“Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”, những cáo buộc lẫn nhau, những đòn trả đũa và phản trả đũa đang ngày một nhiều hơn giữa Nga và Thổ đang khiến căng thẳng tiếp tục leo thang.

Cuộc chiến mới của Putin và Erdogan
Con át chủ bai của Putin
Sau "phát súng cảnh cáo", Putin thề sẽ trừng phạt

Tàu khu trục Smetlivy của Nga đang neo đậu tại biển Aegean đã bắn cảnh cáo một tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều lần cảnh báo mà tàu cá này vẫn tiến lại gần tới mức chỉ còn cách 600m.

Hiện chưa rõ tàu cá Thổ vô tình hay cố ý tiến sát tới tàu chiến của Nga, bởi ngư dân trên tàu này sau khi quay về khẳng định không nghe thấy cảnh báo nào, và họ ở xa tàu chiến kia tới mức không biết đó là tàu nước nào.

Câu chuyện nghe na ná vụ máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay cường kích Su-24 của Nga cách đây 3 tuần, mà phía Thổ nói là do phi công không phản hồi cảnh báo xâm phạm không phận của Thổ. Viên phi công còn sống sót trong vụ này khẳng định không nghe thấy bất cứ cảnh báo nào. Tranh cãi về việc này đang chờ được làm sáng tỏ khi Nga sẽ mở hộp đen của máy bay bị bắn rơi.

{keywords}
Ảnh minh họa: 24h.com

Bộ Quốc phòng Nga đã triệu tập Tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow để phản đối “hành động khiêu khích” trên biển và cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá đắt cho những hành động tương tự sau này. Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng việc Nga bắn cảnh cáo tàu cá Thổ là “phản ứng thái quá”, đồng thời tuyên bố sự kiên nhẫn của Thổ chỉ “có giới hạn”.

Có lẽ chẳng cần phải so sánh về mức độ thái quá giữa hai sự việc – một bên là máy bay Thổ bắn rơi máy bay Nga mà họ cáo buộc vi phạm không phận, dẫn tới hậu quả là một phi công thiệt mạng, và bên kia là tàu chiến Nga bắn cảnh cáo tàu cá Thổ vì cố tình tiếp cận ở cự ly quá gần bất chấp nhiều cảnh báo.

“Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”, những cáo buộc lẫn nhau, những đòn trả đũa và phản trả đũa đang ngày một nhiều hơn giữa hai bên đang khiến căng thẳng tiếp tục leo thang.

Một loạt các sự cố trên biển và trên không, cùng với những cáo buộc và thách thức lẫn nhau, nếu không được giải quyết bằng đàm phán, chắc chắn chỉ khiến căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước vốn xung đột về mục đích tại Syria.

Mục đích của hai nước này tại Trung Đông càng phức tạp hơn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định điều 100 binh sĩ tới một căn cứ quân sự gần Mosul (Iraq) – hành động mà cả Iraq, Iran và Nga đều cáo buộc là vi phạm chủ quyền của một quốc gia độc lập.

Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang xắp xếp các quân bài cho một trò chơi mới bằng việc thay đổi không gian trong cuộc khủng hoảng với Nga và định đối trọng với một mạng lưới quyền lực Nga- Iraq- Iran.

Mong muốn (hay khả năng) của Thổ Nhĩ Kỳ thách thức sự ảnh hưởng này là một điều mới đối với Nga. Rồi chúng ta sẽ thấy Moscow đáp trả như thế nào và Mỹ phản ứng gì trước sự nổi lên của một trung tâm quyền lực mới mà Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tạo ra.

Đức Đan