Ông bà xưa đã từng khẳng định “phi thương bất phú” tức là, khi không có trao đổi buôn bán thì không thể có cơ hội làm giàu được. Ngược lại theo chiều dài của lịch sử, chưa có một tài liệu, tư liệu nào khẳng định nước ta là “nước giàu”, là “nước phát triển” trong bản đồ kinh tế thương mại của nhân loại?

Tục ngữ ca dao đã từng ghi nhận “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”, đây là những đô thị cổ, những thương cảng lớn, nơi giao thương quốc tế sầm uất phồn thịnh nổi tiếng, nơi dừng chân của các thuyền bè bốn phương đến buôn bán ở đàng ngoài. Rất nhiều người nước ngoài Hoa, Nhật, Xiêm La, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… sinh sống làm ăn tại đây, tạo nên một đô thị quốc tế, một cộng đồng dân sinh tứ xứ linh hoạt và náo nhiệt.

{keywords}
Ảnh minh họa: DNSGCT

Nhưng những định hình thương mại quốc tế cổ xưa ấy có một điểm chung là người Việt chúng ta rất thụ động, sự linh động dành hết cho các thương gia đến từ nước ngoài, họ chủ động tìm đến ta chứ không phải ta chủ động tìm đến họ.

Vì thế, cho dù có “phi thương bất phú” thì cũng chỉ là bán phần ngọn sản phẩm của mình và mua phần đáy sản phẩm của họ, lợi nhuận từ đó không cao. Và vì các thương gia quốc tế chủ động tìm đến ta nên họ nắm bắt nghiên cứu được nhu cầu tiêu dùng của người Việt, còn mình thì lại “mù tịt” thị hiếu họ muốn gì? Đó cũng là câu trả lời cho việc tại sao Việt Nam xưa nay không có nổi một đội thương thuyền mạnh mặc dù bờ biển trải dài theo chiều dài đất nước.

Một nguyên nhân khiến nữa cho người Việt “nghèo mãi” là văn hóa cổ truyền thống nước mình gắn liền xuyên suốt với đạo Nho, mà đạo Nho là đặt việc buôn bán làm hàng thứ yếu, không được coi trọng - “nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương”. Sự định hình mọi mặt từ chính trị, kinh tế đến xã hội Việt Nam xưa dựa trên nền tồn tại của làng xã, của nền văn hóa tiểu nông, lúa nước khiến nhiều cư dân quanh năm suốt tháng, thậm chí cả đời không bước chân ra khỏi cổng làng. Từ đó sinh ra một hệ thống chính sách thiếu linh hoạt, thiếu chủ động trong giao tiếp, thiếu hòa nhập với bên ngoài, với quốc tế.

Cách thoát nghèo, vượt khổ

Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và từng bước hoàn nhập với thế giới. Rất nhiều người nghèo đã từng có ước mơ, thậm chí có cơ hội để thực hiện nhưng không chủ động, kiên định, có kế hoạch dài lâu, chỉ muốn chụp giựt, mánh mung ngắn hạn… thì rốt cuộc vẫn còn nghèo, mãi vẫn chưa giàu.

Chuyện một quốc gia cũng vậy, muốn giàu, muốn phát triển thì dứt khoát phải chủ động xây dựng những chính sách có tầm nhìn xa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khởi nghiệp, kích động tinh thần khởi nghiệp trong từng người dân bằng sự công bằng minh bạch trong chính sách.

Một quốc gia muốn mạnh giàu, môi trường kinh doanh phải bình đẳng, lành mạnh, kích thích sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các khu vực kinh tế. Dây chuyền công nghệ và tay nghề người lao động phải được nâng lên về chất lượng, để tạo ra hiệu quả năng suất và chất lượng.

Một quốc gia muốn mạnh giàu, phải ngăn chặn được quốc nạn tham nhũng, lãng phí trầm trọng, làm hao hụt ngân khố, nợ công, nợ xấu tăng cao.

Trong sự chuyển động đó, muốn thoát nghèo, quốc gia phải coi trọng từ đầu tư đến xây dựng một nền giáo dục dân chủ, khai phóng, tạo ra nguồn nhân lực lao động sáng tạo.

Muốn giàu, chỉ có một cách duy nhất là… chủ động thoát nghèo.

Minh Phước