Văn hóa nói chung và văn hóa từ chức nói riêng là không phải tự nhiên mà có, hơn nữa đó lại là thứ văn hóa đặc biệt quý giá.

Một trong những phẩm chất để một người được cộng đồng và xã hội tôn trọng đó là nhân cách. Một người bình thường đã vậy. Làm quan càng phải vậy. Quan không có nhân cách thì không thể thuyết phục được nhân tâm. Một trong những điểm quan trọng của nhân cách là làm người phải biết liêm sỉ.

Trong nghĩa của từ liêm sỉ bao gồm liêm khiết, và biết điều sỉ nhục. Liêm khiết phải được hiểu là biết vì cộng đồng, vì cái chung chứ không vì cá nhân mình. Biết điều sỉ nhục phải hiểu là biết nhục khi làm điều trái với đạo lý, đi ngược lại nguyện vọng của cộng đồng. Một người thường mà không có liêm sỉ thì khó sống với cộng đồng. Còn một ông quan không được lòng dân mà lại còn tham lam, cố giữ ghế thì lại càng vô liêm sỉ.

Nếu là người có văn hóa thì họ sẵn sàng từ chức một cách có văn hóa, thậm chí đến với cái chết cũng là một cách từ chức có văn hóa của người biết liêm sỉ, tuy rằng như thế là cực đoan.

Thế nhưng, không ít người đuợc gọi là hoặc tự nhận là có văn hóa thì không hề biết đến hai chữ "từ chức", ngay cả khi bị cấp trên cao nhất phê bình, nhắc nhở và bản dân thiên hạ làm cho muối mặt họ cũng tìm cách chống chế để khỏi bị cách chức. Giá như những kẻ ấy mạnh dạn từ chức khi sai phạm đã rõ ràng thì thanh danh và thể diện còn giữ đuợc phần nào. Chỉ e rằng đến khi dân chúng  phẫn nộ, la ó, phản đối quá trời và cấp trên "mạnh tay" thì một chút thanh danh, thể diện cũng chẳng còn.

Bao giờ thành chuyện bình thường?

Từ chức được định nghĩa trong từ điển do Trung tâm từ điển học xuất bản là  "Xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ". Ở nhiều nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển có văn hóa từ chức. Người ta coi từ chức là chuyện bình thường, nhẹ nhàng. Nhiều khi như là chút bỏ gánh nặng, là để giữ thể diện, để có thể vẫn ngẩng cao đầu giữa bàn dân thiên hạ. Có người từ chức vì muốn chuyển sang làm công việc khác mà mình yêu thích. Có người từ chức để nhường chỗ cho người trẻ có tài, từ chức vì nhận rõ trách nhiệm của mình khi không làm tốt chức vụ đang giữ, từ chức để tránh búa rìu dư luận, từ chức để khỏi bị cách chức vv...

Nguyên nhân từ chức đúng là rất đa dạng. Người cầm quyền có thể mời, khẩn khoản mời, hoặc ra sức cố thuyết phục người từ chức đừng hoặc khoan từ chức, nhưng không thể bác bỏ, thủ tiêu sự từ chức. Quyền quyết định là ở người từ chức.

Nếu là người có văn hóa thì họ sẵn sàng từ chức một cách có văn hóa. Ảnh minh họa

Thông tin trên báo chí cho hay, trong quý I này, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án về quy trình từ chức và văn hóa từ chức. Theo ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc từ chức là bình thường nếu cán bộ đó thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ được giao, và "những người từ chức đáng được trân trọng".

Ấy thế nhưng, chuyện từ chức và văn hóa từ chức ở xứ ta cho đến giờ này vẫn chưa được coi là chuyện bình thường được. Không ít người coi từ chức là chuyện "động trời", là việc nặng nề, mất thể diện, thế rồi đi đâu cũng chẳng dám ngẩng đầu, quá khổ sở! Tại sao vậy? Có mấy nguyên nhân sau đây:

Tâm lý sỹ diện làm cho người Việt rất thích làm quan. Người ta thường ngưỡng mộ làng ấy, xã ấy có nhiều người làm quan chứ nơi ấy làm ăn giỏi giang đến đâu, giầu nghèo thế nào chỉ là hạng thứ. Đấy là tâm lý sỹ diện. muốn oai hơn, oách hơn mọi người. Tâm lý muốn đuợc giầu sang phú quý mà chẳng phải làm gì nhiều, chỉ cần lo học để kiếm mảnh bằng, rồi xoay sở leo lên một vị trí chức sắc nào đó tức là làm quan! Tất nhiên, suy cho cùng cả hai chiều tâm lý nêu trên chỉ là một và nó gần với nhau trên cái trục "chức-quyền". Hầu hết quan chức chỉ biết "làm quan", không có nghề gì khác (dù nhiều người có bằng cấp cao), nếu thôi chức vụ thì không biết kiếm sống như thế nào. Một số người vốn có nghề chuyên môn, nhưng từ khi làm quan chức đã bỏ nghề, nay trở lại nghề cũ thì không làm được nữa hoặc ngại làm vất vả mà thu nhập không thể bằng lương bổng quan chức. Ngay cả một số nhà khoa học khi đã được suy tôn là cây đa, cây đề thì không còn sáng tạo và có tinh thần nghiên cứu như trước. Trong khi đó, ở các nước phát triển, quan chức chính trị trước khi giữ chức vụ, nhất là ở cấp cao, đều có học (thực), có nghề như làm luật sư, nhà báo, nhà văn, nghiên cứu khoa học, giảng dậy, kinh doanh vv.... Nếu từ chức, họ có thể làm tiếp công việc cũ, hoặc tìm nghề mới, nhiều khi có thu nhập còn cao hơn lương khi làm quan chức.

