Biết tự trọng, và trung thực, đó mới chính là văn hóa của những người cầm bút- ở bất cứ thời cuộc nào.

Dạo này tự dưng lại rộ lên chuyện đạo thơ. Mà có phải những người mới tập viết cho cam, toàn nhà thơ đã có tên tuổi.

Vụ lùm xùm quanh bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” thành ca khúc hùng tráng về biển đảo vẫn còn nóng trên mặt báo thì nghi án Phan Huyền Thư “đạo thơ” lại nổi lên. Không phải một bài mà có đến hai bài, trong cùng một tập được Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải mới là điều dư luận quan tâm.

Khó thay đổi tình thế

Chuyện ông Ngô Xuân Phúc ở Nghệ An nhận là tác giả bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” lúc đầu nghe ngồ ngộ, tưởng anh bộ đội chuyển ngành làm thế cho “oai” cho có tiếng vì chẳng có bằng chứng gì chứng minh là thơ ông mà lại dám nhận, trong khi nhà thơ Phan Quế Mai có đầy đủ bằng chứng, có đầy đủ bút tích.

Thế nhưng câu chuyện tưởng như không cân sức lại xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ. Cho đến nay có đến hai người đã thừa nhận đọc thơ ông Phúc. Một người là nữ nhà thơ, nhạc sỹ, một là một người làm công tác ở một trường ĐH có tiếng. Cả hai đều thừa nhận đã đọc thơ ông Phúc. Bà nhà thơ, nhạc sỹ còn có ý định sáng tác nhạc, còn ông cán bộ nọ đã đọc cho hàng trăm sinh viên nghe. Tuy nhiên buồn nhất là chả ai… nhớ câu nào…

Về trường hợp của Phan Huyền Thư thiết nghĩ cũng chả có gì là khó nhận ra. Nghi vấn việc nhà thơ “đạo” câu “Nếu tôi chết hãy đen tôi ra biển” lấy của Du Tử Lê là hơi gượng vì có thể tìm được đến hơn 80 bài đều có liên quan đến câu đó.

Ví như tác giả Hồng Dương: Nếu tôi chết xin cho ngọn gió/ Thả xác tro mặc nó cuốn đi. Hay Trương Văn Tú với bài Xin chôn tôi: Nếu tôi chết, xin chôn tôi với cây đàn cũ kỹ/ Phủ bụi trần nơi góc xó âm u. Còn Yên Sơn: Tôi tự hỏi nếu một mai tôi chết/ Cây có buồn đứng lặng chờ thu. Và Dư Thị Diễm trong Buồn: Khi tôi chết đừng liệm tôi dưới mộ/ Xác thân này xin thiêu đồt lửa hồng. Và tro cốt xin gởi về cố thổ. Rải lên ruộng vườn, khe, rạch, kinh, sông. Lại còn có cả bài hát: Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta của Thanh Tùng…

Dẫn chứng như thế đủ thấy câu đó đã trở thành rất chung của nhiều người chứ đâu phải chỉ một Du Tử Lê. Mà có thể Du Tử Lê cũng lấy ý từ những ý tưởng đó mà ra?

Nhưng bài sau thì không thể như vậy. Phan Huyền Thư dù có biện luận gì đi chăng nữa cũng khó thay đổi được tình thế. Và số phận tập thơ có được trao giải hay không lại là quyền của cái Hội ấy. Tin mới nhất cho biết Hội Nhà văn HN đã thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư. Tuy nhiên giải đã… rút nhưng rốt cuộc ai là người đạo thơ thì vẫn chưa rõ vì người trong cuộc vẫn chưa chấp nhận.

