Phải chăng nhiều người lớn hôm nay đã và đang rất ích kỷ khi tranh giành với những đứa trẻ quyền được được đến trường học tập; được giáo dục đàng hoàng tử tế?

Dạo gần đây, nếu có dịp đi  ngang qua đường phố Cần Thơ, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tay cầm sấp vé số xòe ra trong giống như một cái quạt tại các ngã 03, ngã 04 dưới trụ đèn giao thông xanh, đỏ để bán cho khách qua đường vào mỗi buổi chiều tầm khoảng từ 14, 15 giờ trở đi. Dưới cái nắng chói chang, oi bức của vùng ĐBSCL đang vào mùa khô hạn, hình ảnh những đứa trẻ còm nhòm, mặt mũi đen đúa rất dễ khơi gợi lòng nhân ái của người đi đường. Vì vậy, theo quan sát của tôi, nhìn chung những đứa trẻ này bán vé số cũng rất “chạy”.

Tôi đem chuyện này kể với một người bạn thì nhận được lời cảnh báo: “Coi chừng mày bị lừa, những đứa trẻ ấy rất có thể bị bọn người xấu chăn dắt”. Thật lòng, tôi cũng không quan tâm chuyện mình có bị lừa hay không nhưng nếu sự việc đúng như lời bạn tôi nói thì càng tội nghiệp hơn nữa cho những đứa trẻ kia. Cũng phải nói thật là, mỗi khi ghé mua vé số cho bọn trẻ, ngoài sự xót xa cảm thông dành cho chúng nó, thường trực trong tôi là nỗi băn khoăn và hoài nghi cho tương lai của các bé.

{keywords}
Phải chăng nhiều người lớn hôm nay đã và đang rất ích kỷ khi tranh giành với những đứa trẻ quyền được được đến trường học tập; được giáo dục đàng hoàng tử tế? Ảnh minh họa. treem.gov.vn

Cách đât ít lâu, thông tin về 09 học sinh ở Quảng Ngãi bị chết đuối khi rủ nhau ra tắm sông làm cả nước thêm một lần nữa nghẹn ngào, đau xót. Bởi những vụ việc như thế thỉnh thoảng cứ lặp đi lặp lại, nhưng dường như vẫn chưa đủ để xã hội thôi lơ đễnh. Thậm chí theo thống kê của Bộ LĐ-TB &XH, “Việt Nam là nước có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm” [1].

Trước đó, người dân cả nước “thót tim” khi chứng kiến cảnh nhiều đứa trẻ trong trạng thái hoảng sợ, khóc òa trong ngày được cha mẹ dẫn theo để tham gia làm lễ dâng hương tại đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ. Rất may là, trong biển người khủng khiếp ấy, nhờ sự trợ giúp từ lực lượng công an, bảo vệ những đứa trẻ đã thoát khỏi cảnh “đuối...người” và được an toàn trở về nhà.

Trở lại chuyện những đứa trẻ bán vé số, mỗi khi dừng lại mua ít nhất một, hai tờ vé số cho con bé độ 08, 09 tuổi người đen nhẻm, áo quần rách rưới ngã 03 dưới chân cầu vượt Cần Thơ, lối vào siêu thị Big C, tôi lại nhớ đến chuyện một vài quan chức trước khi về hưu đã được địa phương “tạo điều kiện” cho đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm làm sổ xố” mà các cơ quan truyền thông đã đưa tin. Ra nước ngoài học tập chuyện gì khác chứ nếu chỉ để học làm xổ số thì nghe có gì đó tủi nhục cho trí tuệ của một dân tộc với bề dày “nghìn năm văn hiến”.

Kinh doanh xổ số nói cho cùng, đó là một phương thức kinh doanh chủ yếu dựa vào ước mơ, lòng tham và phần nào đó là sự lười biếng của con người trong xã hội. Nhất là thành phần nghèo khổ hoặc những kẻ ăn không ngồi rồi chỉ biết bấu víu và tin vào những điều rủi may của số phận. Đấy cũng là chỗ để những kẻ lười biếng lợi dụng xổ số lừa gạt nhau dưới hình thức “số đề”. Cho nên, một đất nước muốn phát triển bền vững và ổn định, thiển nghĩ không nên xem đây là một chiến lược để phát triển. Người lớn chúng ta không thể chỉ biết sử dụng những đứa trẻ chưa đến tuổi lao động để làm công việc phân phối và tiêu thụ vé số.

Theo kết quả báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ILO (Tổ chức lao động quốc tế) thực hiện năm 2012 cho thấy, cả nước có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 05 -17 tuổi. Nghĩa là có khoảng 9,6% dân số trẻ em trong độ tuổi từ 05 đến 17 đang là lao động trẻ em [2]. Đây là con số không hề nhỏ rất đáng để những người có trách nhiệm suy ngẫm. Con số này cũng nói lên xã hội đang tự đánh mất cơ hội của chính mình vì biết đâu trong số những đứa trẻ ấy nếu được bảo hộ và chăm sóc đàng hoàng sẽ trở thành nhân tài của đất nước?

Mỗi khi mua vé số cho một đứa trẻ nào đó, tôi thường hỏi thăm chúng: “Con có đi học không”, “có muốn đi học không?” thì đều nhận được một số câu trả lời: “Con không có đi học”, “con mới vừa nghỉ” hoặc “con rất muốn đi học nhưng nhà con nghèo quá chú ơi”... Mỗi khi như vậy, tôi thấy bản thân như có lỗi với bọn trẻ. Vì chẳng qua cũng chỉ là những lời thăm hỏi suông chứ tôi có giúp được gì cho bọn trẻ đâu. Những tờ vé số tôi mua cho chúng, nói cho sòng phẳng ra thì bọn trẻ đang vô tình bán hết may mắn cho tôi (nếu như tôi trúng số) chứ nào phải “làm ơn, làm phước” gì như lời chúng nó van xin, năn nỉ!?

Nhà nước ta vốn cũng có một bộ luật riêng dành cho trẻ em – “Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ”. Điều này thì ai cũng biết, nhưng có bao giờ chúng ta - những người lớn, những người có trách nhiệm – tự hỏi đã triển khai và thực thi như thế nào? Sử dụng ngân sách Nhà nước để ra nước ngoài học làm xổ số; hoặc đổ xô đi học tiến sĩ nhưng đa phần những công trình nghiên cứu chỉ bỏ vào ngăn tủ khóa lại. Phải chăng nhiều người lớn hôm nay đã và đang rất ích kỷ khi tranh giành với những đứa trẻ quyền được được đến trường học tập; được giáo dục đàng hoàng tử tế?

Cho nên, phải nói thật là tôi cảm thấy day dứt, mỗi khi nhớ lại những tấm băng rôn mà chúng ta vẫn dành cho bọn trẻ trong những ngày lễ Quốc tế thiếu nhi (01/6) hay rằm Trung thu hàng năm: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai...”, “Hãy dành những điều tốt nhất cho trẻ em” ;“Tương lai đất nước đang nằm trong tay thế hệ trẻ...” v.v và v.v ….

Chúng ta - những người lớn - có thật sự chăm lo và biết cách chăm lo thế hệ mai sau?

Nguyễn Trọng Bình

-----------

Chú thích nguồn:

[1]: Xem tại: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160417/chang-le-chi-biet-than-khoc-khi-hoc-sinh-chet-duoi/1085974.html

[2]:Xem tại :http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_237790/lang--vi/index.htm