Một nguyên nhân quan trọng khiến cho vai trò nắm bắt thông tin của đa phần các cò bất động sản “làng nhàng” gần như biến mất, đồng  nghĩa với việc kết thúc và tàn lụi của một nghề nghiệp đặc thù và rất Việt Nam.

Người ở giữa & các loại “cò”

Do có nhu cầu tìm hiểu chuyện nhà cửa, tôi đã nhờ anh bạn Mỹ có tên “Google” làm trung gian giúp đỡ. Anh bạn Mỹ này có thể rất giỏi tìm kiếm thông tin trên khắp thế giới, nhưng ở VN - cụ thể là trong lĩnh vực thông tin nhà đất - thì để có thể đáp ứng được yêu cầu về độ tin cậy và chất lượng của hàng triệu thông tin mà anh tìm được đó, có lẽ những người sinh ra anh cần phải đến và nhúng mình vào môi trường VN khoảng vài chục năm nữa(!)

Nguyên nhân rất đơn giản: thông tin trong lĩnh vực này đang bị kiểm soát và làm cho nhiễu loạn bởi một đội ngũ đông đúc (thuộc diện hàng đầu thế giới). Chúng ta vẫn hay gọi một cách lịch sự là “nhân viên môi giới” hay theo cách dân dã là “cò”. Chính đội ngũ này đã góp phần làm cho chút ít niềm tin của tôi về sự chuyên nghiệp của những “sàn giao dịch BĐS” - nhiều như nấm sau mưa hiện nay - trở về con số không tròn trĩnh.

Xưa kia, khi người dân chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp và chút ít tiểu thủ công, thì việc những người làm nghề buôn, bán, trao đổi hàng hóa và kết nối giữa bên có bán và bên cần mua không được đánh giá cao do tính chất “tĩnh và âm tính” của xã hội lúc bấy giờ. Sự hạn chế trong nhu cầu của người dân về trao đổi thông tin đã khiến cho lực lượng “trung gian” này không thể phát huy thế mạnh liên quan đến việc “thạo tin” của mình. Thứ hạng ưu tiên sĩ, nông, công, thương trong bối cảnh xã hội khi đó đã nói lên nhiều điều.

Thời kỳ bao cấp và kinh tế tập trung, một số loại thông tin được coi là “xa xỉ” đối với nhiều người. Khi các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh không được khuyến khích, khiến cho những ai có lợi thế nắm giữ thông tin và các mối quan hệ không thể mở ra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ môi giới và kết nối giữa các bên có nhu cầu.

Thay vào đó, nhiều người tìm cách hoạt động đơn lẻ và chủ yếu kết nối người dân với các nơi cung cấp dịch vụ công quan trọng vào thời đó như bệnh viện, bến xe, bến tàu hay các điểm đăng ký hộ khẩu, nhà đất, xe cộ. Đấy chính là thời hoàng kim của những loại “cò”.

Trong xã hội hiện đại, khi một số rào cản đơn giản bị dỡ bỏ. Các thủ tục được công bố rộng rãi cùng sự ra đời của nền hành chính một cửa đã khiến cho đa phần các “cò” trong lĩnh vực này thất nghiệp. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội; đặc biệt là các công cụ tìm kiếm trên nền tảng Internet như Google đã giúp người dân dễ dàng tìm ra được những thông tin hay quy trình thủ tục. Những thứ trước kia phải nhờ đến các “cò” mới có thể có được.

Như vậy, ngoại trừ những thông tin có tính “bảo mật” cao, hạn chế chia sẻ; hoặc đang bị một vài cá nhân hay nhóm lợi ích cố tình che dấu hòng kiếm lợi, thì đa phần các thông tin thuộc loại phổ thông đều có thể tiếp cận bởi bất cứ ai có chút kiến thức về mạng và internet. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho vai trò nắm bắt thông tin của đa phần các cò thuộc diện “làng nhàng” gần như biến mất, đồng  nghĩa với việc kết thúc và tàn lụi của một nghề nghiệp đặc thù và rất Việt Nam.

Tuy nhiên, do khả năng thích ứng và chống chịu của dân ta là rất cao, nên không dễ gì những con người (thường được cho là tinh khôn hơn người khác) ấy có thể dễ dàng để cho mình “mất nghiệp”. Để thích ứng với thời cuộc, họ cần phải đoàn kết lại tạo nên sức mạnh lớn hơn, hỗ trợ nhau tốt hơn và tạo ra hiệu suất lợi nhuận tốt hơn! Vậy kết quả là gì?

