Hai khách mời tham gia tọa đàm: Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người có 7 năm đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEAN Việt Nam; GS.TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.

XEM VIDEO: 

Cuộc khủng hoảng đa chiều

Xin được hỏi Đại sứ Phạm Quang Vinh về tình hình triển khai các sáng kiến chung của ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19?

Chúng ta phải nhìn lại cả một quá trình từ đầu 2020 đến nay. Đây là thách thức đa chiều rất lớn đối với ASEAN, có thể coi là cuộc khủng hoảng, cả về y tế, cả kinh tế và xã hội. Lần đầu tiên khu vực và thế giới phải ứng phó với đại dịch, phong tỏa, giãn cách và đình trệ.

ASEAN đã làm gì? Thứ nhất, với sự chủ trì của Việt Nam trong năm 2020, ASEAN chuyển ngay sang hình thức họp trực tuyến để có thể tiếp tục duy trì những nỗ lực tham vấn và ứng phó với đại dịch cùng những mục tiêu khác.

Thứ hai, một loạt sáng kiến rất thiết thực đã được đề ra để ứng phó cấp bách như lập Quỹ về ứng phó với đại dịch, lập kho dự phòng về vật tư y tế để có thể cứu trợ nhau. Kết hợp nhiệm vụ kép là thành lập khung tổng thể về phục hồi kinh tế bao gồm vừa chống dịch nhưng vừa giữ được chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho phát triển sau này.

Riêng về Quỹ ứng phó với đại dịch, đến nay đã vận động quyên góp và cam kết đóng góp cả từ trong ASEAN và các đối tác lên tới hơn 20,8 triệu USD. ASEAN sẽ dùng quỹ này để phục vụ. Ban thư ký ASEAN đang phối hợp với Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) để tìm kiếm vắc xin cho người dân.

Trong hội nghị AMM vừa rồi cũng có một loạt cam kết mới về vắc xin, tài chính, về trang thiết bị y tế và hỗ trợ phục hồi cho ASEAN. Đơn cử như Mỹ cam kết ủng hộ 500.000 USD, Australia cam kết ủng hộ 1 triệu AUD cho Quỹ ứng phó đại dịch của ASEAN và còn nhiều nước khác.

Việt Nam đã đề nghị dùng số tiền trong Quỹ ứng phó để mua vắc xin cho các nước ASEAN trên cơ sở phục vụ người dân.

Đoàn kết và tương trợ

GS Phạm Quang Minh đánh giá thế nào về việc hợp tác trong ASEAN để giúp các nước thành viên ứng phó và giảm thiểu tác động của Covid-19?

Hợp tác ASEAN đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia thành viên. Các nước ASEAN đều là những nước vừa và nhỏ, nên sức mạnh của ASEAN nằm ở sự đoàn kết và thống nhất. Tôi nhớ đến lời phát biểu của cựu Ngoại trưởng Singapore S. Rajaratnam vào năm 1967, khi ASEAN vừa thành lập. Ông ấy tuyên bố: “Nếu chúng ta không thống nhất thì sẽ bị tiêu diệt từng người một”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự thống nhất, đoàn kết trong ASEAN.

Năm ngoái, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vào ngày 14/4/2020, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 (bằng hình thức trực tuyến) đã khẳng định sự đồng lòng và cam kết cấp cao nhất về sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các nước.

Thông qua đó đã chuyển tải thông điệp về sự quan tâm của lãnh đạo ASEAN với người dân, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, ủng hộ đầu tư giữa các nước thành viên.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh, GS Phạm Quang Minh tham gia toạ đàm trực tuyến

Lợi ích trực tiếp và cụ thể là các nước ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, tăng cường nguồn lực. Như Đại sứ Phạm Quang Vinh vừa nói là thành lập Quỹ hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19, kho dự phòng vật tư y tế rồi lập mạng lưới chuyên gia các nước ASEAN, khẳng định sẽ đối xử một cách công bằng, không kỳ thị với tất cả công dân của các nước.

Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 vừa diễn ra, các bộ trưởng một lần nữa khẳng định sẽ duy trì hoạt động giao thương, triển khai gói hỗ trợ tài chính cho các nhóm yếu thế, duy trì thị trường mở, tận dụng các cơ chế hiện có, nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch nhưng vẫn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải triển khai hiện thực hóa sáng kiến Chiang Mai. 

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Khi ASEAN thành một tổ chức gắn kết chặt chẽ như vậy đã tạo ra được sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo ra vị thế cộng hưởng. Ví dụ như trong ASEAN, làm sao tạo ra kế hoạch chung cho khu vực, vừa giúp đỡ lẫn nhau lại vừa tranh thủ bên ngoài như thiết lập trung tâm y tế, quỹ ứng phó khẩn cấp hay các chương trình phục hồi và duy trì chuỗi cung ứng.

