-Cứ cho là hiện trạng vẫn chưa được xác định rõ, nhưng với tư cách là cường quốc lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc phải có trách nhiệm thể hiện sự kiềm chế và thúc đẩy các hợp tác.

>>Kì 1:TQ muốn "lợi dụng" sự do dự của Mỹ

>>Kì 2: Trung Quốc tuyên bố không có "gen bá quyền"

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu kỳ cuối nghiên cứu về Trung Quốc của tác giả Patrick M. Cronin là Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.

Thông thường về mặt chính trị, rất dễ để các nhà lãnh đạo tuyên bố không khoan nhượng với việc dùng vũ lực. Đó là lý do tại sao những thách thức “vùng xám” như chiến thuật cưỡng ép trên biển rất khó để đối phó. Bởi chiến thuật này ít khi tạo nên một tình huống rõ rệt đòi hỏi các bên phải đưa ra phản ứng dứt khoát.

Bản Hướng dẫn quốc phòng mới của Nhật Bản kêu gọi các phản ứng “thông suốt” của toàn bộ chính phủ trước các vụ việc như vậy. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won gần đây nói về “xiết chặt tối đa an ninh biển” để ngăn chặn các hành động khiêu khích trong tương lai của Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar kêu gọi cuộc chiến không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố cho thấy rằng đôi lúc người ta có thể làm rơi một cái ly, nhưng họ không bao giờ đánh rơi một đứa trẻ.

Nhưng, có lẽ bản chất của những thách thức ở cường độ thấp và trái với mô thức thông thường này khiến người ta không thể xem như trường hợp của những đứa trẻ. Và rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ dần bị lấn át là mối lo ngại chính của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản quy mô hạn chế nhưng tinh nhuệ.

Tăng cường năng lực cho các nước đồng minh

Biện pháp áp đặt cái giá phải trả cuối cùng là về quân sự, ít nhất là gián tiếp, đó là tăng cường năng lực cho các nước đồng minh và đối tác để họ tự giúp chính mình. Điều này có thể thực hiện dưới hình thức đối thoại chiến lược sâu rộng hơn, chuyển giao nghiệp vụ chuyên môn và đào tạo, đặc biệt là trang bị các loại khí tài và thiết bị. Cách thức này có thể áp dụng đặc biệt với những nước bị áp đảo về sức mạnh so với lực lượng quân sự, cảnh sát biển, chấp pháp ngày càng lớn và hiện đại của Trung Quốc.

Việc Mỹ chuyển giao cho Philippines một số tàu tuần duyên cũ, và Manila đã biên chế những tàu này vào lực lượng hải quân khiêm tốn của mình, là ví dụ điển hình cho phương thức đó. Tương tự như vậy Nhật Bản đã đề nghị cung cấp một số tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam để hai nước có thể tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển. Vì Nhật Bản tài trợ những hoạt động này trên danh nghĩa hỗ trợ trực tiếp nước ngoài mang tính chiến lược, người ta có thể coi đây vừa là công cụ kinh tế vừa là công cụ quân sự để gián tiếp áp đặt một cái giá cho Trung Quốc khi hành xử quyết đoán trên biển.

{keywords}

Hai trong số các tàu tuần tra mà Mỹ giao cho Philippines. Ảnh: GMA Network.

Một biện pháp khác để xây dựng năng lực cho các đối tác, thể hiện qua việc chuyển giao tàu tuần tra của Nhật Bản, là thúc đẩy mạng lưới đang mở rộng về hợp tác an ninh nội khối-Châu Á. Theo đó, khi hải quân của Việt Nam tiếp nhận sáu tàu ngầm diesel lớp Kilo từ Nga, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ có thể hỗ trợ bằng việc chuyển giao nghiệp vụ chuyên môn và giúp đào tạo kỹ năng sử dụng tàu ngầm cho Việt Nam.

Xét trong khu vực, Mỹ có thể hợp tác với các nước đồng minh và đối tác phù hợp tạo ra một môi trường minh bạch bằng cách hình thành một cơ chế tình báo, giám sát và do thám (Intelligence, surveillance and reconnaissance – ISR), đưa mọi hành động từ các chiến thuật đâm va cho tới hoạt động cải tạo đất ở các thực thể tranh chấp hoặc sự di chuyển của giàn khoan trong các vùng biển tranh chấp lên mạng internet.