Thứ nhất, về hình thức, ngày nay các cò đất đã nâng cấp và phân cấp thành hai nhóm chính, bao gồm: (i) nhóm của số ít những cò trước kia có tích lũy tư bản và vốn liếng xã hội sâu rộng, có nhiều mối quan hệ với các quan chức hay giới tài phiệt.

Họ nhanh chóng từ bỏ vai trò làm dịch vụ và trung gian kết nối như trước đây. Thay vào đó họ trực tiếp hoặc liên kết đầu tư vào các lĩnh vực hoặc địa điểm có nhiều tiềm năng mà họ nắm rõ nhờ các mối quan hệ. Cao hơn nữa có một số người đứng sau các nhóm lợi ích nhằm chi phối các chính sách phát triển của nhà nước với mục đích có lợi nhất cho họ. Xã hội gọi họ là các “cò chính sách”.

Nhóm thứ hai (ii), chiếm đa số, do không có điều kiện để bứt phá nên họ có con đường đi cho riêng mình và chuyển mình từ những cò đơn lẻ thành các công ty, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ thay thế. Điển hình của nhóm này chính là các trung tâm môi giới, giới thiệu việc làm, các công ty môi giới giao dịch BĐS mà chúng ta hay gọi là “sàn giao dịch”.

Thứ hai, về chức năng, do nhu cầu xã hội đã và đang thay đổi nhanh chóng, nên ngoài sự thay đổi về hình thức để kịp thời thích nghi ra, thì việc định hình các chức năng mới để đảm bảo tính sinh tồn là không thể thiếu. Một khi lợi thế về thông tin không còn là thế mạnh như trước và khi các thủ tục hành chính không còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, thì các đơn vị cò cũng đã phải định vị lại các chức năng và vị thế của mình trong bối cảnh mới theo hướng chuyên biệt và chuyên nghiệp hóa.

{keywords}
Môi giới giao dịch bất động sản từng là nghề 'hái ra tiền' ở VN, nhiều người đã đổi đời sau một đêm vì công việc này.

Đổi hình, thoát xác: "cò" có thay đổi?

Xét trên lý thuyết, vai trò kết nối của các cò ngày trước giờ được thay bằng hỗ trợ kết nối, đồng thời vai trò tiếp cận dịch vụ công trước kia nay được chuyển đổi thành cung cấp dịch vụ với giả định: tôi cần bạn giúp không phải là tôi không biết cách làm hay không có thông tin, mà bởi vì tôi không có đủ thời gian để làm. Trong khi bạn có thể làm việc đó tốt hơn tôi nhiều lần do được chuyên môn hóa.

Vậy trừ đội ngũ ít ỏi của các “cò chính sách”, vị thế của đông đảo các “nhà môi giới” hiện thời có được nâng cao sau khi đã thay đổi cả về hình thức lẫn chức năng? Có vẻ là không!

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho đội ngũ này vẫn được xã hội gọi tên và xem như như những con “cò mồi” – một hình ảnh có nguồn gốc từ việc những người bẫy chim trời sử dụng một vài con cò đã được thuần hóa để làm “mồi” nhử, dụ dỗ những con cò ngây thơ đang tự do tin vào  những thứ không có thực để rồi bị sập bẫy.

Trong nhiều nguyên nhân đó, có lẽ thứ cốt lõi nằm ở sự nhận thức nghề nghiệp của những người trong nghề khi họ chưa thể thay đổi để tiến kịp với các biến đổi của thời cuộc. Với đa phần, họ vẫn chưa thể chấp nhận một sự thật là vai trò độc quyền và lợi thế nắm giữ thông tin ngày nay không còn là của riêng họ nữa. Do đó, nhiều người vẫn hàng ngày tìm cách làm nhiễu loạn thông tin để cố vớt vát những gì từng được xem là thế mạnh.

Kết cục là, càng níu kéo, họ càng thua thiệt, do chính bản thân họ cũng trở thành nạn nhân của sự nhiễu loạn này. Tính xác thực trong những thông tin hay lời hứa mà họ cung cấp cho khách hàng ngày càng xuống cấp. Một kết cục buồn là chả mấy người còn dành niềm tin cho nghề nghiệp này giống như những gì vẫn và đang xảy ra trong xã hội VN hàng thế kỷ qua.

Dù sao thì thói quen và nhận thức được hình thành trong cả trăm năm qua không dễ gì thay đổi trong một vài ngày. Một khi  chính bản thân họ tự định vị nghề nghiệp của mình như là người ở giữa, kết nối và gắn kết xã hội trên phương diện kinh tế chứ không phải là thành phần “không thể thiếu”.

Lúc đó trong từ điển tiếng Việt sẽ chỉ còn có từ “cò” chỉ một loại chim.

Trần Văn Tuấn