Trong cái tiến trình vũ bão lao theo cỗ xe, đích tới của một xã hội văn minh hiện đại, ngoài việc tách bạch cái nhà vệ sinh cộng cộng ra, mọi thứ tất tần tật khác cứ để người phụ nữ thoái mái bắt nhịp đồng ca với cộng đồng…

LTS: Chủ trương tổ chức xe bus riêng cho phụ nữ mà Hà Nội đang nghiên cứu triển khai đã nhận được nhiều góc nhìn khác nhau. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Minh Phước để bạn đọc cùng trao đổi.

Ý tưởng nhân văn cao đẹp

Bảo vệ phụ nữ là một trong những tiêu chí được ưu tiên hàng đầu của những mô hình chính thể tiến bộ, vì thế, việc chính quyền UBND TP Hà Nội yêu cầu Tổng công ty vận tải Hà Nội Transerco thí điểm, nghiên cứu chạy thử tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ để ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng… phải được khách quan nhìn nhận là ý tưởng đó rất tích cực, mang tính nhân văn cao đẹp, rất đáng được trân trọng hoan nghênh.

Và cũng có thể xem như là “hành động cụ thể” trong việc bảo vệ quyền phụ nữ. Phái yếu, người đàn bà xưa luôn bị thiệt thòi và cho đến giờ này sự thiệt thòi ấy vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vấn nạn người phụ nữ bị quấy rối tình dục nói riêng và sự xâm phạm nữ quyền nói chung luôn là thông điệp cảnh báo rất thời sự trên các phương tiện thông tin toàn cầu.

{keywords}
Cảnh đông đúc thường thấy tại các tuyến xe buýt. Ảnh minh họa: Vietbao

Ngày ngày, đọc báo xem đài, những bản tin cướp, hiếp, giết… cùng các vấn nạn tiêu cực về nữ quyền vẫn còn phổ biến. Tháng 9 năm ngoái, tòa án Ấn Độ đã tuyên án tử hình 04 kẻ hiếp dâm tập thể trên xe buýt ở New Delhi khiến một nữ sinh viên bị thương nặng rồi tử vong. Đây là một vụ án gây chấn động dư luận, tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Hàng ngàn, hàng ngàn người khắp nơi trên đất nước Ấn Độ đã đổ ra đường biểu tình đòi chính quyền cần nhanh chóng đem những kẻ thủ ác ra đền tội. Cuối cùng, công lý đã được thực thi, một bản án đích đáng dành cho những con thú đội lốt người.

Dẫn dụ ra vậy để nói rằng việc bảo vệ nữ quyền là điều vô cùng cần thiết, cấp thiết. Thế nhưng, từ ý tưởng tốt đến việc làm hợp lý, hành động hợp lý lại là một chuyện khác.

Theo quan sát của người viết, nơi nào, xã hội nào vẫn còn ấp ủ, chứa đựng những tư duy, tư tưởng cực đoan, mù quáng, lỗi thời thì người phụ nữ vẫn còn khổ dài dài. Ngược lại, nơi nào, xã hội nào thích ứng bắt kịp được với nền văn minh tiến bộ của nhân loại thì khi đó quyền lợi của người phụ nữ mới được khai phóng, và bình đẳng giới mới là giá trị cao nhất của quan niệm nữ quyền.

Quay lại câu chuyện đề xuất thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ của Hà Nội, cần xem lại ý tưởng tốt đẹp này có “đối nghịch” với khái niệm bình đẳng giới hay không?

Bảo vệ phụ nữ phải đi đôi với bình đẳng giới

Theo Wikipedia, khái niệm bình đẳng giới ngụ ý rằng nam giới và nữ giới, và cả những người đồng tính hay hoán tính cần được những đối xử công bằng trừ trường hợp có một lý do hợp lý về mặt sinh học để đối xử khác biệt.

