Ở đây tôi không biết lợi ích bên trong là gì nhưng tôi thấy trước hậu quả là rất lớn, tác động đến nhiều mặt, ảnh hưởng lâu dài, để lại hậu quả nặng nề cho mai sau.

Ngày hôm qua, Đồng Nai gửi thông cáo báo chí khẳng định sẽ tiếp tục dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” với  lý do không ảnh hưởng đến môi trường. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu Doãn Mạnh Dũng, phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM.

Không có chuyện “không ảnh hưởng”

Dù đã có nhiều ý kiến chuyên gia phản đối việc can thiệp vào dòng sông Đồng Nai bằng dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, nhưng trong thông cáo báo chí đưa ra hôm qua, lãnh đạo Đồng Nai vẫn kiên quyết bác bỏ các lập luận chỉ ra hệ lụy của dự án, và khẳng định dự án sẽ không gây ra ảnh hưởng gì tới môi trường sinh thái. Ông nghĩ sao? 

Làm sao mà có chuyện không bị ảnh hưởng được! Dòng sông đang như thế, bỗng dưng chịu các tác động như bồi đắp ven bờ, thu hẹp dòng chảy, tức là hạn chế dòng chảy thì tất nhiên sẽ làm cho cường độ nguồn nước đổ xuống phải mạnh lên, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên giữa hai bên bờ sông…

{keywords}
Ông Doãn Mạnh Dũng

Bất cứ sự can thiệp nào vào dòng chảy tự nhiên của con sông đều bị tác động ngược lại. Đó là quy luật.

Vấn đề đặt ra là khi cân nhắc giữa lợi ích và tác hại, liệu lợi ích có đáng để người ta hy sinh môi trường cho phát triển? Dù là lợi ích của ai thì phải xem môi trường, sinh thái tự nhiên là ưu tiên nhất.  Đã có nhiều trường hợp phải trả giá đắt khi con người can thiệp vào…

Tôi thực sự không hiểu tại sao có người dám nói là việc lấn sông này không ảnh hưởng gì hoặc ảnh hưởng không đáng kể! Lấn sông là thu hẹp dòng chảy nhỏ lại, làm thay đổi cường độ và tốc độ của dòng nước. Sao lại dám nói không ảnh hưởng?


{keywords}

Khu vực sông Đồng Nai bị lấp hiện rõ trên Google map. Ảnh: VNN

Là nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về hệ thống sông ngòi khu vực phía Nam, ông có thể phân tích rõ hơn?

GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam:

San lấp sông sẽ ảnh hưởng đến hạ du, làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở. Chưa kể, nếu lấp sông để xây dựng khu đô thị, khi dự án hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ có lượng chất thải không nhỏ xả xuống dòng sông, gây ô nhiễm nguồn nước.

Tỉnh Đồng Nai được quyết định nhiều vấn đề trong phạm vi của tỉnh nhưng đụng đến dòng sông là đụng đến cộng đồng dân cư. Do vậy, tỉnh Đồng Nai phải tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư trong phạm vi lưu vực, đồng thời phải xin phép Bộ Tài nguyên – Môi trường. Nếu đạt được sự đồng thuận mới được phép triển khai dự án. 

Rất đơn giản.

Nhìn lên bản đồ, có thể thấy rất rõ vị trí lấn sông nằm ở phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Quê tôi ở Biên Hòa, sinh ra và lớn lên ở vùng này nên tôi biết rõ lắm. Đoạn sông bị lấn chiếm có chiều rộng khoảng 800 m. Phần bị lấn chiếm có diện tích 7,7 ha như vậy là rất lớn. 

Ảnh hưởng trực tiếp nhất có thể thấy là gây lở vùng đối diện và vùng hạ lưu.

Vùng đối diện phường Quyết Thắng bên kia sông Đồng Nai là phường Hóa An. Ngay gần bờ sông thuộc phường Hóa An có ngôi chùa Long Thiền xây dựng từ năm 1664, là di tích quốc gia. Tôi rất hiểu tâm tư của người dân ở đây, chùa Long Thiền là nơi mang tất cả tâm linh và hình bóng người Việt xưa đi mở cõi khai phá vùng đất này hơn 300 năm về trước. Chỉ cần bị xói lở một chút là ngôi chùa này sẽ bị ảnh hưởng, có khi bị trôi xuống sông.