Thiết nghĩ chỉ có ASEAN mới làm được, còn từng nước sẽ rất khó. Trong đại dịch, đương nhiên phải phong tỏa và cách ly nhưng người ta vẫn duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hay giao thông vận tải chuyên chở hàng hóa, kể cả sự đi lại thiết yếu trong ASEAN.

Thứ hai là chuyện bảo hộ công dân bao gồm đưa công dân trở về, bảo vệ các quyền công dân trong đại dịch, rồi quyền tiếp cận với vắc xin và thuốc men cứu chữa… Rõ ràng công dân của các nước ASEAN được hưởng rất nhiều. Nhiều đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và các nước khác cam kết hỗ trợ qua đa phương hay song phương.

Đối tác bên ngoài coi trọng vị thế của ASEAN, coi trọng việc ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm nên càng giúp nhiều hơn, để ASEAN và từng nước thành viên có thể nhanh chóng vượt qua đại dịch, trở lại vai trò của mình một cách mạnh mẽ hơn.

Đối tác coi trọng vai trò của ASEAN

Xin GS Minh cho biết nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tuần qua?

Có 4 nội dung trọng tâm: Xây dựng cộng đồng ASEAN; Ứng phó với đại dịch Covid-19; Tăng cường và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN và những vấn đề nổi bật của khu vực và quốc tế.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, thông qua các nội dung trọng tâm vừa được GS Phạm Quang Minh đề cập, theo ông, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tuần qua đã đạt được kết quả nổi bật ra sao?

Một là trong đại dịch khó khăn nhưng tất cả đối tác đều rất coi trọng ASEAN. Vừa lệch múi giờ, vừa bận phòng chống dịch, tiêm vắc xin nhưng họ vẫn rất coi trọng ASEAN và trên thực tế đây là dịp hoạt động có nhiều đối tác nhất trong năm của ASEAN. Đối tác của ASEAN đều thể hiện:

Coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Ủng hộ xây dựng cộng đồng và một ASEAN đoàn kết vững mạnh. Với nhiệm vụ khẩn cấp gồm kinh tế phục hồi và ứng phó với đại dịch, có rất nhiều những cam kết ủng hộ cụ thể.

Cho đến nay Trung Quốc đã cung cấp bao gồm cả bán viện trợ cho ASEAN, tổng giá trị về vắc xin và vật tư y tế lên tới 119 triệu USD. Mỹ cam kết 160 triệu USD giúp cho các nước ASEAN cộng với việc đã cung cấp 23 triệu liều vắc xin. Australia cũng giúp đỡ rất nhiều về tài chính và vắc xin...

Thứ hai, dù ASEAN gặp khó khăn nhưng trong các cuộc họp vẫn khẳng định tiếp tục những mục tiêu trung hạn và dài hạn, đó là xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột. Dự kiến sẽ trình Cấp cao ASEAN 38 cuối năm nay nhiều tuyên bố quan trọng, trong đó có Sáng kiến về an ninh và tự cường ASEAN về vắc xin. Hay đưa Trung tâm y tế ứng phó khẩn cấp vào hoạt động, hay thúc đẩy phát triển xanh…

Về Biển Đông, không chỉ ASEAN mà các nước đối tác đều nhấn rất mạnh những nguyên tắc đã có của ASEAN. Đó là coi trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, coi trọng tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển, không làm phức tạp thêm tình hình và ủng hộ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, thực hiện tốt luật pháp quốc tế, thực hiện tốt Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.

Câu chuyện Myanmar cũng vậy. Myanmar là do người Myanmar giải quyết. Trong khi đó, ASEAN sẵn sàng hỗ trợ như thúc đẩy các bên đi vào đối thoại, cử đặc phái viên của ASEAN giúp đỡ, hỗ trợ về nhân đạo. Nhưng ASEAN phải làm theo những nguyên tắc của mình.

Việt Nam với sự chủ động

Việt Nam đã chủ động đóng góp ra sao trong việc triển khai các tuyên bố cũng như kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng khu vực, thưa Đại sứ?

Việt Nam trong năM nay đã thúc đẩy xây dựng những kế hoạch, chiến lược của khu vực nói chung để ứng phó với đại dịch như Quỹ ứng phó với đại dịch, kho vật tư và kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế.

Thời gian qua, chúng ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, có đóng góp cho quỹ chung, chia sẻ, hỗ trợ về vật tư y tế cho các nước trong ASEAN và đối tác - vào năm ngoái. Dù những lúc giãn cách chặt chẽ nhất, ta vẫn duy trì vận tải thiết yếu để giao lưu hàng không giữa ASEAN và đối tác; tiếp tục lưu thông hàng hóa thiết yếu cho đời sống, cung cấp thiết bị y tế, thuốc men…Thứ ba là hỗ trợ bảo vệ công dân.

