Hôm 15/12, Saudi Arabia đã đứng ra thành lập một liên minh quân sự mới chống khủng bố gồm 34 quốc gia.

Những do dự đáng nghờ

Trong khi phương Tây ra sức cho cuộc chiến chống IS, dường như các thành viên Arab trong liên minh do Mỹ thành lập cách đây hơn một năm lại đang giảm dần can dự. Tại sao?

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố triển khai lực lượng đặc nhiệm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, London quyết định đưa máy bay của mình phối hợp với phi đội của Pháp không kích trên bầu trời Syria. Ngay cả Đức, nước mà hiến pháp sau chiến tranh thế giới II đã hạn chế quân đội tham chiến trên lãnh thổ nước ngoài, cũng đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông.

Nhưng khi phương Tây tăng cường chống IS, dường như các thành viên Arab trong liên minh chống IS do Mỹ thành lập cách đây hơn một năm–vốn gần hơn về địa lý với nơi xảy ra chiến sự-lại đang giảm dần sự can dự của mình.

{keywords}

Saudi Arabia sẽ dẫn đầu liên minh quân sự gồm 34 quốc gia Hồi giáo chống chủ nghĩa khủng bố. Ảnh: Reuters

Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm mức độ tham gia xuống còn một trận không kích IS mỗi tháng. Bahrain đã ngừng hoàn toàn từ mùa Thu vừa rồi, còn Jordan vừa tuyên bố kết thúc sứ mệnh tấn công IS từ tháng 8.

Tại sao các nước Arab không hăng háig tham gia cuộc chiến chống IS đang diễn ra ngay sát sườn?

Yemen, chứ không phải IS

Đó mới là ưu tiên của hầu hết các nước Arab. Yemen là trung tâm của một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran–hai cường quốc lớn nhất khu vực.

Tôn giáo và sắc tộc là vấn đề cốt lõi trong sự thù địch giữa hai nước này. Iran có đa số là người Hồi giáo dòng Shiite và không phải là người Arab. Hầu hết các nước khác trong khu vực–kể cả Saudi Arabia–có đa số là người Hồi giáo dòng Sunni, và đều hoài nghi về các động cơ của Iran.

Vì vậy, khi lực lượng phiến quân (được cho là được Iran hậu thuẫn) chiếm thủ đô Sana’a của Yemen hồi năm 2014, một liên minh các quốc gia Arab do Saudi Arabia dẫn đầu (trong đó có Ai Cập, Jordan và UAE) đã phát động cuộc chiến để tiêu diệt phiến quân.

Có thể nhìn thấy sự khác biệt lớn trong lòng liên minh quốc tế tại Yemen. Máy bay chiến đấu của Saudi Arabia và UAE–hai nước có tiềm lực lớn về Không quân–hiện diện gần như 24/7 trên bầu trời Yemen. Họ ưu tiên cho cuộc chiến tại Yemen hơn là cuộc chiến chống IS đang diễn ra tại Syria.

Có thể lý giải nguyên nhân đầu tiên là các cuộc tấn công khủng bố ngay tại nhà mình khiến họ lo ngại khi quyết định có nên can dự nhiều hơn vào cuộc chiến chống IS hay không.

Sau vụ một viên phi công người Jordan bị IS thiêu sống, các nước Arab tỏ ra do dự hơn. IS không chỉ tồn tại ở Syria và Iraq, chúng có chân rết ở hầu hết các nước trong khu vực. Vì vậy, điều họ thực sự muốn là phải giảm thiểu nguy cơ.

Saudi Arabia cũng là mục tiêu của hàng loạt vụ tấn công lớn do IS tiến hành nhằm vào các đền thờ của người Shiite và cả các mục tiêu khác.

Các chính phủ đang bị IS đe dọa trực tiếp (Syria và Iraq) đều là đồng minh của Iran. Đây chính là logic chủ đạo trong các nước Arab theo dòng Sunni. Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh ít muốn tiến hành không kích chống các mục tiêu IS vì làm vậy chẳng khác nào đang giúp các đồng minh của Iran tại Damascus và Baghdad.

Một vấn đề khác là không nước Arab nào muốn liều mình triển khai một lực lượng lớn binh lính tham gia cuộc chiến chống IS, và không quốc gia nào có thẩm quyền hành động thay nước khác. Cứ nhìn vào phản ứng của Baghdad đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sĩ sang miền Bắc Iraq những ngày qua là thấy. Damascus cũng sẽ phản ứng tương tự đối với sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ mình.

Thành lập liên minh mới

Sau 9 tháng không kích tại Yemen, với vai trò trung gian hòa giải của Liên hợp quốc, các bên đã đạt một lệnh ngừng bắn.

Ngay trước khi thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực trong ngày 15/12, Saudi Arabia đã đứng ra thành lập một liên minh quân sự chống khủng bố gồm 34 quốc gia. Trong số này có Ai Cập, Qatar, UAE, cùng với các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan và các nước Arab vùng Vịnh cùng nhiều nước châu Phi. Tất nhiên, không có mặt Iran!

Trong tuyên bố thành lập, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết chiến dịch trên sẽ phối hợp các nỗ lực chống khủng bố tại Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và Afghanistan, sẽ không chỉ chống IS, mà nhằm vào "mọi tổ chức khủng bố".

Thông báo thành lập liên minh mới của Saudi Arabia là dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng của Saudi Arabia sang các cuộc xung đột ở phía Bắc biên giới nước mình. Việc này diễn ra trong bối cảnh IS thề sẽ lật đổ các chế độ quân chủ vùng Vịnh và gần đây đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite, và nhằm vào các lực lượng an ninh ở Kuwait và Saudi Arabia.

Toan tính chiến lược của Mỹ và các nước phương khác với các nước Arab. Sức ép trong nước ở từng nơi cũng khác, cộng thêm sự kình địch trong khu vực. Tất cả đang tạo ra một mớ rắc rối lợi ích đan xen.

Linh Thảo