XEM VIDEO: 

Tọa đàm có sự tham dự của hai khách mời: Đại sứ Phạm Quang Vinh nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN.

Biến thách thức thành cơ hội

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp khiến cho 2021 tiếp tục trở thành năm có nhiều khó khăn đối với ASEAN, đồng thời cũng không thể phủ nhận đại dịch Covid đã có những tác động tàn phá đối với các nước trong khu vực. Nhưng nếu chỉ ra cơ hội để ASEAN có thể nắm bắt trong tiến trình phục hồi kinh tế, Đại sứ chia sẻ như thế nào?

Trước hết phải nói đến thách thức. 2021 tiếp tục là câu chuyện của đại dịch, với hệ quả cả về bệnh tật, khủng hoảng kinh tế và xã hội. Trong khi đó, cạnh tranh nước lớn cộng với sự phát triển của khoa học công nghệ… đặt ra thách thức rất lớn.

Nhưng để nói đến khía cạnh cơ hội trong những thách thức đó, chúng ta thấy rằng, nước nào kiểm soát được dịch bệnh sớm, nước nào có thể duy trì các hoạt động kinh tế trong khi vẫn kiểm soát được dịch bệnh, ứng phó được với sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại nắm bắt được cơ hội. Với cạnh tranh nước lớn, cơ hội dành cho ai có thể tranh thủ được cả tất cả đối tác lớn của mình.

Trong ASEAN cũng vậy, đã có giai đoạn các nước kiểm soát dịch rất tốt trong năm 2020, nhưng nửa đầu năm nay, trung tâm dịch lại chuyển về khu vực này. Nhưng nếu đến ngày hôm nay, chúng ta có thể nói rằng đa phần các nước Đông Nam Á đang lấy lại đà để kiểm soát đại dịch, từ đó có thể tìm cách mở cửa trước hết là trong nước, phục hồi các hoạt động kinh tế và xã hội, từng bước mở cửa bên ngoài để tiếp đón không chỉ là khách du lịch mà còn cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ hai, các nước ASEAN đều đang tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ rất nhiều. Thứ ba - có lẽ là một trong những khó khăn nhất - là sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều nước ASEAN không chỉ hợp tác trong phạm vi nội khối, mà còn phối hợp với các đối tác lớn để duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng, rồi những dịch chuyển của các sáng kiến kinh tế thương mại, tạo ra nhiều lựa chọn khác nhau.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Đơn cử như Việt Nam, rõ ràng bây giờ chúng ta đã tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin lên rất nhiều so với trước, có thể từng bước vừa kiểm soát dịch, vừa mở cửa kinh tế và đang tính lộ trình mở cửa du lịch, đón doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài…

Biến thách thức thành cơ hội là câu chuyện lớn của ASEAN, khi hai khía cạnh này đan xen với nhau. Thách thức hiện tại rất lớn nhưng nhưng nếu chúng ta nắm bắt được và vươn lên thì nó lại là cơ hội.

Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, hiện nay cọ xát chiến lược và cạnh tranh nước lớn đang ngày càng gia tăng và diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này sẽ tác động thế nào tới cân bằng chiến lược cũng như vị trí trung tâm của ASEAN trong khu vực?

Câu chuyện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Đông Nam Á, việc ASEAN xử lý vấn đề này là câu chuyện không mới. Nhưng rõ ràng là cạnh tranh nước lớn, cụ thể là Trung - Mỹ ở giai đoạn hiện nay khác xa so với thời cạnh tranh Mỹ - Liên Xô thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Điểm đầu tiên là cạnh tranh Mỹ - Trung  diễn ra hết sức quyết liệt. Tuy chưa dẫn đến đối đầu trực tiếp nhưng mức độ cạnh tranh ngày càng tăng.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm cách thiết lập các khu vực ảnh hưởng của mình, tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh để mở rộng vị thế, củng cố chỗ đứng trong khu vực này để tạo thế lợi thế cho mình. Trong cuộc cạnh tranh này, nước nào có nhiều đồng minh hơn, nước nào thiết lập được nhiều các mạng lưới quan hệ với các đối tác bên ngoài nhiều hơn thì nước đó có lợi thế hơn.