Phía hạ lưu là Cù lao Phố có 2 cây cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh bắc qua. Phần Cù lao Phố có phần nhô ra ngoài sông chắc chắn hứng chịu trước sức công phá của dòng chảy. Nên nhớ sông Đồng Nai chia làm hai, ôm trọn Cù lao Phố. Lâu này dòng chảy đã ổn định, quân bình. Nay bị tăng cường độ, sức công phá của dòng chảy lớn hơn sẽ công phá Cù lao này mạnh hơn, phá vỡ sự ổn định lâu nay.

Cù lao Phố từng là trung tâm thương mại, giao lưu quốc tế của vùng Gia Định, ngày nay là Nam Bộ, ngay từ đầu của thời cha ông ta mở cõi. 

Tuy nhiên, điều tôi lo lắng nhất có thể ví như thảm họa là ảnh hưởng trục giao thông Bắc – Nam…

Có phải ông lo lắng ảnh hưởng tới hai cây cầu qua Cù lao Phố?

Đúng vậy! Tốc độ dòng chảy tăng lên sẽ bắn phá vào 4 mố cầu của 2 cây cầu Rách Cát và cầu Ghềnh.

Đây là hai cây cầu quan trọng của tuyến đường xe lửa độc đạo Bắc – Nam đi qua Cù lao Phố. Tại cầu Ghềnh đã từng xảy ra tai nạn đường sắt giữa tàu SE 2 và 8 xe ô tô khiến 24 người chết và bị thương cách đây vài năm.

{keywords}

"Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" đã thi công gần xong. Ảnh chụp chiều 24/3. Tuấn Kiệt

Cầu Rạch Cát có mố cầu phía bắc cách vùng lấn sông chỉ khoảng 400 m. Cầu Ghềnh có mố cầu phía Nam cách vùng lấn sông chỉ khoảng 800 m. Đó là những khoảng cách không xa. 

Như vậy, việc cải tạo sông sẽ tác động trực tiếp tới hai cây cầu trên tuyến đường sắt  Bắc - Nam độc đạo này.

Hiện, nhiều nhà khoa học vẫn tiếp tục lên tiếng cảnh báo các hệ lụy khác như biến đổi môi trường, môi sinh, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho TP.HCM và Đồng Nai, rồi tác động đến các tỉnh mà dòng sông đi qua... Thực tế thời gian qua ngay sông Sài Gòn cũng đã nhiều lần được cải tạo một phần để xây các công trình thương mại. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào? Làm sao đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa phát triển  kinh tế và gìn giữ môi trường?

Với con sông lớn như Đồng Nai, không thể làm hay nói lấy được.  Tôi không biết lợi ích bên trong là gì nhưng tôi thấy trước mắt, hậu quả là rất lớn,  ảnh hưởng lâu dài, để lại hậu quả nặng nề cho mai sau.

Xây khu thương mại trên diện tích 7,7 ha lấn ra sông cũng là cần thiết, nhưng để có được khu thương mại mà lấp sông thô bạo thì có nên không. 

Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ, với thẩm quyền của mình phải dừng ngày việc lấn sông Đồng Nai và khôi phục lại nguyên trạng.

Xin cảm ơn ông!

Tại buổi họp báo chiều ngày 24/3, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, ông Trần Đình Minh, phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đồng Nai tuyên bố: "Mỗi nhà khoa học đều có ý kiến khác nhau nhưng chúng tôi thấy vụ này không có gì ghê gớm cả. Vị trí dự án đang lấn ra sông không làm ảnh hưởng dòng chảy. Không chỉ dự án này, tỉnh Đồng Nai còn một số dự án chỉnh trị sông Đồng Nai cần phải kè lại nữa”.

"Dòng chảy chính lâu nay nằm ở bên ngoài. Nơi làm dự án lấn ra xa nhất gần 100 m hoàn toàn không ảnh hưởng đến dòng chảy. Nếu ở độ cao chụp xuống toàn cảnh dòng sông sẽ thấy khu vực chấp thuận cho lấn sông hiện hữu là khu vực bờ sông cũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Đồng Nai”.

Duy Chiến (thực hiện)