{keywords}

Đó là tâm niệm của ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt về nghề và sứ mệnh mà người làm báo phải phụng sự.

XEM VIDEO:

{keywords}

Trước khi làm lãnh đạo ở một tờ báo chuyên về nông nghiệp, nông thôn, nông dân như Nông thôn ngày nay, ông từng có nhiều năm làm ở Hoa học trò, Lao động, những tờ báo không liên quan nhiều đến tam nông. Ông làm thế nào để làm quen với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ?

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, trước khi làm ở Nông thôn ngày nay, tôi có 6 năm làm ở một tờ báo của Trung ương Đoàn, dành cho giới trẻ (Hoa học trò), 10 năm làm ở Lao động - báo của Công đoàn. Số phận run rủi tôi lại được sang làm việc ở một tờ báo mà đối tượng phục vụ hướng đến đầu tiên là nông dân.

Trong các cuộc gặp gỡ, nhiều người nhìn tôi vẫn hay đùa: “Trông ông rất thành thị nhưng lại làm báo về nông thôn, khéo không biết cấy lúa như thế nào”.

Tôi coi đó là một bước ngoặt giúp mình có thêm những trải nghiệm mới, có thể khi mới bắt đầu tìm hiểu sẽ gặp một số khó khăn nhưng khi cứ ngụp lặn mãi trong lĩnh vực này sẽ thành quen.

Những ngày đầu chuyển sang Nông thôn ngày nay, lại với tư cách là lãnh đạo, ông có gặp khó khăn gì không?

Mỗi tờ báo luôn có một đối tượng bạn đọc riêng để phụng sự nhưng báo nào thì cũng phải tuân thủ nguyên tắc chung để vận hành sao cho đúng tôn chỉ mục đích và ngày càng lớn mạnh.

Muốn làm được điều đó, mình phải hiểu đối tượng bạn đọc chính mà tờ báo hướng đến là ai để đọc và học, học từ những người đi trước, học từ đồng nghiệp. Các phóng viên của tôi đa phần là con em nông dân, đến ngày mùa họ vẫn về quê cấy hái giúp bố mẹ, mỗi mùa Tết vẫn cùng gia đình bán hoa, bán đào. Chính những người đó cho tôi một cái nhìn rất rõ ràng về nông nghiệp, nông thôn và những người nông dân chân chất, để từ đó trong định hướng phát triển của tờ báo, chúng tôi luôn coi nông dân là đối tượng hàng đầu phải bảo vệ, hỗ trợ.

{keywords}

Ông từng phát biểu, có thể báo của mình chưa bằng các cơ quan báo chí ở nhiều lĩnh vực nhưng riêng lĩnh vực tam nông thì phải luôn đứng hàng đầu. Trong nhiều năm qua, tờ báo đã thể hiện điều đó như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ đơn giản thế này, chúng tôi là báo viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phục vụ nông dân, chuyên về thị trường này mà không giỏi thì quả là có lỗi. VietNamNet, Tuổi trẻ… quan tâm và làm nhiều vấn đề nhưng chúng tôi chỉ thâm canh, cày sâu cuốc bẫm ở đây thì phải làm cho tốt, đầu tư cho mảng này rất nhiều.

Tính ra 80% thông tin của báo liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục Nhà nông là mũi nhọn, là "quả đấm thép" của tờ báo, chúng tôi đầu tư nhiều về quỹ nhuận bút, nhân sự, điều kiện làm việc cho mục này.

Chúng tôi cũng có vị trí địa chính trị thuận lợi vì là tờ báo của Hội Nông dân Việt Nam, là đại diện cho giai cấp nông dân. Chính vì chúng tôi dành nhiều đầu tư và quan tâm như thế nên nhiều cơ quan làm việc trong lĩnh vực tam nông, các địa phương có tỷ trọng ngành nông nghiệp cao vẫn ưu tiên chọn chúng tôi là đối tác.

Tôi hay nói, chúng ta thua ở lĩnh vực khác thì không sao nhưng không được phép thua ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mọi thông tin, chính sách liên quan đến nông nghiệp, báo phải đi đầu, phải làm sâu, phân tích kỹ lưỡng, mổ xẻ nhiều chiều.

{keywords}

Giữa lúc các tờ báo đang chạy theo view, thậm chí còn theo tiêu chí giật gân câu khách, ông làm thế nào để cân bằng giữa view và lợi ích của nông dân?

Chúng tôi cũng giao KPI cho từng mục, nhưng tôi xác định view chỉ là bề nổi, là ngắn hạn. Lâu dài vẫn là chất lượng, câu chuyện mình nói phải có nét riêng.

Đúng là một bài báo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thể không nhiều view bằng bài viết về một ca sĩ, diễn viên, cầu thủ nổi tiếng hay câu chuyện pháp luật nhưng chúng tôi vẫn kiên trì đổi mới nội dung từng tin bài, làm sao phải hấp dẫn sinh động, thu hút người đọc.

