Quyền giả định vô tội đưa ra những đòi hỏi nào liên quan đến việc đảm bảo quyền này trên các phương tiện thông tin đại chúng?

Vì sao ‘suy đoán có tội’ phổ biến?

Không thể tư duy “bắt nhầm” còn hơn “bỏ lọt”

Chần chừ, hiểu sai, VN sẽ thành ‘ốc đảo kỳ lạ’

Quyền im lặng và những rào cản 

Tìm sự thật không đơn giản

Chỉ sau vài ngày, cơ quan điều tra đã thu thập được những chứng cứ để có thể kết luận rằng Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến là hai nghi can thực hiện hành giết 6 người và cướp tài sản tại Bình Phước. Với tư cách một công dân, tôi rất hy vọng đây là một vụ đúng người đúng tội và công lý sẽ được thực thi.

Dựa vào những thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí cho đến nay, hẳn đa số người dân tin rằng hai bị can Dương và Tiến phạm tội và phải chịu án tử hình. Và có lẽ trong thời gian tới, nếu không có gì bất thường xảy ra, lực lượng cảnh sát điều tra sẽ công bố kết luận điều tra để khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, bình tĩnh suy xét, chúng ta sẽ thấy, nếu việc đi tìm sự thật khách quan của các vụ án hình sự là đơn giản, có lẽ thế giới văn minh đã không cần giai đoạn truy tố và xét xử. Theo đó, sau khi điều tra, bị can sẽ bị thi hành án ngay lập tức. Trái lại, vì cuộc sống vốn phức tạp, quá trình điều tra vẫn chỉ là giai đoạn ban đầu nhằm đi tìm sự thật khách quan của vụ án. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Agatha Christie “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông”, chúng ta thấy một vụ giết người đã được lý giải với nhiều cách khác nhau và cách giải thích nào cũng thuyết phục.

Dưới góc độ pháp lý, một lần nữa cần phải nhấn mạnh, theo luật quốc tế và Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam, quyền được giả định vô tội (ở đây người viết dùng thuật ngữ “giả định vô tội” thay vì “suy đoán vô tội” - vốn được dùng phổ biến, với những lý do đã được đề cập trong một bài viết khác) của bị can, bị cáo trong vụ án này cần được đảm bảo. Một khi chưa có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật khẳng định bị cáo phạm tội, các nghi phạm vẫn phải được hưởng quyền giả định vô tội.

{keywords}
Cổng ngôi nhà nơi xảy ra vụ án chấn động dư luận. Ảnh: Zing.vn

Sự cẩn trọng trên truyền thông

Vậy, quyền giả định vô tội đưa ra những đòi hỏi nào liên quan đến vụ án “thảm sát” này? Trong số nhiều yêu cầu cụ thể, bài viết này tập trung vào việc đảm bảo quyền giả định vô tội trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) phải giả định rằng bị can, bị cáo vô tội cho đến khi tòa án bị thuyết phục rằng chắc chắn bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội (thể hiện qua việc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật). Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 tuyên bố: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Cần lưu ý, nguyên tắc “giả định vô tội” có nghĩa là, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi (được giả định) là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được tòa án rằng bị cáo đã phạm tội. Quyền này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải coi (giả định) bị can, bị cáo không phạm tội, mặc dù cơ quan chức năng có thể tin (suy đoán) rằng bị can, bị cáo phạm tội. Như vậy, dựa trên những chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng có cơ sở để tin rằng hai bị can Dương và Tiến đã phạm tội, nhưng theo Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự, vẫn phải coi hai bị can vô tội ở thời điểm này.

Đối với một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vậy, khi toàn xã hội đều chú ý vào diễn tiến vụ việc, những phát ngôn báo chí của những người đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng cần rất cẩn trọng. Phát ngôn của họ không được phép khiến cho công chúng tin chắc rằng các nghi can chính là thủ phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tránh đưa ra những phát ngôn báo chí có khả năng dẫn đến những thành kiến lớn, làm ảnh hưởng đến sự công bằng của quy trình tố tụng.[1] Các thông tin về vụ án trên các phương tiện thông tin đại chúng cần tránh làm tổn hại đến quyền được giả định vô tội của bị can, bị cáo.[2]

Tuy vậy, từ thông tin báo chí đã đưa, có thể do tính áp lực của chuyên án, mức độ chấn động của vụ án đã khiến đôi khi cơ quan chức năng có những điểm còn chưa cẩn trọng về ngôn từ, khiến nguyên tắc giả định vô tội có thể bị ảnh hưởng. Chẳng hạn phát ngôn “làm thay” nhiệm vụ xét xử của tòa án: Với tài liệu chứng cứ thu thập được và lời khai nhận tội của các nghi can "có đủ căn cứ khẳng định Dương và Tiến đã gây ra vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng". Có lẽ nên nói rằng: “có đủ căn cứ để cáo buộc Dương và Tiến đã gây ra vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng”.

Hoặc chẳng hạn phát ngôn: "Trong vụ án này không thể có oan sai, bởi các chứng cứ về vật chất rất rõ ràng. Đến giờ cơ bản chúng tôi đã thu được tất cả tài liệu, chứng cứ, không còn vướng mắc như các vụ án khác". Có lẽ để cẩn trọng, việc khẳng định rằng vụ án không thể có oan sai nên là một nhận định nội bộ thay vì một tuyên bố trước công chúng.

Ngoài ra, một thiếu sót nữa là một số từ dùng để chỉ hai nghi can chưa phù hợp, như "hung thủ", "chúng", "bọn chúng". Nên thay “hung thủ” bằng “nghi can”, “nghi phạm” hoặc “bị can” (sau khi khởi tố); và cũng nên thay “chúng” bằng “họ”.

Các cơ quan báo chí cũng cần cẩn trọng dùng từ ngữ, hình ảnh phù hợp, tránh xâm phạm đến quyền giả định vô tội của bị can, bị cáo. Việc một số tờ báo nhanh chóng gọi “nghi can” là “hung thủ” có thể coi là một trong những biểu hiện vội vàng, sai nguyên tắc.

Bất cứ ai cũng hi vọng vụ án được sáng tỏ, để phần nào an ủi những người đã mất đi sinh mạng một cách oan uổng. Nhưng con đường công lý còn dài, hãy chờ đến ngày tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý của mình.

Bùi Tiến Đạt

(Giảng viên Khoa Luật - ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)

----

[1] Council of Europe Recommendation Rec (2003)13 on the Provision of Information through the Media, Principle 10.

[2] Council of Europe Recommendation Rec (2003)13 on the Provision of Information through the Media, Principles 1 and 2.