Chính vì vậy, Mỹ đã củng cố kỳ nhóm bộ tứ, tiến trình thiết chế hóa nhóm bộ tứ đã đẩy lên rất nhanh dưới thời chính quyền Biden, rồi tiếp theo là việc thiết lập liên minh an ninh 3 nước Anh - Mỹ - Australia (AUKUS). Đây là liên minh an ninh mới nhất sau 66 năm mà Mỹ thiết lập ở khu vực này. Câu chuyện này cho thấy cạnh tranh chiến lược, đặc biệt là cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh về an ninh càng ngày càng tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Trong cạnh tranh Trung - Mỹ thì ASEAN là tâm điểm, cả hai nước lớn đều tìm cách tranh thủ vai trò và ảnh hưởng của khối. Không chỉ từng nước ASEAN đứng trước lực kéo và đẩy mà cả các diễn đàn do ASEAN đóng vai trò trung tâm cũng đang đứng trước các áp lực này.

ASEAN, dù muốn hay không, nếu muốn duy trì vai trò trung tâm thì phải xử lý tốt quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Đây là bài toán mà không dễ giải của ASEAN.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Hoàng Anh Tuấn

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi rất nhất trí với Đại sứ Hoàng Anh Tuấn về cạnh tranh Mỹ - Trung lần này rất khác với thời kỳ chiến tranh Lạnh. Đó là cạnh tranh rất quyết liệt, cạnh tranh chiến lược và trên tất cả các mặt nhưng lại đan xen lợi ích với nhau. Hai bên đều muốn quản trị để quan hệ không đổ vỡ, không đối nghịch và nhất là không trở thành xung đột quân sự.

Các bên đều đưa ra nhiều sáng kiến và đây vừa là không gian, vừa là cơ hội để các nước khác có thể tranh thủ. Thời chiến tranh Lạnh thì cạnh tranh nằm ở khu vực địa chiến lược ở châu Âu. Nhưng lần này lại là châu Á. Vậy ASEAN sẽ làm gì?

Một là, đứng trước cạnh tranh các nước lớn, ASEAN có thể nêu tiếng nói của mình, không nhận xét đúng, sai nhưng phải dựa trên lợi ích khu vực. Hai là, ASEAN cần tranh thủ sáng kiến mà các bên đưa ra dù không dễ dàng như về mặt kinh tế, an ninh, hợp tác với ứng phó biến đổi khí hậu hay dịch bệnh.

Ba là, ASEAN có những tiến trình khu vực mà các tổ chức khác không thể có được, bởi nó kết nối tất cả đối tác lớn nhất ở khu vực và thế giới, trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc. Những tổ chức khác khó có thể bao trùm được như vậy. Đấy chính là thế mạnh của ASEAN.

Ứng xử của ASEAN

Trong bối cảnh đó, ASEAN ứng xử ra sao để đảm bảo vai trò trung tâm của mình và duy trì quan hệ với các đối tác?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đứng trước cạnh tranh Mỹ - Trung, người ta nói đến rất nhiều về bẫy cạnh tranh, về chọn bên và làm sao để ASEAN duy trì quan hệ tốt với tất cả các nước. Và ASEAN đã thể hiện rất rõ lập trường này.

Thứ nhất, không chọn bên, muốn chơi tốt với cả Mỹ và Trung Quốc nhưng đồng thời không để cạnh tranh Mỹ - Trung ảnh hưởng đến khu vực, đều mong muốn Mỹ, Trung Quốc đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực và dựa trên luật pháp quốc tế.

Thứ hai, dù có cạnh tranh nhưng các bên cũng đan xen lợi ích. Như vậy nếu cái nào mà bất lợi cho hòa bình, ổn định, phát triển khu vực thì phải có tiếng nói. Còn cạnh tranh để đưa ra những sáng kiến tốt hơn, lựa chọn tốt hơn cho khu vực thì cần phát huy. Ví dụ như sáng kiến về hạ tầng, thương mại, năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu, hay câu chuyện Biển Đông, Mekong…

Quan điểm của ASEAN trong hợp tác phát triển khu vực là dựa trên lợi ích chung, dựa vào luật pháp quốc tế. ASEAN được các nước lớn ủng hộ thông qua việc xây dựng các chương trình nghị sự chung khu vực, xây dựng các chuẩn mực ứng xử để hợp tác với nhau.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Càng nhiều các nước lớn can dự vào các vấn đề khu vực thì lợi ích của họ ở trong khu vực cũng sẽ tăng lên. Và điều này buộc các đối tác không chỉ tăng cường hợp tác với nhau, mà còn hợp tác thông qua các cơ chế của ASEAN.

