- Biết đâu một ngày xấu trời nào đó, tôi có thể trở thành nạn nhân bị "ném đá"...

"Ném đá" là một thuật ngữ rất thông dụng trên mạng xã hội hiện nay. "Ném đá" tấn công cá nhân hay "ném đá hội nghị" khi người khác đang bàn luận một vấn đề nào đó là vô cùng phổ biến.

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”, đó là lời Chúa Jesus đáp khi người ta hỏi Ngài có cần ném đá một người phụ nữ vì tội lỗi của chị. Tiếc thay, phong trào “ném đá” mang màu sắc… Việt Nam lại khác xa tinh thần đó.

Vụ việc gần đây nhất là gần như có sự "thống nhất" cao độ khi rất nhiều bài viết, status nói về đạo đức kinh doanh của ông Hoàng Khải sau sự kiện lụa Khaisilk bị phát hiện có nguồn gốc Trung Quốc. Ông Hoàng Khải rất đáng bị chỉ trích vì đã lừa dối người tiêu dùng suốt 30 năm. Nhưng vấn đề là có vô số những status và comment là tấn công cá nhân ông ta và những người bảo vệ ông ta bằng những từ ngữ miệt thị, thiếu văn hóa.

 Biết đâu một ngày xấu trời nào đó, tôi có thể trở thành nạn nhân của mạng xã hội

Điều đó thể hiện một thứ "văn hóa tranh cãi" đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhất là vào thời Mạng xã hội. Tranh cãi chưa bao giờ là tranh luận và nó thể hiện rất rõ những vấn đề về phông văn hóa, qua ngôn từ và phương thức ngụy biện của người tranh cãi, thay vì dùng luận cứ, luận chứng để chứng minh mình đúng. Nhưng "vụ Khaisilk" chưa cho thấy hết các góc khuất mà những kẻ "ném đá" mang lại!

Xin lấy một ví dụ: cách đây không lâu, một hãng hàng không bị "ném đá" vì hay delay chuyến bay, gây khó chịu cho khách hàng. Chuyện nhận xét một nhà cung cấp dịch vụ là bình thường, song vấn đề là trong số những người chỉ trích, rất ít người quan tâm việc xảy ra sự cố delay nằm trên tương quan nào.

Chẳng hạn, cụ thể là số lần delay chuyến bay chiếm bao nhiêu phần trăm so với tổng số chuyến bay của họ? So với số lần delay chuyến bay trên tổng số chuyến bay hoạt động của hãng khác ra sao? Việc quản lý bay và sắp xếp hệ thống bay của họ do nhà nước quản lý có lỗi hay không (ví như từng có chuyện nhân viên không lưu... ngủ quên khiến máy bay không thể hạ cánh), v.v…

Và có một chi tiết tôi chú ý là có hẳn một fanpage Facebook được lập ra chỉ để phản ánh về việc delay chuyến bay của hãng hàng không này, mà theo tìm hiểu của tôi, rất có thể bằng sự tài trợ của "ai đó". Nghĩa là hoàn toàn có khả năng có sự toan tính đằng sau một cuộc “lên đồng” tập thể, “ném đá” tập thể.

Nhưng việc "ném đá" hãng hàng không này chưa là gì so với “làn sóng” ào ạt ném đá MC Phan Anh hồi nào khi anh này kêu gọi cộng đồng làm từ thiện. Nhiều thuyết âm mưu được đặt ra rằng Phan Anh thế nọ, thế kia để chiếm đoạt tiền từ thiện hoàn toàn dựa trên suy diễn, chứ không đưa ra được bằng chứng, căn cứ thuyết phục nào. Có những nghi vấn đáng sợ do những nick Facebook cá nhân bí ẩn (nick clone) tấn công cá nhân MC Phan Anh với những từ ngữ rất tệ hại.

Cũng một vụ việc gần đây, ông Trần Hùng- thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) lên tiếng về vụ phân bón giả Thuận Phong (Đồng Nai) không bị xử lý dù 6 bộ, ngành bắt quả tang tại trận. Khi tôi viết về vụ việc này trên Facebook, đã có một nhóm người tấn công cá nhân tôi và nhiều Facebooker khác khi cho cho rằng chúng tôi bị "mua" để viết.

Đến khi nhiều người biết ông Trần Hùng đã từ chối tiền tỉ mà Thuận Phong nhờ người mang đến sau khi ông này cùng đoàn kiểm tra bắt quả tang sản xuất phân bón giả thì mọi người mới vỡ lẽ. Chẳng có bộ, ngành nào chi tiền để viết về sai phạm của Thuận Phong, mà chỉ có nỗi khổ của những nông dân bị lừa, những ruộng đồng "chai" đi bởi phân bón giả mới là động lực thôi thúc.

Tôi cũng có nghe hot Facebooker này viết một status quảng cáo giá bao nhiêu, KOL nọ xử lý khủng hoảng truyền thông cho vụ việc nọ nhiều tiền. Cá nhân tôi có những trải nghiệm riêng: vì ẩn một status do lời nhờ của một người quen (hay một số áp lực khác khá bất ngờ) có thể nhận một món quà giá trị, thậm chí là tiền. Và tôi chọn cách chuyển chúng cho người nghèo hay các trung tâm an sinh xã hội với tên của người tặng, chỉ giữ lại những món quà trong giới hạn cho phép. Đó cũng là một cách tự bảo vệ mình.

Vì biết đâu một ngày xấu trời nào đó, tôi có thể trở thành nạn nhân bị "ném đá"...

Trong thời đại mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, chưa bao giờ câu thơ của nhà thơ Nga Evtuchenko lại đúng đến như vậy: "Đến cả các thiên tài cũng vẫn còn giới hạn. Chỉ có sự đểu cáng của con người mới không có tận cùng".

Mà tôi thì không phải thiên tài nên làm việc gì cũng phòng thân trước cho chắc vậy, nhất là với “phong trào ném đá” trên mạng xã hội!

Mai Quốc Ấn

Mạng xã hội, quyền lực và trò chơi

Mạng xã hội, quyền lực và trò chơi

Quyền lực đó không hề ảo, bởi thực tế một phó chủ tịch phường ở Văn Miếu phải mất chức, một bà mẹ phải xin lỗi cộng đồng bởi bênh con thái quá, trước áp lực truyền thông từ mạng xã hội.

"Mạng xã hội đang tha hoá hành vi sống của chúng ta"

"Mạng xã hội đang tha hoá hành vi sống của chúng ta"

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT với Góc nhìn thẳng về xu hướng "sống ảo" trên thế giới mạng.

APEC 2017: Khi nguyên thủ thành 'người mẫu' quốc gia

APEC 2017: Khi nguyên thủ thành 'người mẫu' quốc gia

Các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam đều tranh thủ quảng bá cho đất nước mình qua hình ảnh cá nhân họ.

Tôi đã chứng kiến truyền thông Nhật ứng xử trước thiên tai

Tôi đã chứng kiến truyền thông Nhật ứng xử trước thiên tai

Trong hoàn cảnh người dân đang gánh chịu thảm họa, việc họ ngừng phát các chương trình giải trí sẽ gây thiệt hại kinh tế tức thời, nhưng hành động đó là trách nhiệm của “người trong một nước”.

Khi ‘xã hội đen’, băng nhóm Facebook đáng sợ không kém đời thực

Khi ‘xã hội đen’, băng nhóm Facebook đáng sợ không kém đời thực

Rồi sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân nữa khi mà Facebook không quan tâm đến việc nội dung status ấy là gì, chỉ quan tâm họ bỏ bao nhiêu tiền để chạy quảng cáo.