Cùng thời gian với việc giải quyết vấn đề di tản, quá trình dàn xếp một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia đi tới hồi kết với việc ký Hiệp định ở Paris năm 1991; quan hệ Việt - Mỹ có những tiến triển mới. Ai quan tâm có thể tìm kiếm những thông tin cần thiết trên mạng.

Sau đận đó tôi còn có dịp trải nghiệm về vai trò của Mỹ tại Hội nghị Paris về xử lý nợ công của nước ta và Hội nghị tư vấn đầu tiên của các nhà tài trợ cho Việt Nam; việc triển khai thỏa thuận với Nhật Bản về khoản ODA đầu tiên và việc tổ chức đưa hàng vạn lao động Việt Nam về nước khi bùng phát cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất cuối năm 1990 - đầu năm 1991… Mỗi sự kiện trên đều có nhiều tình tiết “ly kỳ hồi hộp”; ở đây tôi chỉ xin kể về sự kiện cuối cùng.

{keywords}

Số là, ngày 28/2/1990 chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Cụ Đỗ Mười, lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, triệu tập gấp một cuộc họp để đánh giá tình hình, nhất là bàn việc cấp bách đưa trên 16.000 lao động Việt Nam ở Iraq về nước và giao cho Bộ Ngoại giao đảm nhiệm việc này.

Tôi gãi đầu gãi tai xin Chính phủ cấp kinh phí để triển khai công việc. Cụ Mười hỏi: "Cần bao nhiêu?”. Tôi thưa rằng, chắc phải cần tới hàng chục triệu USD! Cụ trừng mắt nói: “Lấy đâu ra? Không có xu nào cả!”. Quả thật lúc ấy nước ta lấy đâu ra thật. Nước duy  nhất ta có thể nhờ cậy là Liên Xô lại đang rơi vào khủng hoảng sâu.

Tôi dò hỏi HCR xem có giúp gì được không. Họ cho biết là không có chức năng, không có nguồn lực và khuyên ta tiếp cận IOM (Tổ chức di dân quốc tế). Nhưng IOM lại quan hệ mật thiết với Mỹ, vậy tính sao đây? Xin ý kiến ông Thạch và ông Đỗ Mười, cả hai ông đều nói, ai cũng được, miễn là đưa được lao động về!

Sau đó ta đã tiếp cận IOM và liền được tổ chức này đồng ý giúp; cùng lúc đó Nhật Bản và EU cũng ngỏ ý sẵn sàng đóng góp hàng chục triệu USD vào việc này. IOM đã lập hẳn một cầu hàng không bằng loại máy bay Jambo, tức Boeing 747 rất lớn, đưa hết hơn 16.000 lao động Việt Nam về nước.

Qua những câu chuyện trên tôi càng ngộ ra rằng, quan hệ bình thường với Mỹ không phải là tất cả nhưng không có mối quan hệ ấy, nước ta không dễ gì đẩy lui được tình thế bị bao vây cô lập và hội nhập quốc tế.

{keywords}

Danh nhân thời Lê trung hưng Lê Quý Đôn từng nói:”Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng”. Quả thật quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ mà không có giao thương thì thật “bất hoạt”, không tranh thủ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì lấy đâu ra sự hưng thịnh?

Chẳng bao lâu sau khi kiến lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã bắt tay vào cuộc đàm phán về một hiệp định Thương mại song phương (BTA).

Lạ nước lạ cái, khi chuẩn bị, anh em ta đã “chiếu cố” Mỹ là đối tác lớn nên đã dự thảo một văn bản dài hơn các bản hiệp định thương mại “khung” với các nước khác. Đáp lại, phía Mỹ chuyển cho ta một dự thảo trên dưới 100 trang theo chuẩn của WTO.

Anh Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Thương mại lúc ấy đã chỉ đạo và trực tiếp đàm phán với phía Mỹ; kết quả là khoảng tháng 11/1999 hai bên dự kiến sẽ ký Hiệp định ở Auckland (New Zealand) nhân Cấp cao APEC với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống B. Clinton. Tuy nhiên, đến phút chót đã nảy sinh một số vấn đề nên chưa ký được.

Năm 2000 tôi được điều sang Bộ Thương mại và một trong những việc phải làm là xử lý nốt những vấn đề còn lại để có được BTA. Kết quả là sau các cuộc đàm phán cam go, chiều 27/7/2000, tôi và Barshefsky, Đại diện thương mại Hoa Kỳ đã đặt bút ký BTA.

Sau khi ký Hiệp định, tôi được mời vào Nhà Trắng dự lễ Tổng thống B. Clinton công bố sự kiện lịch sử này tại Vườn Hồng. Tiếp tôi, ông nói: Chính tại đây, Tổng thống F. Roosevelt đã nhắc tới một nước Việt Nam độc lập. Như vậy tôi là quan chức Chính phủ đầu tiên của CHXHCN Việt Nam bước vào Nhà Trắng và trực tiếp gặp Tổng thống Hoa Kỳ. Cũng như tại lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN ngày 28/7 cũng vào năm 1995, một lần nữa trong tâm trí tôi lại hiện về hình ảnh biết bao chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống để giang sơn thống nhất và đất nước có được vị thế như ngày nay.

Thú thật lúc ấy tôi không hình dung nổi sau hơn 20 năm kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Mỹ đã vọt lên tới 55,6 tỷ USD vào năm 2019 và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Và tôi cũng không nghĩ rằng, hàng vạn nam thanh nữ tú nước ta sẽ sang học tại các trường của Mỹ.

Tiếp đến là 5 năm dòng đẩy mạnh đàm phán về việc gia nhập WTO, trong đó cuộc đàm phán với Mỹ là khâu then chốt. Và lần này, tôi - với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ và anh Tuyển từ Nghệ An lộn lại Bộ Thương mại tạo thành một cặp bài trùng trong cuộc chặng đường việt dã này.

Nhân đây tôi muốn nhắc lại công sức lớn lao, tài ba ngày càng lão luyện của đội ngũ đông đảo các anh chị em từ các bộ, ngành hữu quan đã tham gia “cuộc chiến” này, trong đó nhiều người đã trở thành lãnh đạo.

Vũ Khoan 

Thiết kế: Hồng Anh

* Còn tiếp

Con đường từ cựu thù tới đối tác toàn diện và chuyện bên ly cà phê

Kỳ 1: Con đường từ cựu thù tới đối tác toàn diện và chuyện bên ly cà phê

Một phần tư thế kỷ đã qua kể từ khi nước ta và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, con đường đi tới cột mốc ấy còn dài hơn nhiều.