“Việc lợi dụng sự dễ dàng, dễ mùi lòng của người khác để trục lợi dễ khiến người khác mất lòng tin vào hoạt động thiện nguyện. Người ta sẽ không còn tin tưởng để giao tiền, gửi quà cho các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể quy kết để phủ nhận tính nhân văn của hoạt động từ thiện”, Luật sư Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

Từ thiện và giả từ thiện để trục lợi
Trục lợi từ lòng hảo tâm

Thưa ông Lê Đức Tiết, không ai có thể tính toán được đã có bao nhiêu thân phận bất hạnh được sưởi ấm qua hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, gần đây báo chí đã vạch ra một số cá nhân, tổ chức nhân danh hoạt động này để trục lợi, như chương trình “Trái tim Việt Nam” là một ví dụ? Ông có biết việc này không?

Ông Lê Đức Tiết: Hoạt động từ thiện mà lại nghĩ đến việc sinh lợi là không đúng bản chất của hành động cao quí. Hoạt động của tổ chức “Trái tim Việt Nam” đúng  là một ví dụ về nhân danh từ thiện để trục lợi.

{keywords}

Từng công tác nhiều năm trong Hội nạn nhân chất độc da cam tôi biết có những người lợi dụng nạn nhân chất độc da cam để đi xin quyên góp. Việc quyên góp này ẩn dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, họ không làm việc trong hội nhưng lấy danh nghĩa của hội để quyên góp.

Không dừng ở đó, họ còn lợi dụng chính các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam để giúp họ tiêu thụ hàng hóa. Đến cả hoạt động bán vé số cũng kêu gọi rằng mua vé số để ủng hộ nạn nhân da cam.

Báo chí đã phát hiện ra nhiều đấy. Hồi năm ngoái, dê,  gà hỗ trợ cho các gia đình nghèo toàn “đi lạc” vào nhà quan xã…. Hay có nơi tranh thủ hoạt động từ thiện để tống khứ hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng….

Đó chỉ là một vài ví dụ để chị thấy hành vi lợi dụng lòng hảo tâm của người khác để trục lợi, nhân danh làm từ thiện đang tồn tại muôn hình vạn trạng.

Theo ông hệ luỵ của hành vi trục lợi từ lòng hảo tâm là gì?

Việc lợi dụng sự dễ dàng, dễ mùi lòng của người khác để trục lợi dễ khiến người khác mất lòng tin vào hoạt động thiện nguyện. Người ta sẽ không còn tin tưởng để giao tiền, gửi quà cho các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể quy kết để phủ nhận tính nhân văn của hoạt động từ thiện.

Trong bối cảnh ngân sách một nước nghèo thì hoạt động từ thiện là một cách tiếp sức với chính sách quốc gia để giúp đỡ những thân phận nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật… Trong nhiều năm qua, rất nhiều những thân phận bất hạnh đã được san sẻ gánh nặng cơm áo, thuốc men nhờ thiện nguyện.

Nếu những hành vi trục lợi từ lòng hảo tâm mà không được ngăn chặn nghiêm khắc thì được thiệt hại chính là những con người bất hạnh, nghèo khổ, ốm đau đang cần được giúp đỡ.

Vậy theo ông, chúng ta ần phải làm những gì để ngăn chặn những hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi?

Đất nào cũng có cỏ dại mọc. Để khắc phục không phải là việc quá khó. Vậy nên cần có sự giám sát của các tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể . Cần phải kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn kịp thời. Ví dụ như mấy vị quan xã cầm nhầm gà dê của người nghèo thì phải bãi nhiệm.

Bên cạnh việc phát hiện những tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi từ lòng hảo tâm, báo chí truyền thông, các cơ quan đoàn thể cũng cần tuyên truyền về những tấm gương thiện nguyện.

Một vấn đề nữa là đảm bảo công khai minh bạch trong các tổ chức từ thiện. Chẳng hạn như các quỹ từ thiện từ trung ương tới địa phương công khai càng chi tiết càng tốt số tiền thu được bao nhiêu? đã ủng hộ đồng bào lũ lụt ra sao? hỗ trợ hộ nghèo thế nào? Cứ minh bạch sổ sách thu chi thì càng thu hút được nhiều tấm lòng hảo tâm.

Tôi xin nhắc lại, Nhà nước cần công khai, minh bạch các đơn vị thực hiện từ thiện; các đoàn thể, thành viên của Mặt trận phải tăng cường giám sát, kiểm soát để giữ được đúng tôn chỉ, mục đích của hoạt động từ thiện.

Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Lan Anh thực hiện