Thực tiễn đã đúc kết rằng, sẽ không thể có Quốc hội ĐỔI MỚI nếu không có những ĐBQH ĐỔI MỚI. Một khi ĐBQH chưa cảm thấy "sức mạnh" của mình, thì chứng tỏ QH vẫn chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực cao nhất. 

Bộ chính trị không cần "sa đà" vào sự vụ của QH

Khi bàn về chất lượng hoạt động của QH, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nêu vấn đề: “Trong ba nguyên tắc cơ bản: lòng dân là gốc, pháp luật là tối thượng, đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, có lẽ việc dựa vào lòng dân là khó nhất và yếu nhất?

Nhìn lại hành trình 70 năm qua, trong nhiều thập niên trước, QH mỗi năm họp đúng một lần, mỗi lần chỉ vài ngày. Các đại biểu tham dự để “cơ bản nhất trí”, và để đọc những bản tham luận đã được chọn duyệt kỹ lưỡng từ trước. Giờ đây các đại biểu QH đã dần chứng tỏ được sức mạnh dân cử. Giờ đây các vị đại biểu QH không chỉ biết tán thành và nhất trí cao với các chủ trương và các bài phát biểu đã rồi của Chính phủ. Nhiều phiên chất vấn nảy lửa của các vị ĐBQH với các thành viên Chính phủ về những vấn đề quan trọng của đất nước phần nào cho thấy một QH đổi mới, luôn đồng hành cùng dân tộc.

Thực tiễn đã đúc kết rằng, sẽ không thể có Quốc hội ĐỔI MỚI nếu không có những ĐBQH ĐỔI MỚI. Một khi ĐBQH chưa cảm thấy "sức mạnh" của mình, thì chứng tỏ QH vẫn chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực cao nhất.

{keywords}

Cuộc sống đang đòi hỏi ngày càng có nhiều hơn những đại biểu QH có năng lực trong việc thực hành vai trò đại diện cho dân. Vì suy cho cùng Quốc hội có ĐỔI MỚI thì xã hội mới ĐỔI MỚI.

Lịch sử nghị trường Việt Nam đã được đánh dấu từ kỳ họp thứ 10, QH khóa VII, cuối năm 1985. Đại biểu QH Đào Thị Biểu, tỉnh Cửu Long, thay vì đọc bản tham luận được “duyệt” trước, đã có một bài phát biểu đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của Chính phủ khi triển khai quyết sách giá - lương - tiền, vấn đề thời sự nóng bỏng, tác động trực tiếp tới đời sống dân sinh lúc bấy giờ, với nhiều bất cập và “ấm ức” ai cũng biết nhưng không ai dám nói ra.

Bà quyết liệt: “Có đồng chí nói một số nơi đã làm lộ. Riêng vụ án ở Cửu Long đã chứng minh kẻ biết trước và chủ tâm làm lộ để đầu cơ trong đổi bạc là hệ thống ngân hàng. Ban giám đốc ngân hàng đầu tư xây dựng và gần hết nhân viên đã cấu kết với tên thương buôn Lã Thị Tú Vân thu hết tiền 10 đồng trở xuống trước ngày đổi bạc và luồn lách đổi hàng triệu bạc sau ngày đăng ký. Ai ở Trung ương đã phổ biến cho ngân hàng Cửu Long những chi tiết đó? Việc phổ biến nội dung như vậy với thời gian như vậy để xảy ra tiêu cực là chuyện bình thường hay có dụng ý? Chúng tôi đề nghị các ngành có chức năng truy cứu tới nơi tới chốn trách nhiệm hình sự này”.

Hành động của bà Đào Thị Biểu khi đó không chỉ gây chấn động diễn đàn Quốc hội đêm trước đổi mới mà còn mở ra “kỷ nguyên nói thẳng, nói thật trên nghị trường”. Bà đã làm được một việc hết sức quan trọng, chưa từng có trong đời sống nghị trường Việt Nam, kể từ thời điểm 15/7/1960.

Lịch sử nghị trường Việt Nam cũng được đánh dấu bởi câu ngạn ngữ “Nhất Ngoạn, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc”. Câu này ám chỉ 4 vị đại biểu Nguyễn Trọng Ngoạn, đại biểu Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân và đại biểu Dương Trung Quốc. Trong khi đa số vẫn chọn cách “im lặng là vàng” thì 4 vị này đã không ngại va chạm, làm cho cử tri hài lòng bằng việc hăng hái phát biểu ý kiến, góp phần tạo ra sức sống cho QH trong hành trình ra biển lớn. Một nhà nghiên cứu đã bình luận, “kỹ năng phát biểu của bốn vị đại biểu QH nói trên phải nói là lão luyện và đây cũng là một ưu thế rất lớn trong hoạt động nghị trường.”

Lịch sử nghị trường Việt Nam còn được đánh dấu bởi dấu ấn của những người cầm trịch. Ngày 20/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, QH khoá VIII, sau khi đọc xong bản báo cáo, Bộ trưởng Tài chính như mọi vị khách, xách cặp đi xuống. Nhưng Chủ tịch Lê Quang Đạo đã yêu cầu Bộ trưởng tiếp tục đứng lại để các vị đại biểu chất vấn. Theo giới nghiên cứu, đây được xem là cuộc chất vấn trực tiếp đầu tiên của QH Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ai đã chứng kiến, chắc sẽ không quên chuyện chưa từng xảy ra, người cầm trịch- Chủ tịch QH Nguyễn Văn An chất vấn Bộ trưởng Xây dựng tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ (QH khóa XI) sáng 27/4/2006.

Hôm đó, trả lời về trách nhiệm khi tham mưu cho Chính phủ trong quy hoạch đô thị, vị Bộ trưởng này đã hết lần này đến lần khác vòng vo né tránh. Bởi vậy, ông An đã chốt thẳng: “anh trả lời vòng vo xa quá, tôi chỉ hỏi chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ và giúp Chính phủ quản lý là ai?... Tổng hợp về trách nhiệm thì theo tôi phải là Bộ Xây dựng.

Một nhà báo nhiều năm theo dõi nghị trường đã bình luận, cách điều hành các phiên họp QH của ông An làm cho chủ tịch QH trở nên quyền lực hơn. Điều đó khiến cho các thành viên chính phủ phải ý thức được sinh mệnh chính trị của họ.

Đúng như TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH đã nói: “Những người chủ có ý thức sẽ là những người chủ đòi hỏi nhiều hơn. Người dân đang mong muốn QH đại diện cho mình tốt hơn”.

Nhìn vào chặng đường 70 năm qua của QH có thể thấy chất lượng phát triển của đất nước. Cuộc sống đang đòi hỏi ngày càng có nhiều hơn những đại biểu có năng lực trong việc thực hành vai trò đại diện cho dân. Vì suy cho cùng QH có ĐỔI MỚI thì xã hội mới ĐỔI MỚI.

Đông Hải