{keywords}
Hai chị em sinh đôi "Bạch lộ" và "Buổi sáng"

Nhìn xa hơn trong lịch sử, chuyện “đạo” trong làng báo làng văn cũng không thiếu. Một dạo dư luận xôn xao xung quanh chuyện thơ “nhập đồng”, thơ “thiền” của nhà thơ nọ. Rồi còn rất nhiều chuyện “cầm nhầm” thơ người khác làm thơ mình như chuyện nhà thơ Nguyễn Thị Mai với bài “Thăm nhà Nguyễn Bính”  đăng trên VNQĐ từ năm 2003 thì gần 10 năm sau nó có mặt trong tập “Nỗi niềm” của Vương Chất với tít là “Thăm nhà”. Tập đó không chỉ có 01 bài mà là hai bài “đạo” chỉ có khác là thay tít bài…

Văn hóa cầm bút

Còn rất nhiều, rất nhiều nhà thơ tự dưng một ngày đẹp trời thấy thơ của mình được đăng, được in trên báo hay sách nhưng nhìn kỹ  thì không phải là tên mình mà lại một tên lạ hoắc. Một dạo nhiều bài thơ của Trần Đăng Khoa được in mà không phải tên của nhà thơ mà là của những cậu bé khác, hay nhà thơ Vương Trọng cũng có trường hợp như thế… Những lúc như thế, các tác giả bị “đạo thơ” không biết nên khóc hay nên cười. Khóc vì đứa con tinh thần của mình lưu lạc khắp chốn giờ không phải là con mình, và cười vào mặt những người danh xưng là nhà văn nhà thơ không có lòng tự trọng, không có một chút nào liêm sỉ.

Trong văn học nói chung và thơ nói riêng không hiếm những trường hợp lấy nguyên xi câu của người khác, ý của người khác làm câu, làm ý trong thơ của mình. Cái khác nhau giữa người “đạo” và người trung thực chính là ở sự ghi chú câu thơ ấy, ý thơ ấy từ đâu. Làm như vậy không thể nói là giảm sự hay ho, hay hạ thấp mình. Có câu “Người ta lớn bởi vì người ta quỳ xuống”.

Nhìn sang các lĩnh vực khác, nhất là trong khoa học chúng ta còn phải đứng trên vai những người không lồ kia mà. Tư duy nhân loại là dòng chảy và thế hệ sau đi tiếp cái dòng chảy ấy. Cái mới của người đi sau là dựa trên cái nền tảng đã có để tìm ra cái mới. Trong văn học và nhất là trong thơ khác hơn ở chỗ anh tiếp thu tri thức ấy để sáng tạo cái mới cái độc đáo chứ không bao giờ lặp lại, từ đó hình thành nên cái riêng của từng cá nhân. Có thể dựa trên ý thơ ấy mà khai phá, sáng tạo ra những chân trời mới.

Viết về mẹ chẳng hạn, thế giới và cả Việt Nam có bao nhiêu người đã viết. Viết về tình yêu cũng vậy nhưng không phải nhiều người đã thành công.

Puskin viết về tình yêu không chỉ là những lời ngợi ca tình yêu mà cái độc đáo là ở chỗ mặc dù yêu đến cháy lòng nhưng ông vẫn “Cầu mong em được người tình như tôi đã yêu em”. Còn Việt Phương thì “Ta đi yêu người ta yêu nhau” để cuối cùng thành “Nâng cuộc đời ta lên tình yêu”..

Thật ra các nhà văn nhà thơ là người phản ảnh cái hiện thực khách quan thông qua tri thức và văn hóa của từng cá nhân. Cái hiện thực đó được sáng tạo lại trong mỗi nhà văn nhà thơ. Những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác cho rằng chính người nông dân mới là người khai phá để lộ ra những cục vàng còn người trí thức là biết phát hiện và nhặt lấy. Chế Lan Viên có 04 câu thơ rất hay: Bài thơ của anh anh làm một nửa thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy/ Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá/ Nó không là anh, nhưng nó là mùa.

Như vậy văn hóa cầm bút của nhà văn nhà thơ chính là sự trung thực, thiếu đi điều đó thì sẽ chỉ là một anh đi nhặt lại ý của người khác. Phải là những người  sáng tạo, đột phá trên cái nền nền văn hóa tri thức của dân tộc của các thế hệ đi trước. Không phải là ăn cắp ý tưởng, không phải là diễn giải người khác nói mà đẩy ý tưởng đó lên tầm cao mới.

Biết tự trọng, và trung thực, đó mới chính là văn hóa của những người cầm bút- ở bất cứ thời cuộc nào.

  • Nguyễn Đăng Tấn