Nếu một bậc thềm, một lối đi được xây nên mà không thể để cho tất cả mọi người có thể đi lên được, thì lỗi thuộc về chính cái bậc thềm đó, và cái bậc thềm đó mới bị “khuyết tật”.

Có hai câu chuyện trên báo chí về người khuyết tật, mà một chuyện khiến tôi đồng tình, một lại gây băn khoăn.

Đồng tình là với câu chuyện nói về sự phân biệt, đối xử đối với người khuyết tật, ở đâu đó trong các kỳ bầu cử. Rằng người khiếm thị không thể tự tay bỏ phiếu mà phải có người bầu thay liệu đã đúng luật chưa? Rằng ở một điểm bầu cử nào đó, người ta đặt hòm phiếu quá cao so với tầm với của người đi xe lăn, nhưng tổ bầu cử và những người có trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị đâu có ai quan tâm, để ý (không rõ thùng phiếu phụ như thường thấy để ở đâu)...

Những ý kiến đó thật hay và cần thiết, đâu chỉ trong chuyện cử tri khuyết tật đi bầu cử, mà trong tất cả mọi mặt của cuộc sống.

Còn câu chuyện khiến tôi có đôi chút băn khoăn là về cách nghĩ, lối viết của một vài phóng viên, tòa soạn nào đó hay chính bản thân về người khuyết tật. Đó là “câu chuyện cổ tích giữa đời thường” kể về Phong 5 năm liền cõng Tú đi học ở huyện Q, tỉnh Nghệ An. Cả hai không một lần chậm học dù mưa hay nắng, trải hết trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Thậm chí đôi bạn còn “mong muốn tiếp tục cùng thi đỗ đại học để cõng nhau vào giảng đường”!

Đây là câu chuyện có thật, vô cùng cảm động và thực sự là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Tuy nhiên, tôi cứ băn khoăn, tự hỏi, nhà trường, gia đình, xã hội biết hoàn cảnh Tú, biết câu chuyện của Phong và Tú diễn ra suốt 5 năm liền và thậm chí còn biết cả “mơ ước” của hai bạn ở thời tương lai. Vậy sao không có ai hành động thay vì chỉ một mực đồng thanh ca ngợi tấm gương sáng của Phong?

Thật sự, không khó để mua một chiếc xe lăn giúp bạn nếu người kém may mắn thuộc diện gia đình nghèo. Một người góp không đủ thì nhiều người. Như thế vừa giúp người khuyết tật chủ động trong đi lại và nhiều thứ khác, vừa giúp chính gia đình, người thân, bè bạn… Phong trào giúp đỡ người khuyết tật nhiều năm nay ở huyện Q. hay cả tỉnh Nghệ An là rất tốt và tôi thì không tin việc cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội ở địa phương lại để cho câu chuyện xảy ra… 5 năm liền như thế, chưa kể ở thì tương lai như bài báo viết?

Đành rằng ở thời gian khó, ở địa phương nghèo thì câu chuyện cõng bạn đi học là cần được biểu dương, cổ vũ. Cũng như khi còn nghèo khó, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc thì chuyện bản thiết kế nhà chung cư hay công sở chưa có lối đi riêng cho người khuyết tật, trên ô tô bus, trên tàu hỏa cũng chỉ dành cho người khỏe chen, mạnh trèo mới mong có chỗ đứng, còn lâu mới có chỗ ngồi, nói chi đến ô dành riêng cho người đi xe lăn hay người mang nạng gỗ!

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhưng có lẽ đã đến lúc phải nghĩ khác để làm nhiều hơn thế!

Việc tổ chức quyên góp tự nguyện của cá nhân hay tập thể, tại chỗ hay nhiều nơi khác để ủng hộ người khuyết tật, người cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai địch họa… đâu phải là chuyện hiếm? Hơn nữa, có phải chúng ta bao giờ cũng nghĩ về người khuyết tật như cách của người “bề trên”, chỉ thấy xót thương, cảm thông mà ít thấy lòng tự trọng, ý chí vươn lên vượt qua hoàn cảnh của họ.

Phải chăng, nên dành sự tôn trọng cao nhất đối với người khuyết tật bằng cách tạo cơ hội để họ vận động phấn đấu, rèn luyện vươn lên, để họ có thể vươn tới những điều thần kỳ trong cuộc sống.

Tôi đã gặp và chứng kiến đoàn vận động viên khuyết tật của Việt Nam trên chuyến bay London – Bangkok - Hà Nội hồi tháng 9/2015. Được biết, họ hoàn toàn tự chủ, tự lập trong suốt các chuyến tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và suốt cả chuyến bay dài trở về Việt Nam.

Tất nhiên, câu chuyện về sự hoàn hảo của dịch vụ hàng không quốc tế, về hạ tầng, thiết bị cũng như tinh thần, thái độ phục vụ chuyên nghiệp dành cho người khuyết tật là điều đã định hình từ lâu nay nhiều người đã biết, một lẽ hiển nhiên, thông thường như chính cuộc sống cần phải thế.

Cũng trong chuyến công tác đó, khi tham gia giao thông trên chiếc xe bus 2 tầng ở London, người bạn đã tế nhị dẫn tôi đến ngồi ở một ghế trống khi tôi vô tình bước lên ô dành cho người khuyết tật. Còn một tình huống khác tôi tròn xoe mắt khi xe bus dừng đỗ, người lái xe bấm nút để tự động mở cửa và thả xuống một đường dẫn dành riêng cho người đi xe lăn. Tôi nhanh nhảu có ý đẩy dùm xe lăn thì bạn tôi kịp nói khẽ: “Không, hãy để họ tự lên, họ muốn được chủ động mọi việc. Khi và chỉ khi họ ra hiệu cần giúp đỡ, ông mới có thể cúi xuống và chìa tay ra…”  

Trở lại câu chuyện bầu cử. Ở tư cách cử tri hay người làm báo, chắc chắn tôi đã quen thuộc với “quyền” của mình khi cầm lá phiếu và khi tác nghiệp theo yêu cầu của tòa soạn thì cần viết gì, ảnh nào cho phù hợp. Các vấn đề đối với người khuyết tật, hóa ra lâu nay mình cũng như… mọi người?

Lên ô tô, lên máy bay, đi lại trong chung cư hay siêu thị… những vị trí dành cho người khuyết tật không còn là câu chuyện của thời bao cấp, của thời gian khó chưa xa nữa.

Và trong kỳ bầu cử tới đây, liệu câu chuyện liên quan tới người khiếm thị tự tay bỏ lá phiếu, khi người ngồi xe lăn với tay tới thùng phiếu quá tầm với có còn là điều để báo chí bàn thảo hay không?

Bạn tôi có lần nói (nghe khá lạ tai): thực ra không có “người khuyết tật”, mà chỉ có “xã hội khuyết tật”. Nếu một bậc thềm, một lối đi được xây nên mà không thể để cho tất cả mọi người có thể đi lên được, thì lỗi thuộc về chính cái bậc thềm đó, và cái bậc thềm đó mới bị “khuyết tật”.

Và có phải, chính chúng ta còn có biết bao nhiêu cái bậc thềm vô hình trong tâm trí, trong tư duy và cảm xúc.

Châu Phú

>> XEM THÊM: