Người cơ nhỡ, lang thang, người ta có khi lâm vào những hoàn cảnh như thế đó, nhưng bảo để gom về sống một chỗ, thì chưa hẳn đã chịu. Người làm làm chính sách, cần thiết thực và tính đến những trường hợp đó, thay vì cứng nhắc.

Cho tiền người ăn xin: Giúp mình hay giúp người

LTS: Câu chuyện TP.HCM đưa giải pháp xử lý câu chuyện người lang thang, cơ nhỡ, trong đó có chủ trương "không cho tiền người ăn xin" đã gây ra những tranh luận trái chiều. Có tờ báo điện tử còn  thăm dò dư luận về vấn đề nên - không nên với những ý kiến đa dạng. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Hoàng Xuân để bạn đọc tranh luận.

Chừng 5 năm trước, tôi ở trên Gò Vấp và thường về nhà qua đường Nguyễn Kiệm. Gần đến ngã ba Chú Ía (nay là một bùng binh lớn), phía tay phải thuận chiều, trước mặt trụ sở UBND phường, có một người ăn xin già đêm nào cũng ngồi đó. Khác với những người ăn xin khác thường hay van vỉ, chú hoàn toàn im lặng, khi có người ghé vô cho tiền cũng chỉ nói một câu cám ơn nho nhỏ. Có những đêm mưa, đường vắng tanh, chú vẫn trùm áo mưa ngồi đó, người run lên khe khẽ từng đợt. 

Chú là chú Tư, năm ấy đã sáu mấy tuổi, xưa đi lính chế độ cũ, bị thương cả hai chân cưa cụt đến sát háng, di chuyển bằng hai cái ghế gỗ nhỏ lót vào tay. 

Một đêm, nhóm bạn chúng tôi biếu chú Tư tiền rồi theo chú về nhà. Chú có nhà và có cả vợ. Mặc dù "nhà" là cái chái chút xíu, đắp điếm bằng đủ thứ tôn lá, bên vách một hàng xóm tốt bụng. Vợ chú, cô Tư, gương mặt trong veo nhưng người mỏng như tàu lá lúa và hai ống chân chỉ chừng như hai cái đũa cả. Anh hàng xóm kể, cô mang nhiều bịnh lắm, trước còn đi lại được nhưng giờ yếu quá, "con chó đụng vô cũng té". Cô Tư ở nhà quét tước, nấu ăn, dọn dẹp. 

Đây là khu dân cư mới ở tuốt sâu bên quận Bình Thạnh, gần ra tới sông, đường vô ngoằn ngoèo vừa một xe máy chạy. Hai bên đường và xung quanh khu nhà um tùm lau sậy, cỏ lác.

Hàng đêm, chú Tư thuê một anh xe ôm chở tới bên đường Nguyễn Kiệm, ngồi chờ lòng tốt của người qua lại, đến khoảng nửa đêm, anh xe ôm lại chở chú về. Có những hôm mưa rả rích cả ngày thì đêm chú Tư cũng vẫn ra ngồi đó, nếu không cả hai vợ chồng đều đói. Nếu mưa lớn quá, đường phố không có người đi hoặc chú bịnh-mà chú bịnh hoài-thì chú ở nhà, mượn tiền mua gạo ăn. Thấy trong mình đỡ đỡ một chút chú lại ra đường. Có những hôm mưa to gió lớn, chú kể-xe ôm chỉ chở chú về đầu đường. Còn suốt đoạn đường mòn ngập trong sình lầy, đêm đen, chú một mình lụi cụi lần mò, bò về được tới nhà thì sình dính tới đỉnh đầu, rét run từ trong bụng run ra. 

{keywords}
Ảnh minh họa: vnphoto

Gần như ngày nào tôi cũng ghé qua chú hỏi thăm mấy câu. Lúc mua biếu chú ít gạo, lúc gửi tặng mấy bộ quần áo cũ. Chú hiền và tội nghiệp nên ngay cả những cô ve chai nửa đêm chở nghềnh nghễng mấy bao tải đồ lượm lặt trên chiếc xe đạp cũng vòng lại, biếu chú mấy ngàn đồng. Sau đó, tôi viết một bài về chú trên blog, có tờ báo lấy về đăng, bạn đọc với phóng viên trong báo biếu chú ít tiền. Chút tiền đó không lớn, hy vọng sẽ giúp chú phần nào không phải ra ngồi dưới mưa lạnh. Nhưng ít lâu sau, tôi được biết chú đã xài số tiền đó để chữa bệnh cho cô.