Khái niệm này dựa trên Tuyên bố Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, với mục tiêu cơ bản là nhằm cung cấp sự bình đẳng về mặt luật pháp cũng như bình đẳng trong vị thế xã hội, đặc biệt là trong hoạt động bầu cử và đảm bảo trả lương công bằng.

Như vậy, việc đề xuất thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ có phải là sự bất bình đẳng giới hay không?

Truyền thống, lịch sử, văn hóa Việt đã để lại nhiều tư duy bất bình đẳng về việc trọng nam khinh nữ, từ việc thờ phụng cúng bái tổ tiên, công danh học hành thi cử,  đến những việc không tên nội trợ trong nhà. Thói gia trưởng, quan niệm nối dõi tông đường, ngồi ăn chiếu trên chiếu dưới… khiến người phụ nữ từ xưa đến nay bị phân cấp, bất hạnh đủ điều.

Cái người phụ nữ cần nhất hiện nay là sự bình đẳng giới, và “xe buýt dành riêng cho phụ nữ” nếu được hiểu theo nghĩa bao quát nhất thì cũng là một hình thức phân biệt, có khác nào chuyện các mẹ, các chị, các em gái ngày xưa… được “ưu tiên” ăn cơm ở nhà sau, xó bếp, dù nhân danh động cơ tốt đẹp.

Bảo vệ nữ quyền một cách hay nhất vẫn là tạo mọi điều kiện công bằng để người phụ nữ tham gia, hòa đồng, hoạt động tích cực vào tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống vật chất, tinh thần của xã hội. Và để người phụ nữ có thể tự tin làm mọi việc, hãy mở nhưng lớp học dạy về kỹ năng, huấn luyện cách thức tự làm chủ, tự bảo vệ được chính mình trước những nghịch cảnh, trước những tình huống xấu… có thể xảy ra.

Xe buýt là một phương tiện giao thông cộng cộng, hãy để người phụ nữ bình đẳng với tất cả như những gì họ mong muốn. Điều cần làm ngay của “xe buýt Hà Nội” hiện nay là cải thiện môi trường đi lại an toàn thông thoáng, tránh hiện tượng quá tải, chen lấn, có những biện pháp chủ động và kịp thời khi những sự cố xấu xảy ra.

Lãnh đạo Transerco cho biết rằng trong 08 tháng gần đây (từ ngày 1-4 đến ngày 31-11), đường dây nóng của đơn vị này đã nhận được 43.012 cuộc gọi phản ánh của khách hàng phản ánh về chất lượng dịch vụ nhưng chỉ có 05 khách hàng (chiếm 0,4%) phản ánh sự việc liên quan đến quấy rồi tình dục. Có nghĩa là cứ khoảng 10.000 lượt khách hàng phản ánh thì mới có 01 người phản ánh về tình trạng quấy rối tình dục.

Theo thói thường, người phụ nữ tự bảo vệ mình rất hữu hiệu bằng cách la toáng lên cho mọi người người xung quanh chú ý, hỗ trợ kịp thời khi gặp những sự cố nguy hiểm. Và từ những con số thống kê ở trên, “xe buýt Hà Nội” cũng cần nhìn thấy cái nào mới thật sự là “nguy hiểm” để có thể “la toáng lên” một cách hợp lý nhất.

Phụ nữ Việt Nam rất can trường, xưa cũng thế, nay cũng thế, chỉ cần một môi trường và quan điểm công bằng, họ có thể tự bảo vệ và khẳng định được chính mình. Trong cái tiến trình vũ bão lao theo cỗ xe, đích tới của một xã hội văn minh hiện đại, ngoài việc tách bạch cái nhà vệ sinh cộng cộng ra, mọi thứ tất tần tật khác cần để người phụ nữ thoái mái bắt nhịp đồng ca với cộng đồng…

Bình đẳng giới là phải như vậy, và bình đẳng giới mới có thể bảo vệ người phụ nữ hữu hiệu nhất.

Minh Phước