Dù vẫn còn khá dè dặt trong việc tiếp cận, điều chỉnh, nhưng dù sao, việc “mở cửa” cho mang thai hộ cũng là một tín hiệu đáng mừng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh.

LTS: Từ ngày 01/01/2015, việc mang thai hộ sẽ chính thức được pháp luật thừa nhận. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn tác giả Nga Lê, hiện là Luật sư tại Hà Nội, để độc giả cùng tranh luận.

Vậy là sau bao nhiêu đắn đo, cân nhắc, cuối cùng một trong những nội dung gai góc và nhạy cảm nhất của Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi cũng đã được thông qua: mang thai hộ. Tuy nhiên, một số quy định của Luật có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của những người có liên quan, thậm chí có thể gây hiểu nhầm, hoặc tiếp tục làm phát sinh những vấn đề cần điều chỉnh.

Chỉ được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Lâu nay, trên thực tế, việc thuê “bụng” (mang thai hộ) để nuôi dưỡng một bào thai đã được những người có nhu cầu thực hiện từ nhiều năm qua. Thậm chí có nơi còn hình thành cả một đường dây cung cấp dịch vụ “trọn gói” (thụ thai, kiểm tra y tế định kỳ, chăm sóc nuôi dưỡng đến ngày sinh nở) cùng sự giúp sức của các bác sỹ, các cơ sở y tế, có người lặn lội sang tận Thái Lan, v.v…

Tuy nhiên, Luật hôn nhân và gia đình 2014 cấm “thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại

Và Luật mới chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Luật quy định phân biệt rành mạch hai trường hợp, tuy nhiên, nếu nhìn bằng “mắt thường” thật khó để phân định trường hợp nào là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và trường hợp nào vì mục đích thương mại.

Hầu hết các thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng ở Việt Nam đang ngày càng tăng lên ở mức đáng báo động. Đặc biệt, vô sinh đang có xu hướng ngày càng bị trẻ hóa. Do đó, dù bị cấm đoán, những “hợp đồng mang thai hộ” vẫn được thực hiện và ngày càng phổ biến. Nếu đặt vào hoàn cảnh của những người kém may mắn ấy mới thì mới hiểu hết nỗi khổ cũng như động lực nào cho sự liều lĩnh của họ.

Nhiều người biết là phạm luật, thậm chí giờ đây khi pháp luật cho phép được mang thai hộ, nhưng họ vẫn phạm luật, vì nguy cơ tan vỡ gia đình và vì khát khao quá lớn làm họ dường như không có sự lựa chọn nào khác. Cho nên, dù luật đã cởi mở hơn nhưng chỉ quy định được “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” là chưa đủ đáp ứng nhu cầu và do đó, khó có thể ngăn những giao dịch ngầm này xảy ra trong thực tế.

Xét cho cùng, ngoài yếu tố thương mại, việc một người đánh cược với sức khỏe và tính mạng của mình để mang thai hộ, thì dưới góc độ xã hội, cũng là đã có tính nhân đạo rồi.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chỉ “thân thích cùng hàng” mới được mang thai hộ?

Thêm một điều kiện ngặt nghèo nữa để thấy rằng cánh cửa tuy đã mở, nhưng mới chỉ là mở hé chứ chưa mở toang khi Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về một trong những điều kiện mà người được nhờ mang thai hộ phải có: “Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ”.

Có rất nhiều câu hỏi đã và sẽ được đặt ra trước quy định này: Nếu không có người thân thích cùng hàng thì sao? Nếu người thân thích cùng hàng không thể, không muốn mang thai hộ thì  sao?… Đó là những điều luật chưa dự liệu và gây thiệt thòi cho nhiều cặp vợ chồng.

Một trong những mục đích của việc chỉ cho người thân thích mang thai hộ là để ngăn ngừa nguy cơ thương mại hóa việc này. Nhưng có lẽ, rào cản “thân thích” cũng chưa chắc đã mang lại hiệu quả quản lý và hạn chế được tình trạng khi mà nhu cầu là quá lớn. Hơn nữa, vấn đề thương mại không chỉ tồn tại đối với những người không cận huyết thống.

Chúng ta có vẻ “dị ứng” với những mối quan hệ gia đình, những mối quan hệ truyền thống mà lại dính dáng đến kinh doanh, đến tiền bạc. Song thực tế, những thỏa thuận rõ ràng, sòng phẳng thường lại là những thỏa thuận dễ điều chỉnh nhất, dưới góc độ pháp lý.

Người Việt Nam nói chung đều có quan niệm: con cái là của để dành. Do đó, việc kết hôn không chỉ là tạo dựng một cuộc sống chung, mà mục đích của hôn nhân còn là sinh con đẻ cái để “duy trì nòi giống”. Và nguyện vọng có 1 đứa con cũng là nguyện vọng rất chính đáng của các cặp vợ chồng kém may mắn.

Mặc dù vẫn còn khá dè dặt trong việc tiếp cận, điều chỉnh và đôi khi là vẫn “chậm chân” hơn so với thực tiễn, nhưng dù sao, việc “mở cửa” cho mang thai hộ cũng là một tín hiệu đáng mừng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Những vấn đề còn tồn tại chúng ta có quyền hy vọng vào sự vận dụng linh hoạt trong các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc các lần sửa đổi bổ sung sau này.

Nga Lê