ASEAN chính là người điều phối các lợi ích, các quan tâm của họ, tạo ra các đan xen lợi ích. Đây cũng chính là cơ hội của ASEAN. Thời gian qua, ASEAN thúc đẩy rất nhiều mặt trong quan hệ với các đối tác khác nhau. từ đó có điều kiện tốt hơn để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.  

{keywords}
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn

Nhưng để làm được điều đó còn còn phụ thuộc vào một số yếu tố nội tại tức là bản thân ASEAN phải mạnh. Ngoài câu chuyện nhận thức, ASEAN cũng phải mạnh về kinh tế. Muốn mạnh về kinh tế thì trước hết phải vượt qua được khó khăn của đại dịch này. Hơn nữa, sức mạnh của ASEAN còn thể hiện qua câu chuyện duy trì và củng cố đoàn kết nội khối. Đây là nền tảng chính làm cho ASEAN mạnh hơn, cố kết hơn và có sức hấp dẫn hơn trong việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác bên ngoài.

Muốn thúc đẩy quan hệ đối tác bên ngoài thì ASEAN phải tạo ra sức hấp dẫn, nghĩa là làm cho các đối tác thấy được rằng các lợi ích, các quan tâm của họ được phản ánh trong chương trình nghị sự của ASEAN. Cho đến nay chúng ta đã và đang làm rất tốt điều này.

Như vậy, theo Đại sứ, đâu sẽ là những vấn đề then chốt liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN?

Để ASEAN thực hiện được các mục tiêu đặt ra, trước tiên cần phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nó mang tính quyết định. Thứ hai, ASEAN cần gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong khu vực và cả thế giới là chúng tôi có sự đoàn kết, nhất trí, ngay cả trong giải quyết những vấn đề khó khăn như Biển Đông hay Myanmar.

Trong quan hệ giữa các nước lớn, ASEAN phải thể hiện mình giữ vai trò cân bằng, là cầu nối giữa các nước lớn. Điều này không dễ vì các nước có lợi ích, tính toán riêng. Thế nhưng khi ở vị thế trung tâm, ASEAN phải làm sao duy trì được hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; làm sao đưa quan hệ với các nước lớn xích lại gần nhau và giảm thiểu tối đa cạnh tranh giữa họ khi cạnh tranh ấy có thể dẫn đến đối đầu, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định cũng như môi trường chung của cả khu vực.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách. Trước mắt, nhiều thứ có thể làm ngay, nếu không sẽ lỡ cơ hội.

Thứ nhất, ASEAN đã có khung phục hồi. Thứ hai là nối lại các hoạt động ít nhất là trong khu vực. Đã có một số nước khu vực đang tiến hành như Singapore, rồi có những nước đang bàn để tìm cách thúc đẩy nhanh hơn như Việt Nam, nhưng để điều này được thực hiện trong tiến trình chung của khu vực đòi hỏi ASEAN phải hết sức quyết liệt. Nếu không nối lại chuỗi cung ứng thì không nối lại hoạt động về kinh tế xã hội để phục hồi.

Dịch bệnh, cộng với những biến chuyển nhanh của tình hình thế giới, trong đó có cạnh tranh các nước lớn khiến cho nhiều điều không thể quay trở lại như cũ. Ví dụ, các chuỗi cung ứng bây giờ đang dịch chuyển rất nhanh. Vậy ASEAN có giữ lại các chuỗi cung ứng đặc biệt chuỗi cung ứng chất lượng cao ở lại hay không?

Điểm thứ ba là ứng xử cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là hai đối tác quan trọng nhất ở khu vực là Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là làm sao ASEAN chơi thật tốt với cả hai bên, làm sao để họ đều thấy ASEAN là người bạn đáng tin cậy và họ có lợi ích, có tiếng nói dựa trên lợi ích chung khu vực và luật pháp quốc tế.

Khu vực này không chỉ giới hạn mình trong lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn rất nhiều đối tác quan trọng khác. Làm sao để những sáng kiến mới, kể cả về thương mại, hay an ninh không chỉ đáp ứng được lợi ích của các nước lớn mà phải đáp ứng cả lợi ích của ASEAN. 

Tuần Việt Nam

Chúng ta có lại lỡ nhịp với đà phục hồi của thế giới?

Chúng ta có lại lỡ nhịp với đà phục hồi của thế giới?

Kể từ khi hình hài của gói phục hồi kinh tế được phác thảo ở Quốc hội đầu tháng vừa rồi, người dân, doanh nghiệp cứ hi vọng mãi. Cấp cứu thì phải đúng thời điểm chứ quá đi thì khó.