: chưa xảy ra hậu quả về kinh tế, cá nhân sai phạm đã được xử lý hành chính kịp thời, bộ máy đã được kiện toàn.

Còn trả lời phỏng vấn báo Người lao động, Chánh án TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, tâm điểm của vụ án "Công an dùng nhục hình" đánh chết người đã rất thật thà khi nói: "Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực... Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt".

Tất cả những điều đó cho thấy nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chỉ là mơ ước xa xôi. Nói như dân trong nghề, khi đáng lẽ phải "hạ cánh an toàn" ngay và luôn... trong tù, thì dưới tác động của "ngoại lực", bản án lại vẫn cứ được "treo lên" mới lạ lùng. Đâu rồi "Quân pháp bất vị thân" ?

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng áp dụng án treo một cách tương đối "tùy tiện" trong quá trình giải quyết vụ án hình sự của TAND các cấp, mới đây Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo.

Theo Nghị quyết này, kể từ ngày 25/12/2013, "không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng".

Điều này cho thấy tính cấp thiết của vấn đề.

Hậu quả lớn nhất của những án oan... thị Mầu chính là làm giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật của nhà nước, đối với sự nghiêm minh của các cơ quan tiến hành tố tụng khi nhân danh nước CHXHCN Việt Nam, v.v...

Khoan hãy nói đến việc có hay không những khuất tất ẩn đằng sau hậu trường của mỗi phiên tòa, án treo dành cho những tội phạm đáng ra cần bị nghiêm trị cũng là một hình thức dung túng, bao che cho những hành động phạm tội. Và như vậy, tính tuyên truyền, giáo dục, răn đe không những bị phản tác dụng mà còn có nguy cơ tạo ra một bộ phận những con bệnh nhờn thuốc.

Tuyên những bản án như vậy là "oan uổng" cho bị cáo, oan uổng cho người bị hại và oan uổng cho chính những công dân đang hàng ngày tuân thủ chính sách và pháp luật của nhà nước.

Nga Lê

Bài cùng tác giả:

Tiếp viên chỉ là... nghề phụ?

Những hành vi phạm tội rồi sẽ bị trừng trị thích đáng. Còn thể diện quốc gia thì lấy gì mà "bồi thường"?

Nguy cơ Hà Nội thua cả... 'đàn em'

Đã đến lúc HN "vội vàng lên với chứ" nếu không muốn sẽ bị tụt hậu trên nhiều bảng xếp hạng, ngay cả với các địa phương "đàn em".

Giá ô tô VN ngất ngưởng vì đặc quyền 'ông lớn'

Với tầng tầng lớp lớp đặc quyền, các "ông lớn" thống lĩnh thị trường ô tô trong thời gian dài và đẩy giá ô tô VN lên hàng cao nhất thế giới.