Làm sao có thể hóa giải mối quan hệ luôn căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ? Làm sao để mối quan hệ giữa thầy thuốc­ bệnh nhân­-người nhà được dựa trên cơ sở tin tưởng và hợp tác với nhau?

Bài 1: Bác sĩ- bệnh nhân và chuyện dài kỳ "cô dâu 8 tuổi"
Bài 2: Nỗi khổ của bác sĩ qua chuyện người trong cuộc

LTS: Sau khi đăng loạt bài đóng góp ý kiến cải tổ ngành y và dịch vụ y tế, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của những nhà chuyên môn và độc giả. Tôn trọng nguyên tắc đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Lệ Vân, y tá (Health Care Aide) tại Calgary- Alberta- Canada. Mời quí vị cùng tham khảo.

Tôi viết với trải nghiệm của một người có cơ hội làm việc ở Việt Nam và ở Canada, nơi được xếp hạng là một trong các nước có hệ thống y tế tốt nhất trên thế giới. Khi mới tới Canada, tôi đi làm ở một “long­term care facility” (nơi nhận những bệnh nhân bị bệnh mãn tính không có người nhà chăm sóc).

Làm việc ở đây cực hơn ở Việt Nam rất nhiều, nhưng mọi người vẫn giữ thái độ vui vẻ đó suốt 8 tiếng. Điều đó làm cho tôi không khỏi suy nghĩ về môi trường y tế ở Việt Nam­ nơi mà tôi đã làm việc 9 năm với chức danh điều dưỡng. Tôi tự hỏi mình có giải pháp nào để các đồng nghiệp của tôi ở quê nhà bớt căng thẳng khi làm việc và chỉ tập trung làm đúng chuyên môn của mình?

Làm sao để chuyện người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế phải chấm dứt? Làm sao để mối quan hệ giữa thầy thuốc­ bệnh nhân­người nhà được dựa trên cơ sở tin tưởng và hợp tác với nhau?

Mấu chốt của vấn đề có lẽ phải giúp bệnh nhân và người nhà của họ hiểu được công việc đặc thù của các nhân viên y tế, bối cảnh xã hội, sự thiếu thốn cơ sở vật chất để từ đó các bên thông cảm lẫn nhau. Nếu tình trạng căng thẳng này kéo dài, chắc sẽ không tránh khỏi những xung đột của các bên phát sinh về sau..

Đôi khi đọc báo Việt Nam, tôi thấy đâu đó các bạn phàn nàn về thời gian chờ đợi ở phòng cấp cứu. Không chỉ phàn nàn, có người nhà còn nổi nóng với nhân viên y tế vì họ ưu tiên cho những ca nặng hơn.

{keywords}

Lúc 4h ngày 25.7.2014, tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai đã xảy ra vụ hành hung nhân viên y tế. Có 3 người đã bị đánh, trong đó có một nữ y tá đang mang thai tháng cuối sắp đến ngày sinh (trong ảnh). Ảnh: Lao Động

Ở Canada thời gian chờ đợi ở phòng cấp cứu còn lâu hơn nhiều. Mùa cao điểm, ví dụ như mùa đông tuyết rơi, tai nạn nhiều, thời gian chờ đợt trong phòng cấp cứu là 9 giờ, vì bác sỹ vẫn ưu tiên cấp cứu cho những ca nặng hơn.

Cách đây 6 tháng, một bệnh nhân ôm cái chân gãy phải chờ đợi 55 giờ để được phẫu thuật. Tôi chỉ muốn nói rằng chuyện chờ đợi trong phòng cấp cứu là vấn đề toàn cầu rồi chứ không riêng Việt Nam. Việc quyết định cho ca nào phẫu thuật trước hay sau là quyền của BS. Họ là những người có chuyên môn, hãy để họ làm đúng chức năng của mình.

Đâu đó khi đọc báo Việt Nam tôi thấy có những trường hợp bệnh nhân nhập viện không có tiền đóng viện phí và bị từ chối dịch vụ. Lập tức búa rìu dư luận vốn đã có ác cảm với ngành y tế sẽ không tiếc lời trách mắng bệnh viện và y bác sỹ. Nhưng...tiên trách kỷ hậu trách nhân. Cá nhân tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để bảo vệ mình trong các trường hợp trái gió trở trời cần phải nhập viện là mua BHYT.

Mua BHYT là quyền lợi của mọi người. Nhà nước nên bắt buộc mua BH toàn dân. Những ai có kinh tế khó khăn thì có thể xin BHYT cho người nghèo hoặc tìm đến sự giúp đỡ của các cá nhân và cơ quan đoàn thể. Đó cũng là một trong các giải pháp giúp giảm tải áp lực cho nhân viên y tế. Để họ không bị chi phối bởi những thứ không phải thuộc chức trách của họ.

Canada giống như Việt Nam, cũng có những trường hợp bệnh nhân và người nhà hành hung nhân viên y tế và nhân viên y tế hành hung bệnh nhân. Theo số liệu từ trang CBC News ra ngày 27/4/2016 thì từ năm 2008­ đến 2013 có 4000 ca điều dưỡng bị bệnh nhân và người nhà hành hung. Trong số đó có nhiều người bị chấn thương nặng và cũng có trường hợp khi họ nói ra bị đuổi việc vì ảnh hưởng tới uy tín cơ quan.

Còn chuyện nhân viên y tế hành hung người thì cũng có. Năm ngoái ở thành phố của tôi, có trường hợp camera bí mật ghi lại hình ảnh ba người y tá sơ cấp (Health Care Aide) hành hung một cụ già tàn tật bằng cách hất nước và có thái độ dằn vặt cụ khi chăm sóc.

Canada có hệ thống pháp luật rất nghiêm khắc. Trong trường hợp ba nhân viên hành hung bệnh nhân này thì họ phải đối diện với hình phạt là 60 ngày tù giam, nhưng chỉ ngồi tù vào ngày cuối tuần. Ngoài ra, ở Canada mọi ngành nghề y tế đều có công đoàn riêng (Union). Chức năng của tổ chức này có nhiệm vụ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhân viên y tế từ phúc lợi, môi trường làm việc cho đến việc kiện tụng xảy ra.

Ở Việt Nam công đoàn chưa làm được như vậy. Khi có tranh chấp giữa người bệnh và nhân viên y tế thì đều dựa trên cơ sở thương lượng. Điều đó dẫn đến một tiền lệ xấu là không có một quy định trừng phạt nào được đặt ra bởi pháp luật.

Mọi chuyện cứ tiếp diễn như, không có một giải pháp nào để các bên có thể dựa vào pháp luật để giải quyết tranh chấp. Tôi thiết nghĩ công đoàn phải thể hiện vai trò của họ tốt hơn để người nhân viên yên tâm làm việc.

Nhà nước cũng phải phạt thật nặng những ai dám hành hung nhân viên y tế, không có một sự thứ tha nào đối với những người dám đi hành hung cả người cứu mạng sống của mình.

Cùng chung tay tìm giải pháp để thay đổi những bất cập của ngành y tế. Tôi ước mơ các đồng nghiệp của tôi mỗi ngày đi làm với nụ cười trên môi, không phải mỗi ngày đi làm là một ngày lo sợ không biết rồi ai sẽ cầm dao giết mình khi mình không kịp thời cấp cứu cho họ.

Trần Lệ Vân