Nếu coi viết đẹp là thước đo của nhân phẩm thì phương Tây toàn là “người xấu” cả.

Ai dám nhận định "Bác sĩ thường xấu nết"?

Lỗ Tấn nói: "Làm gì có đường sẵn, do người ta đi mãi mà thành đường thôi".

Người ta gọi ấy là lối mòn. Đi mãi mà thành quen và người ta cũng không nghĩ thêm liệu đó có phải là con đường đúng (ít nhất là về "quy hoạch") hay liệu đó có phải là con đường ngắn nhất để đi tới điểm cần tới hay không?

Phương Đông không có thói quen hay ở mức cao hơn là tư duy: Hỏi và Nghi ngờ.

Đó là chúng ta đang nói tới cái gọi là lối mòn tư duy, trong đó người ta chấp nhận  những cái sai là đúng chỉ bởi vì nó đã ăn sâu vào suy nghĩ nhiều thế hệ mà thôi.

Việc nghĩ và cho rằng: "Nét chữ là nét người” là một câu chuyện như thế.

{keywords}
Trẻ em Việt Nam mất quá nhiều thời gian cho việc luyện chữ.

Ai cũng biết rằng bao năm nay chúng ta ép trẻ phải làm môn tập viết và chính tả hàng ngày hàng giờ trên lớp và ở nhà. Bao thế hệ lớn lên và tốn nhiều giờ trong cuộc đời học trò miệt mài luyện viết chữ đẹp. Biết bao cuộc thi viết chữ đẹp các cấp được tổ chức nhằm tôn vinh những đứa trẻ viết đẹp với tinh thần: đó chính là những bông hoa tâm hồn và phẩm chất. Chữ đẹp được tôn vinh ở tầm cao sánh ngang với trí tuệ xuất sắc.

Nhưng chưa có một minh chứng khoa học nào chứng tỏ được những đôi tay viết chữ đẹp sẽ lớn lên và trở thành những tâm hồn và phẩm cách đẹp và những đôi tay viết chữ xấu sẽ lớn lên và trở thành những kẻ xấu xa.

Chưa bao giờ có những minh chứng được nghiên cứu bằng phương pháp khoa học, thậm chí ở mức sơ đẳng là số liệu thống kê thô sơ. Và tôi tin là sẽ chẳng bao giờ có những thứ như thế.

Trong thực hành khoa học giáo dục, phương Tây mặc nhiên và từ bao đời nay không ép trẻ con phải viết đẹp. Nếu chẳng may viết đẹp thì là do đứa trẻ có một năng khiếu về cơ tay và vận động tinh nào đó mà thôi chứ tuyệt nhiên không phải do rèn luyện hay tập luyện nhiều giờ và hàng ngày khi còn nhỏ như ở ta.

Các nhà giáo dục phương Tây chỉ yêu cầu bọn trẻ viết rõ ràng. Đó là yêu cầu gần như là duy nhất. Có thêm một chút thì đó là viết nhanh. Tuy nhiên đó là sự khuyến khích chứ không phải bắt buộc. Gắn liền với con chữ thì phương Tây đưa vào một kỹ năng quan trọng hơn: ĐỌC NHANH chứ không phải VIẾT ĐẸP.

Và hiển nhiên chúng ta cũng nhận thấy nhiều cá nhân tuyệt vời của phương Tây không hề có chữ viết đẹp theo cách nhìn của chúng ta. Các em hầu hết là viết xấu và nếu coi viết đẹp là thước đo của nhân phẩm thì phương Tây toàn là bọn người xấu xa bỉ ổi cả.

Chuyện đó đương nhiên quá ư là nực cười.

Sâu xa hơn, cá nhân tôi cho rằng việc ép học sinh viết chữ đẹp thể hiện tư duy giáo dục ép buộc của chúng ta lên trẻ em và đó là một công cụ trong các cuộc đua về thành tích trong đầy dẫy các cuộc đua thành tích khác trong giáo dục.

Mà thành tích theo kiểu bệnh hoạn thì đương nhiên chỉ là một thứ hình thức không hơn không kém và trong trường hợp viết chữ này thì đó thậm chí là sự giả dối và chúng ta ép và dành cho nhau. Dành cho bao thế hệ học sinh từ trước tới nay của chúng ta.

Nền giáo dục khoa bảng nặng nề của phương Đông chú trọng vào viết chữ đẹp gắn liền với phương pháp học thuật "tầm chương trích cú" trái ngược hoàn toàn với phương pháp nghiên cứu khoa học của phương Tây.

Văn chương chứ không phải là công nghệ đươc coi trọng và vì thế mà chúng ta và Trung Quốc mãi không phát triển được và bị phương Tây bỏ xa trong cuộc đua về phát triển. Lịch sử đã cho thấy một sự thật hiển nhiên: kỹ trị mới là gốc gác của trị quốc mà Nhật Bản là ví dụ tiêu biểu cho câu chuyện này.

Ngày nay, trên cả công nghệ thông thường, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Internet Of Things (IOT) mà trong đó tư duy máy tính được coi là gốc gác và quan trọng bậc nhất.

Và Phần Lan, một quốc gia có nền giáo dục phổ thông nhân bản và phát triển bậc nhất thế giới, đã coi kỹ năng đánh máy nhanh là bắt buộc cho học sinh. Một lần nữa, viết rõ và nhanh đã bị giảm thêm tầm quan trọng.

Vậy thì Viết Đẹp có còn ý nghĩa gì nữa không?

Xin thưa là không và đã tới lúc chúng ta phải chấm dứt việc bắt ép hàng triệu học trò các cấp của chúng ta ngày đêm luyện tập viết chữ trên trường, trên lớp và ở nhà rồi các nhà giáo dục, các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ ạ.

Nguyễn Tuấn Hải

"Đại học là học đại", nỗi ớn lạnh nhân sự bằng đỏ
Lại chuyện "đầu vào", "đầu ra"
Chất xám ở, chất xám về và những điều chưa nói hết
Cất xám về hay ở chung qui là giằng dai lợi ích
Chìm trong bệnh thành tích, muốn minh bạch cũng khó