Và thực tế, Nhà nông hiện là một trong những mục có lượng view cao nhất toàn trang. Điều đó chứng tỏ, ngay cả với lĩnh vực tam nông, nếu biết cách đặt vấn đề, tách tỉa vấn đề, nhìn ở góc độ dân sinh thì câu chuyện vẫn hấp dẫn người đọc, dù bạn có trực tiếp làm nông nghiệp hay không.

{keywords}

Tôi luôn nhắc phóng viên, biên tập viên và các lãnh đạo ban, không bao giờ được để một bài báo nào dù vô tình hay cố ý làm tổn hại đến nông dân. Bởi nói gì thì nói, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, giá cả nông sản thì bấp bênh, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều chính sách chưa đến được với họ, vì vậy chúng tôi phải đứng về phía họ, đúng như slogan chúng tôi theo đuổi: Sát cánh cùng nông dân Việt.

Có phải vì vậy mà tờ báo của ông luôn sẵn sàng lao vào chiến dịch truyền thông để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản như đợt giải cứu lợn hay vải thiều trong những năm qua?

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn cả nước bị thiệt hại nặng nề, 10 người nuôi thì 6, 7 người trắng tay, trong khi do thông tin chưa đầy đủ, thất thiệt nên người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn khiến bà con đã khó càng thêm khó. Chúng tôi chẳng biết giúp gì bà con, chỉ biết thông tin thật kỹ, thật sâu và cụ thể để kiến nghị với các bộ ngành có chính sách tháo gỡ khó khăn cho họ.

Chúng tôi cũng vận động tiêu thụ lợn cho bà con bằng cách thông tin đầy đủ danh sách, địa chỉ, số điện thoại những trang trại chăn nuôi lợn an toàn, uy tín, đồng thời đề nghị các cầu thủ nổi thủ nổi tiếng hay diễn viên kêu gọi mọi người tiêu dùng thịt lợn bình thường vì dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.

Hay năm 2018, vải thiều được mùa, áp lực tiêu thụ lớn, ngay đầu vụ trên một số trang tin đã phản ánh tình trạng người dân bán vải như cho, thậm chí còn đăng cả clip một người đàn ông vứt cả sọt vải xuống sông.

Ngay lập tức, chúng tôi vào cuộc xác minh, người đàn ông đó sau lên tiếng đính chính vải khó tiêu thụ do chất lượng xấu. Cùng với nỗ lực của địa phương, sự vào cuộc của các tờ báo uy tín, trong đó có Nông thôn ngày nay/Dân Việt, vụ vải năm đó tiêu thụ thuận lợi dù sản lượng tăng gấp đôi.

Không chỉ thể hiện trên mặt báo, mà các chương trình, sự kiện của báo tổ chức cũng đều hướng đến nông dân. Ông có thể chia sẻ ấn tượng về những chương trình mà báo được giao tổ chức?

Chúng tôi rất vui và tự hào khi được giao làm những chương trình rất có ý nghĩa vì người nông dân, điển hình là chuỗi chương trình Tự hào nông dân Việt Nam. Trước đó, Hội Nông dân Việt Nam năm nào cũng có chương trình bình chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhưng Tự hào nông dân Việt Nam là đỉnh cao của cuộc bình chọn này.

 Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có hàng chục nghìn tấm gương nhưng Tự hào nông dân Việt Nam chỉ có 63 nông dân của 63 tỉnh, thành phố, là những người đạt được nhiều thành quả trong quá trình sản xuất, được tuyển chọn gắt gao, qua nhiều vòng, nhiều cấp với tiêu chí cụ thể.

Khi họ về dự lễ, chúng tôi coi 63 nông dân này như những thượng khách, họ được ở trong những khách sạn sang trọng, xe đưa đón trọng thị, họ được vào nói chuyện, đối thoại với lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

{keywords}

Trước Tự hào nông dân Việt Nam chưa bao giờ người nông dân được tôn vinh ở mức cao như thế, hoàn toàn xứng đáng với đóng góp và công sức của người nông dân trong công cuộc dựng nước, giữ nước trong bao năm qua.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân mà mà chúng tôi được giao thực hiện cũng là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Trong khi các tầng lớp khác hay được đối thoại với Thủ tướng thì nông dân chưa bao giờ, mà nông dân chiếm 70% dân số, lại có rất nhiều vấn đề, nên khi chúng tôi đặt vấn đề đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí ngay.

Năm đầu tiên chúng tôi tổ chức đối thoại ở Hải Dương, năm 2019 tại Cần Thơ, năm nay dự kiến ở miền Trung, Tây Nguyên.

Dù tổ chức ở đâu thì cũng là câu hỏi mang tính thời sự, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của nông dân. Thủ tướng cũng rất thẳng thắn, mọi câu hỏi đều được trả lời trực tiếp tại hội nghị và trả lời bằng văn bản, có kết luận giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành giải quyết các tâm tư, nguyện vọng của nông dân khiến bà con rất phấn khởi.