Cơ chế đó có thể giúp các nước chuẩn bị ứng phó với thảm họa thiên nhiên, đồng thời dễ dàng hợp tác và chia sẻ về tình hình hoạt động chung. Ngay cả những nước đồng minh sở hữu công nghệ cao và được trang bị tốt như Nhật Bản, cũng có thể hưởng lợi từ các chương trình đào tạo thích hợp, như chương trình đào tạo gần đây của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đối với hoạt động đổ bộ.

Không đơn phương thay đổi nguyên trạng

Có rất nhiều công cụ chính sách để áp đặt cái giá phải trả mà không liên quan trực tiếp đến sự hiện diện, hoạt động và bố trí quân sự. Công cụ phi quân sự để áp đặt cái giá phải trả chủ yếu về mặt thông tin có thể phân loại nhiều cách thức. Một là, áp đặt cái giả phải về uy tín rất cụ thể (chẳng hạn thông qua cơ chế ISR để công khai các hành động khiêu khích). Hai là, tạo một cơ chế chia sẻ thông tin cho các hoạt động liên minh có thể có. Ba là, đóng góp tạo dựng một thông điệp tích cực rằng mục đích chính trị của Mỹ và các nước đồng minh không phải là xung đột, thậm chí không phải đối đầu nếu điều này có thể tránh được.

Đúng hơn cần xác lập một ranh giới đỏ cho những hành vi sai trái và thuyết phục các bên khác không đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng cưỡng ép hoặc vũ lực. Cứ cho là hiện trạng vẫn chưa được xác định rõ, nhưng với tư cách là cường quốc lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc phải có trách nhiệm thể hiện sự kiềm chế và thúc đẩy các hợp tác. Ở Biển Hoa Đông, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều phải kiềm chế và chứng minh sự khôn khéo chính trị bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, tránh leo thang căng thẳng và hạn chế những tính toán sai lầm.

Ở Biển Đông và toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chúng ta cần xây dựng một bức tranh hoạt động chung. Tôi đang đề cập đến việc phổ biến thông tin rộng rãi hơn để thúc đẩy việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hay ở toàn khu vực. Các vùng chung trên biển và trên không, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đang bị đe dọa.

Việc truyền tải thông tin thành công phải giúp đông đảo mọi người hiểu điều gì đang diễn ra ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và xa hơn thế nữa, bởi thậm chí ngay một số nhà phân tích quốc phòng dầy dạn kinh nghiệm ở Mỹ đôi khi cũng không thể đánh giá được những thay đổi nhỏ dần dần sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực và trật tự khu vực như thế nào. Với từng rạn đá một, cả một trật tự cũng có thể sụp đổ.

Bên cạnh đó, hoạt động thông tin giúp làm rõ cách Trung Quốc sử dụng một loạt các công cụ chính sách toàn diện để mở rộng ảnh hưởng, cố gắng triển khai ảnh hưởng này và kiểm soát hành chính đối với cả hai vùng biển.

Tóm lại, chúng ta cần suy xét kỹ lưỡng về các điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc, xác định những lợi thế tốt nhất của chúng ta, và sau đó triển khai các chính sách tận dụng những ưu thế đó.

Khi xem xét những biện pháp này, chúng ta cần phải duy trì sự tương xứng giữa các biện pháp áp dụng và những hành vi cưỡng ép, đồng thời cần chú ý đến mục tiêu chính trị lớn hơn đó là dung hòa một Trung Quốc đang trỗi dậy vào một thể chế mở dựa trên luật pháp. Ngoài việc không nên tự lừa dối rằng sẽ không có rủi ro, không có lý do gì mà chúng ta lại không tìm ra được biện pháp không đối đầu để thuyết phục Trung Quốc tránh lối hành xử thiếu thận trọng.

Nhưng một điều có thể thấy là: Những thách thức vùng xám ở Ấn Độ - Thái Bình Dương không thể tự biến mất trong tương lai gần, và càng không thể xảy ra nếu thiếu những hành động đáp trả phù hợp đến từ các quốc gia có năng lực nhất trong khu vực.

Patrick M. Cronin là Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.

Nguồn: Patrick Cronin, “How to Deal with Chinese Assertiveness: It’s Time to Impose Costs“, The National Interest, 4/12/2014.

Biên dịch: Hương Trà | Hiệu đính: Minh Ngọc

Theo nghiencuubiendong.net