Tôi không còn đi qua đường Nguyễn Kiệm nữa, đã nhiều năm rồi tôi không còn biết tin tức gì. Nhưng tôi chắc nếu còn sống thì chú vẫn tiếp tục đi ăn xin đâu đó thôi.

Vừa rồi nghe TP HCM ra quyết định đề nghị không cho tiền người ăn xin. Quyết định này khiến tôi nhớ đến chú và tự hỏi: nếu như ngày trước chúng tôi không biếu chú tiền thì sao? Nếu như chúng tôi giúp chú và cô được nhận vào trại nuôi dưỡng người khuyết tật nào chẳng hạn, tôi chắc dù không được sống tự do thoải mái bằng những ngày ở lúm túm với nhau trong cái ổ rách nát kia, nhưng cô chú sẽ không phải bữa đói bữa no, không phải đêm đêm phơi mặt ra gió bụi, run rẩy dưới cơn mưa tầm tã, và đêm đêm một mình bò lết như con sâu trên con đường mòn ngập bùn, mới về được nhà. 

Nhưng dường như không ít người thích sự tự do chông chênh đó hơn là cuộc sống khuôn khổ trong các mái ấm? Như trường hợp thương tâm dưới đây.

Có một lần,  tôi đi chợ ở gần nhà mua trái cây. Đang lúi húi chọn, chợt nhìn lên thấy cô bán hàng hai mắt mọng đỏ. Ái ngại quá, tôi hỏi thăm thì cô trút nỗi lòng như sóng trào. Hóa ra cô đã có chồng, con ở quê, hai đứa con gái chậm trí não. Cả mẹ chồng và anh chồng đều đổ tội cho cô làm mất dòng giống nhà họ, vì trước nay gia đình không người nào bệnh như thế. Mẹ chồng còn xúi con trai bỏ vợ, tìm người khác đến sống chung. Ức lòng, cô ôm hai con gửi mẹ đẻ, rồi  vô Sài Gòn buôn bán kiếm tiền. Hôm nay, vừa gặp người quen hỏi thăm, nhớ con nên cô khóc.

Tôi nhớ đến những mái ấm mình từng biết ở Củ Chi, họ sẵn sàng nhận trẻ khuyết tật, trẻ được chăm lo và nuôi dạy tương đối tốt. Tôi khuyên cô tìm cách mang hai con tới gởi ở những nơi đó và hứa sẽ tìm cách giúp. Chứ sống với bà ngoại ở quê tuy ruột thịt nhưng ở nơi vắng vẻ, bà đã già, hai cháu gái  đang lớn, có những chuyện bà không thể chăm lo cho cháu hết được, lỡ bị xâm hại thì sao?

Sau vài hôm như đã hẹn, tôi gặp lại cô bán trái cây. Mặt sáng trưng, cô kể bữa giờ có nhiều người đã hỏi thăm giúp và chở cô đi xem, có những mái ấm của nhà thờ sẵn sàng nuôi hai bé. Họ nuôi dạy chu tất, nhưng mẹ không được ở đó, chỉ hàng tuần vào thăm. Hỏi cô quyết định thế nào, cô lại khóc, nói gởi hai bé vô đó thì yên tâm lắm, họ miễn phí hoàn toàn, nhưng em không thể xa con được đâu. Tôi nói, dù sao bây giờ vẫn là xa.

Cô ấy lại khóc ướt cả áo rồi nhắc đi nhắc lại, giờ tuy xa nhưng lúc nào em cũng về thăm nó được, nó sống với bà ngoại, chứ gởi vô kia sống với người xa lạ, thôi cái số kiếp em như vậy rồi, em sống thì sống với các con, lỡ làm sao ba mẹ con chết với nhau, chứ em không thể xa con được.

Tôi nổi giận với cô ấy. Rồi tôi quay sang giận mình vì đã không thuyết phục được cô. 

Người cơ nhỡ, lang thang, người ta có khi lâm vào những hoàn cảnh như thế đó, nhưng bảo để gom về sống một chỗ, thì chưa hẳn đã chịu. Người làm làm chính sách, cần thiết thực và tính đến những trường hợp đó, thay vì cứng nhắc.

  • Hoàng Xuân