Chúng tôi đang chấm sơ khảo cuộc thi Làm nông thời công nghệ 4.0. Cuộc thi nhằm tìm kiếm, hỗ trợ những dự án của nông dân, những người khởi nghiệp có áp dụng hàm lượng công nghệ cao. Tất nhiên, công nghệ không phải là cái gì quá cao siêu như rô bốt hay điện toán đám mây nhưng cũng góp phần khuyến khích nông dân sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Kết quả của những cuộc đối thoại như thế nào? Những kiến nghị của nông dân có được giải quyết ngay không, thưa ông?

Có những kiến nghị được giải quyết ngay, nhưng cũng có vướng mắc phải có thời gian vì còn liên quan đến chính sách. Nhưng tôi nhớ, tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất ở Hải Dương, nông dân Tô Hiến Thành (Bắc Giang) và Võ Quan Huy (Long An) có kiến nghị khó khăn về vốn, đất sản xuất.

Sau hội nghị, Ngân hàng Nhà nước đã lập đoàn công tác về tận Bắc Giang lắng nghe nguyện vọng của ông Thành, khảo sát dự án sản xuất và quyết định rót vốn. Vấn đề đất sản xuất của ông Huy cũng được giải quyết thỏa đáng.

{keywords}

Kinh qua nhiều tờ báo, có lúc nào ông cảm thấy phải bất lực trước những điều mình biết mà không thể nói hết?

Xin chia sẻ với bạn, tôi có một con trai duy nhất, đã có lúc tôi không muốn cho con đi làm báo vì nghề báo phải nói thật, phải nói đến tận cùng và tự do tuyệt đối thì lúc ấy hãy theo nghề này. Nhưng cuối cùng con tôi vẫn đi làm báo.

Thật ra, tôi suy nghĩ thế này, chỉ cần được nói, dù là một phần sự thật, và cố gắng nói càng gần sự thật càng tốt thì đã là tốt lắm rồi, vẫn thể hiện sứ mệnh cao quý của nghề làm báo.

Với ông, Tổng biên tập có phải là một vị trí hấp dẫn?

Tôi nghĩ hấp dẫn thể hiện ở chỗ được làm những cái mình thích và cho là đúng vì mục tiêu, lợi ích chung. Nhưng sức ép thì cũng vô cùng lớn, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, báo chí cũng phải chịu sức ép cạnh tranh, quy hoạch báo chí, quản lý báo chí ngày càng chặt chẽ, trong thời buổi kinh tế khó khăn việc lo đủ chi phí nuôi bộ máy cũng là một áp lực khủng khiếp.

 Đơn cử như khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, tác động đến nhiều ngành kinh tế, các cơ quan báo chí cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề, tôi phải viết tâm thư cho toàn bộ cán bộ, nhân viên kêu gọi mọi người đoàn kết vượt qua khó khăn và hứa sẽ cố gắng đảm bảo đủ lương, không ai phải nghỉ việc trong giai đoạn này dù một số phụ cấp có thể bị cắt giảm.

Rất may, toàn thể cán bộ, nhân viên của báo đều hiểu, sẵn sàng chia sẻ và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội.

{keywords}

Định hướng của tờ báo trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?

Rất rõ ràng và đơn giản, vẫn cứ gắn bó với nông dân, mọi sáng tạo, suy nghĩ, sản phẩm mới đều xoay quanh nông dân, đó là thế mạnh, là phân công xã hội của chúng tôi.

Chúng tôi đang có cả một đại dương xanh là vùng nông thôn rộng lớn, nông dân vẫn là thành phần đông đảo, còn nhiều vấn đề cần phản ánh, cả những điều tốt đẹp hay còn chưa tốt đẹp.

Chúng tôi đang từng bước thiết lập một "hệ sinh thái". Điều này nghe có vẻ hơi to tát, nhưng thực tế là trong tầm tay của chúng tôi.   

Với những phóng viên trẻ, ông có định hướng gì cho họ?

Một khi tờ báo gắn bó với nông dân thì phóng viên phải hiểu biết nông dân, chăm đến với nông dân, bắt nhịp được hơi thở của thời đại, không chỉ viết bài theo cách truyền thống mà hướng đến làm báo đa phương tiện, phát hành đa nền tảng để phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc.

Khánh Nguyên - Video: Đức Yên 

Ảnh: Lê Anh Dũng - Thiết kế: Luyện Phạm

Nguyên Tổng biên tập Nam Đồng: Làm báo phải tử tế

Nguyên Tổng biên tập Nam Đồng: Làm báo phải tử tế

12 năm về nghỉ hưu, vui với quán cơm từ thiện Nụ cười, khi được hỏi về chuyện nghề, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM lại hào hứng nhớ từng chi tiết.