Đọc tiểu thuyết "Lều chõng" của nhà văn Ngô Tất Tố thì thấy cái tâm lý, cái máu thích làm quan ở nước ta đã ăn sâu, bén rễ trong người Việt Nam đến mức nào! Tất nhiên, nếu làm quan mà chỉ để sang trọng thôi thì cũng chẳng nhiều người thích! Cái chính yếu, cái quan trọng nhất kích thích người ta là những quyền lợi vật chất (bổng lộc) kèm theo với cái chức vụ đuợc bổ nhiệm.           Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với ngành tuyên giáo gần đây cũng nói đến những ham muốn "thu vén cá nhân" ở nhiều quan chức nước ta hiện nay gây ra nạn tham nhũng.

Việc chạy chức, chạy quyền đã trở thành tệ nạn và đặc biệt nguy hiểm là nó ảnh hưởng tới nếp nghĩ, nếp sống của giới  trẻ. Bài toán giáo dục mãi chưa có lời giải cũng một phần do tâm lý chỉ thích làm quan, làm thầy chứ không thích làm dân thường, làm thợ trong rất nhiều thanh niên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Rõ ràng làm quan phải "phấn đấu"  vất vả lắm, nhưng đổi lại thì ích lợi thu về cũng lớn lắm, thậm chí 'một người làm quan cả họ đuợc nhờ " cơ mà! Vậy nên "từ chức" là cụm từ khó nghe và khó thực hiện lắm thay! Từ chức là mất rất nhiều, có khi mất hết, cả vật chất lẫn tinh thần, ngay cả khi "từ  chức" nhẹ nhàng cũng bị bàn dân thiên hạ cho là "thất sủng"! Mặc dù nhiều người cũng chẳng hiểu hết nghĩa của hai từ đặc sệt tiếng Hán ấy! Vậy mà "từ chức" và "thất sủng" cứ như là những lời nguyền độc địa không thể bước qua.

Đương nhiên trong lịch sử cũng như cuộc sống hiện đại ở Việt Nam và thế giới có rất nhiều người muốn làm quan để cống hiến, đóng góp và hy sinh nhiều hơn. Họ cần có quyền lực để thể hiện tốt hơn trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho cộng đồng và cho nhân loại. Khi cần họ cũng mạnh dạn từ chức để thể hiện trách nhiệm và lòng tự trọng của mình để khỏi ảnh hưởng xấu đến quyền lợi chung của cộng đồng, họ không có mặc cảm là "thất sủng", thậm chí  có người còn tìm đến cái chết để giữ cho lòng thanh thản sau khi từ chức. Các bậc tiền bối trong lịch sử và cách mạng nước ta là những người như vậy. Chắc chắn các nguyên thủ quốc gia lỗi lạc của các nước cũng là người như vậy. Rooservelt ngồi trên xe lăn, chống chọi với bệnh tật, cố gắng làm Tổng thống Hoa Kỳ hơn hai nhiệm kỳ cho đến lúc nhắm mắt giữa thời khắc nước sôi lửa bỏng nhất chắc không phải để kiếm thêm thật nhiều tiền gửi nhà băng. Tất nhiên, ông cũng có những mong muốn nhất định về vật chất bởi ông cũng là con người như C.Mac từng nói "Cái gì thuộc về con người đều không lạ đối với tôi".

Đọc lịch sử thì thấy thói hám danh, hám lợi ở Trung Hoa xưa cũng rất sâu sắc, trầm trọng và đã ảnh hưởng lớn đến nước ta. Nhưng ngày nay, ở Trung Quốc tình trạng đó đã đỡ đi rất nhiều bởi họ cương quyết hơn, triệt để hơn, hạn chế tối đa các nhóm lợi ích hoành hành. Hãy nghe một cán bộ công an Trung Quốc nói trong một bộ phim hình sự: "Phải làm sao để mọi người công chức Nhà nước không cần, không muốn, không thể và không dám tham ô của công"! Trung Quốc đang củng cố sức mạnh và xây dựng văn hóa từ chức theo cách dễ hiểu như vậy!

Văn hóa nói chung và văn hóa từ chức nói riêng là không phải tự nhiên mà có, hơn nữa đó lại là thứ  văn hóa đặc biệt quý giá. Dân tộc ta có một "nền văn hiến đã lâu" như Nguyễn Trãi đã khẳng định trong Bình Ngô đại cáo. Vậy sao bây giờ "văn hóa từ chức" lại khó làm đến thế! Từ chức là một nét văn hóa đẹp, đáng kính trọng, thể  hiện sự tự trọng và nhân cách của con người. Thiếu vắng hiện tượng từ chức đích đáng không phải chỉ đáng tiếc mà là đáng buồn và xấu hổ.

Tô Văn Trường