Tựu chung lại, chúng ta trong khuôn khổ ASEAN đã tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung về mặt chính sách cũng như thực hiện những biện pháp cụ thể.

{keywords}
GS Phạm Quang Minh

Chủ đề của năm ASEAN 2021 là “Chúng ta quan tâm, chúng ta sẵn sàng và chúng ta thịnh vượng”. Xin GS Phạm Quang Minh cho biết mục đích và ý nghĩa của chủ đề này?

Ba từ chìa khóa trong chủ đề ASEAN năm nay là “quan tâm, sẵn sàng và thịnh vượng”. Tôi nghĩ rằng chủ đề này rất quan trọng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay không có từ nào hay hơn là “quan tâm”. 

Thứ hai là “sẵn sàng” cho thấy, ASEAN xác định trong bất kỳ tình huống nào cũng phải chuẩn bị và sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức. “Thịnh vượng” chính là định hướng và mục tiêu hướng tới của ASEAN trở thành một khu vực hòa bình, tự do, thịnh vượng. Cả ba từ chìa khóa này gắn kết chặt chẽ với nhau và phù hợp với bối cảnh của ASEAN hiện nay.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá như thế nào về kết quả ASEAN đạt được trong nửa đầu năm nay?

Đại dịch vẫn rất phức tạp, khu vực và thế giới vẫn tiếp tục đứng trước những khó khăn. Hiện tại, Đông Nam Á trở thành tâm điểm của dịch trong khi những trung tâm kinh tế lớn như Mỹ như châu Âu hoặc Trung Quốc đã tương đối kiểm soát được dịch Covid-19. Cạnh tranh nước lớn trong khu vực tiếp tục rất phức tạp. Vậy ASEAN ứng xử thế nào?

Làm sao để thực hiện chương trình Cộng đồng ASEAN, lấy người dân làm trọng tâm; đưa ASEAN vượt ra hỏi đại dịch và ứng phó với cạnh tranh nước lớn để có được ổn định, an ninh, hòa bình và phát triển?

ASEAN dưới sự điều hành của Brunei - Chủ tịch luân phiên năm nay cũng chèo thuyền theo hướng này. Các đối tác quan tâm, hỗ trợ ASEAN nhiều hơn cả về tài chính và thuốc men, y tế, vắc xin; ủng hộ ASEAN trong xây dựng Cộng đồng, hướng tới người dân và đặc biệt là trong ứng xử những thách thức đang đặt ra, bao gồm cả Biển Đông và những vấn đề mới nảy sinh.

Cùng một lúc ASEAN đã tiếp tục ứng phó với thách thức khẩn cấp cũng như lâu dài mà vẫn tranh thủ được sự ủng hộ trong và ngoài ASEAN.

GS Phạm Quang Minh đánh giá ra sao về tinh thần “đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, để không ai bị bỏ lại phía sau” được nêu bật trong các sáng kiến, chương trình hoạt động của ASEAN?

Có thể nêu ra một số hoạt động rõ ràng và cụ thể hướng tới người dân. Thứ nhất: Thành lập Quỹ ứng phó với Covid-19 để hỗ trợ các nước thành viên. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua đã thông qua chủ trương phối hợp với UNICEF sử dụng 10,5 triệu USD của Quỹ để mua vắc xin cho các nước thành viên.

Thứ hai là thông qua khung phục hồi tổng thể ASEAN, đưa ra sáng kiến, biện pháp cụ thể thực hiện trong 3 giai đoạn chính khi đại dịch qua đi. Đó là tái mở cửa, phục hồi và tự cường.

Thứ ba là quyết định thành lập kho dự phòng vật tư y tế. Thứ tư, thành lập trung tâm ASEAN để ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. Việc thành lập trung tâm này cho thấy tầm nhìn chiến lược của khối vì Covid-19 chỉ là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống con người phải đối mặt.

Đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu còn thể hiện ở việc thành lập hành lang đi lại ASEAN, chúng ta cùng hỗ trợ để duy trì giao thương, không gián đoạn kết nối, giúp cho nền kinh tế ASEAN không bị đóng băng.

Tuần Việt Nam 

Chuyện lạc quan từ cặp vợ chồng mắc Covid và bài tập thở của vị giáo sư

Chuyện lạc quan từ cặp vợ chồng mắc Covid và bài tập thở của vị giáo sư

Mỗi người dân phải được chuẩn bị tinh thần lạc quan và kỹ năng chống dịch để bảo vệ mình và người thân trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng này.