Đã có quá nhiều minh chứng trong việc xây trường không có người đến học, xây chợ không có người họp chợ, lợp nhà rông bằng mái tôn... Ta nghĩ việc ta làm là tốt, đúng là tốt thật; nhưng chưa hẳn là tối ưu nhất với cộng đồng bản địa.

LTS: Xung quanh câu chuyện đang được dư luận quan tâm liên quan đến chuyện làm từ thiện, cách làm từ thiện, Tuần Việt Nam đăng tải bài viết sau đây, như một lời góp bàn thêm. Mời độc giả cùng đọc và suy ngẫm.

Làm từ thiện để làm gì? Làm từ thiện cho ai? Cũng có người nói làm từ thiện để mình cảm thấy thanh thản, nhưng tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta không làm việc gì áy náy lương tâm đến nỗi phải kiếm tìm sự thanh thản từ hoạt động từ thiện.

Làm từ thiện là để giúp đỡ người khác có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó không đơn thuần chỉ là cho đi những gì ta có mà là đem đến những gì những gì tốt đẹp nhất cho người cần giúp đỡ. Hiểu hơn các giá trị văn hóa, đặc trưng của từng vùng đất sẽ giúp ta làm tốt nhất công tác từ thiện của mình.

Nhân câu chuyện nhóm tình nguyện Xây trường vùng cao lên với Mường Lạn huyện Sốp Cộp (Sơn La) với 3.600 bánh chưng, 3.600 cây giò, cùng 25 tấn hàng hóa bị UBND huyện Sốp Cộp từ chối. Vì sao vậy? Những vấn đề thực tiễn mà nhóm từ thiện này vô tình bị… vấp phải đặt ra những kinh nghiệm nhớ đời, đòi hỏi ta phải nắm vững để công tác từ thiện luôn được tiến hành một cách tốt nhất.

{keywords}

Hiểu hơn các giá trị văn hóa, đặc trưng của từng vùng đất sẽ giúp ta làm tốt nhất công tác từ thiện của mình. Ảnh minh họa, nguồn: Giving.vn

Việt Nam có ba vùng đất mà Nhà nước đặc biệt quan tâm là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (gọi tắt là Tam Tây). Đây đều là những trọng điểm về an ninh quốc phòng cũng là nơi Nhà nước dồn nhiều tiền của, nhân lực để bảo đảm các vấn đề an sinh, an ninh quốc gia. Công tác an ninh ở đây đặc biệt chặt chẽ, chưa kể là các yếu tố đối ngoại được tiến hành qua việc kết nghĩa giúp đỡ giữa địa phương cấp huyện của Việt Nam với địa phương cấp huyện bên nước bạn.

Tại khu vực vành đai biên giới thì công tác an ninh càng được coi trọng và được bảo đảm bởi lực lượng biên phòng, chính quyền sở tại và dân bản. Thế trận an ninh nhân dân luôn là cần thiết giúp bảo vệ vững trị an vùng biên, làm phên dậu cho miền xuôi.

Tiến hành từ thiện ở Tam Tây, đặc biệt ở những khu vực vành đai biên giới cần được sự thống nhất giúp đỡ của ít nhất ba bên: Đồn biên phòng, UBND huyện sở tại và già làng trưởng bản khu vực cần giúp đỡ. Thường thì cả ba bên đều có liên hệ rất chặt chẽ và thống nhất với nhau: Có giới thiệu từ Đồn biên phòng thì UBND huyện sẽ nhanh chóng vào cuộc. Cả đồn cũng như lãnh đạo huyện đều rất tôn trọng ý kiến của các già làng trưởng bản tại địa phương.

Sau khi nhận được sự hỗ trợ của cả ba bên, có thể thống nhất được thời gian, địa điểm để tiến hành một cách tốt đẹp nhất các hoạt động từ thiện. Điều đó cũng giúp phía từ thiện hiểu hơn về cư dân bản địa.

Để công tác từ thiện luôn diễn ra tốt đẹp và giảm thiểu việc vô tình làm tổn thương văn hóa bản địa, thiết nghĩ các nhóm làm từ thiện cũng cần hiểu về giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân mình muốn làm từ thiện.

Đơn cử như tại Mường Lạn có 16 bản trong đó 08 bản là của người Mông, còn lại là của người Khơ Mú, người Lào. Lễ mừng năm mới của người Mông diễn ra vào tháng 11 trước tết Nguyên đán của ta chừng một tháng. Lễ Xêm Mường của người Lào cầu năm mới mùa màng sinh sôi, năm mới an lành tiến hành vào khoảng trung tuần tháng 02 âm lịch. Với người Khơ Mú thường thì họ chịu ảnh hưởng của những cộng đồng có vốn văn hóa mạnh hơn kể cả lễ tết và trang phục.

Cũng có nghĩa là cư dân bản địa tại Mường Lạn không ăn tết Nguyên đán như ta. Trong kho tàng ẩm thực của họ cũng không có khái niệm bánh chưng, giò, đùi gà rán.

Điều này lý giải vì sao trẻ em ở trên đó nói chưa từng được ăn bánh chưng và có thể các em chưa chắc đã biết tết Nguyên đán là gì… Cư dân Mường Lạn có hạnh phúc với việc tổ chức một tết Nguyên đán kiểu người xuôi hay không? Chính quyền sở tại có hài lòng không và có vướng mắc ở đâu không? Tất cả ta đều phải nắm thật rõ, có như thế ta mới đem lại những gì tốt đẹp nhất cho những người cần giúp đỡ.

Nắm được hiểu được văn hóa vùng cao còn giúp chúng ta xây dựng những ngôi trường, cho trẻ em một cách tốt hơn, hoặc những công trình sinh hoạt cộng đồng phù hợp hơn với văn hóa truyền thống.

Xin đừng xây kiểu trường theo mô típ dưới xuôi giữa bản Thái, bản Mông, bản Khơ Mú … bởi điều đó làm phá vỡ đi kết cấu hài hòa trong kiến trúc, sinh thái của các bản làng này. Người viết cho rằng cách tốt nhất là mô phỏng lại những ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng của các bản để làm trường học hay những công trình phục vụ dân sinh.

Thậm chí xây nhà cho người nghèo vùng cao cũng nên như vậy. Ta tôn trọng và tuân theo các nguyên tắc xây dựng, kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa, bổ trợ vào đó những nét mới. Điều này sẽ giúp sinh hoạt của bà con thuận lợi hơn, thấy gần gụi hơn với các công trình từ thiện.

Tất nhiên, đó cũng là cách bảo tồn tốt nhất văn hóa của một cộng đồng.

Đã có quá nhiều minh chứng trong việc xây trường không có người đến học, xây chợ không có người họp chợ, lợp nhà rông bằng mái tôn... Ta nghĩ việc ta làm là tốt, đúng là tốt thật; nhưng chưa hẳn là tối ưu nhất với cộng đồng bản địa.

Đừng để hoạt động từ thiện được tiến hành theo hệ quy chiếu qua cái nhìn của người xuôi. Hãy giúp những bản làng khó khăn những gì tốt nhất, hoặc ta có được, nhưng cũng cần hiểu cả đặc thù của họ, nhất là khi nhiều địa phương thuộc Tam Tây đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Sông Hàn

>> XEM THÊM: