- Mấy chục năm trôi qua, trong cái nhìn của người nước ngoài về giao thông Việt Nam vẫn là "đang làm xiếc trên đường"!

Giao thông công cộng ở Nhật Bản được coi là niềm mơ ước của người dân và của chính quyền nhiều nước trên thế giới. Nhưng trong ngôn ngữ họ vẫn có cụm từ "shingomushi" để phê bình những người Nhật có hành vi vi phạm luật giao thông.

"Shingo" là tín hiệu đèn giao thông, còn "mushi" có nghĩa là không nhìn, là làm lơ, nhưng từ đồng âm thì "mushi" còn có nghĩa là “côn trùng”. Không hiểu người Nhật vô tình hay cố ý khi dùng cụm từ "shingomushi" để phê bình những người kém ý thức chấp hành luật giao thông. Phải chăng họ ngụ ý người chạy xe mà "làm lơ" các tín hiệu giao thông thì khác gì "côn trùng giao thông"?

Là người sinh sống và làm việc ở Nhật Bản nhiều năm nhưng tôi chưa từng nghe nói về cụm từ "shingomushi" hồi còn ở Nhật. Cho đến một hôm đi trên đường phố TP. Hồ Chí Minh, chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn trước cổng một trường học giờ tan tầm, tôi nghe cụm từ này  từ miệng một người bạn Nhật.

Vi phạm đèn tín hiệu giao thông, bấm còi vô tội vạ, ngang nhiên chiếm quyền lưu thông đúng luật của người khác, chở hàng hóa cồng kềnh, luồn lách các kiểu lao lên phía trước bất kể luật pháp, tôn ti trật tự...  Đây là những cảnh thường thấy trên các đường phố ở ta vào giờ cao điểm.

{keywords}
Cảnh tắc đường trên một con phố TP. Hồ Chí Minh, các phương tiện lưu thông rất lộn xộn. Ảnh: VietNamNet

Đã thế, không ít người vi phạm luật giao thông còn kênh cao, một chút hổ thẹn dường như cũng không có. Họ ngang nhiên phá hủy kỷ cương văn minh đô thị mà bao người hao công tốn sức xây dựng từng chút một. Họ là tác nhân chính tạo ra hình ảnh tệ hại về văn minh đô thị của người Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài.

Năm 1998, lúc còn là sinh viên, tôi hành nghề hướng dẫn viên cho một doanh nhân Thụy Điển là giám đốc công ty điện thoại Ericsson tại thị trường Malaysia. Ông tranh thủ mấy ngày nghỉ qua Việt Nam du lịch. Khi xe ô tô chạy qua khu vực bùng binh Hàng Xanh, ông ấy kinh ngạc thốt lên: "Các anh đang làm xiếc trên đường đấy à"!

Cách đây không lâu, khi ngồi chung ô tô với một doanh nhân người Nhật đến Việt Nam tìm đối tác, xe nhích từng mét trên đoạn đường Võ Thị Sáu từ Quận 1 hướng về ngã 6 tôi cũng lại được nghe một câu tương tự: "Người Việt Nam làm xiếc chứ đâu phải lái xe"!

Để khách bớt nóng lòng vì kẹt xe, tôi nói chuyện về vấn đề di dân cơ học tại các thành phố lớn của Việt Nam, những dự án giao thông chính quyền đang triển khai. Nhưng có lẽ do mất kiên nhẫn vì lãng phí thời gian, ông ấy nói chen: "Dự án này kia là việc lâu dài, việc cần làm ngay mà không tốn tiền là người dân phải biết tuân thủ luật giao thông tại sao không làm?”.

Tôi cảm thấy mình như đang bị rơi tự do không còn đường chống chế!

Nhân đây tôi xin gửi câu hỏi này tới các cơ quan chức năng, vì nó ngoài khả năng trả lời của tôi.

Người Việt Nam vốn có truyền thống, “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau" nhưng e rằng trong bối cảnh hôm nay đã không còn phù hợp. Mấy chục năm trôi qua, cái nhìn của người nước ngoài về giao thông Việt Nam vẫn là: "làm xiếc trên đường!". Những người làm du lịch nước ngoài còn "tếu táo" với nhau rằng: "nếu đi du lịch mạo hiểm chưa đủ thì hãy tham gia giao thông ở Việt Nam"! Tôi cũng từng nghe kể, các bạn Lào đùa: "Nghe tiếng còi xe biết ngay người Việt" v.v...

Một bạn Nhật sống chung tòa chung cư với tôi ở TP. Hồ Chí Minh có việc phải đi cách nhà tầm 2km, do bận việc, tôi không chở anh ấy đi được nên nói anh ấy lấy xe máy của tôi mà đi cho nhanh, nhưng anh một mực từ chối.

Tôi nài, "ở Việt Nam mà anh không trải nghiệm chạy xe máy là chưa phải ở Việt Nam", rồi giải thích các kiểu, là bằng lái của Nhật có giá trị sử dụng ở Việt Nam, nào là đường sáng sớm ít xe, nào là chỉ lưu thông trên một đoạn đường ngắn... Nhưng anh ấy nhất quyết gọi taxi vì: "bằng lái của tôi chưa làm thủ tục chuyển đổi theo quy định của luật pháp Việt Nam".

Câu chuyện của anh bạn người Nhật chính là bài học về việc tuân thủ luật pháp. Tôi ước gì người Việt Nam chúng ta sẽ sớm học được vài phần trăm từ sự "cứng nhắc" từ người Nhật.

Trúc Nguyễn

 

Là Phó chủ tịch trường FUV, cựu Đại sứ Ted càng gắn bó với Việt Nam

Là Phó chủ tịch trường FUV, cựu Đại sứ Ted càng gắn bó với Việt Nam

Tại cuộc chia tay vừa được tổ chức tại Văn phòng sứ quán Mỹ chiều qua, nguyên Đại sứ Ted Osius cho biết đã hoàn thành nhiệm vụ và sắp tới sẽ tiếp tục gắn bó với Việt Nam.

Chính sách Việt Nam: Ông Obama mở đường, ông Trump tiếp bước

Chính sách Việt Nam: Ông Obama mở đường, ông Trump tiếp bước

Tổng thống Trump đang duy trì hầu hết chính sách của người tiền nhiệm về Việt Nam.

Chân dung vị ‘quốc sư’ đắc lực cho 3 đời lãnh đạo TQ

Chân dung vị ‘quốc sư’ đắc lực cho 3 đời lãnh đạo TQ

Dù ông Vương từng là “quốc sư” đắc lực cho 3 đời lãnh đạo Trung Quốc, người ta vẫn ít biết về đời tư của ông.

‘No bụng’ rồi mới cần nghĩ đến văn hóa?

‘No bụng’ rồi mới cần nghĩ đến văn hóa?

Chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu tiếp tục xếp văn hóa lên một trong những dòng đầu trong các văn bản và xuống gần cuối trong cách thực thi.