Lãnh đạo cao nhất Mỹ - Trung gặp nhau trong bối cảnh nội bộ hai nước đang trải qua những biến động đầy thách thức. Xét trên bình diện song phương, cả hai đều phụ thuộc về kinh tế và ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau về chính trị.

Lịch sử quan hệ Mỹ - Trung còn cho thấy, những cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bên đều làm dấy lên kỳ vọng lẫn thất vọng, cùng các hệ quả về tác động chính sách. Tiềm năng để quản lý thành công “quan hệ nước lớn kiểu mới” vẫn hiện hữu, song những mâu thuẫn về lợi ích quốc gia đang tạo ra va chạm, đặc biệt đặt trong bối cảnh nền chính trị hai nước đang đứng trước ngã rẽ. 

TQ: Những nền tảng bị lung lay

Sau 35 năm chuyển đổi từ 1979, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TQ đã định hình. Một là việc chuyển lượng lớn lao động chi phí thấp từ các khu vực nông thôn ra thành phố. Họ được gửi đến các nhà máy, ngay lập tức tham gia vào sản xuất công nghiệp và dần dần tích lũy kinh nghiệm sản xuất, cải thiện kỹ năng. Lợi thế lực lượng lao động được TQ tận dụng đầy đủ và tạo ra hiệu ứng tức thì đối với việc lèo lái tăng trưởng kinh tế.

Quá trình đô thị hóa diễn ra song song với đó đã bơm động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng. Những năm gần đây, nhiều nhà máy ở các khu vực ven biển chọn di chuyển vào khu vực nội địa để khai thác các lợi thế về lao động trong vùng. Ngành công nghiệp sản xuất không chỉ cần lượng lao động lớn, mà còn đòi hỏi đầu tư lớn, tạo nên xương sống cho tăng trưởng.

Mô hình tăng trưởng của TQ, với đặc trưng nổi bật là lao động chi phí thấp, đô thị hóa và đầu tư ồ ạt đang đi vào những khúc quanh. Thách thức lớn đặt ra: 10% là mức tăng lương công nhân trung bình mỗi năm, trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp chỉ chưa đầy 7% và lợi nhuận chưa đầy 4%. Nền kinh tế “3 rẻ” (chi phí lao động, vốn, giá xuất khẩu) đang mất dần tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cam kết mạnh mẽ nhất mà thế hệ lãnh đạo thứ 5 của TQ đưa ra “để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực” được coi là lời giải cho những méo mó trong chính sách đầu tư công của Nhà nước. Tuy nhiên, đang có những cải cách, tín hiệu cho thấy bước lùi và lưỡng lự. Chẳng hạn, Chính phủ TQ đã chọn cách can thiệp thẳng vào thị trường chứng khoán thời gian vừa qua. Kết quả của các chính sách cứu thị trường này là làm gia tăng “rủi ro đạo đức” và giới đầu tư bắt đầu mất niềm tin với các biện pháp của Chính phủ Bắc Kinh.

Trong bối cảnh thị trường bị bóp méo dưới sự can thiệp của chính phủ, hệ thống lại quả hay tham nhũng được đánh giá là một yếu tố bôi trơn cần thiết. Bởi nếu không có chúng, các hoạt động kinh tế có thể trở nên trì trệ, và các quan chức chính phủ sẽ không có động lực thực hiện nhiệm vụ hoặc không muốn làm gì cả.

Về mặt đạo đức và tạo dựng tính chính đáng cho hệ thống chính trị, tham nhũng phải được kiểm soát. Nhưng quá trình chống tham nhũng trên diện rộng của Tập Cận Bình lại làm thay đổi các tập quán của nền kinh tế. Trước khi các định chế mới thành hình (hoặc không biết lúc nào thành hình), thì giai đoạn quá độ tạo nhiều rủi ro về chi phí.

Những vấn đề trên cho thấy một điều quan trọng: TQ đang phải đối diện với nhu cầu tái cơ cấu bức bách nhất từ trước đến nay. 

{keywords}

Cuộc gặp của hai nguyên thủ tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2014. Ảnh: UPI

Mỹ và “lá bài TQ”

Nhận thức TQ là "đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất" của Mỹ có xu hướng được phóng đại cùng sức nóng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Không phải tự nhiên mà chuyến đi của ông Tập Cận Bình và đề tài TQ đang trở thành tâm điểm của các tranh luận liên quan đến tình hình nội trị của nước này. Đã có những đồn đoán về lịch trình của Tập Cận Bình chọn Seattle là điểm dừng chân đầu tiên thay vì Thủ đô được giải thích là do xu hướng “phản đối” TQ đang nổi lên tại Washington. 

Trong cuộc tranh cử năm 2012, ứng cử viên đảng Cộng hoà Mitt Romney từng công kích Bắc Kinh  nhưmối đe dọa với nước Mỹ, và chỉ trích các phản ứng quá mềm mỏng của chính quyền đương nhiệm. Ứng cử viên đảng Cộng hòa không ngần ngại nêu ra hàng loạt vụ việc TQ đẩy Mỹ vào thế thua thiệt, chống đỡ. Từ việc thao túng tỷ giá đồng nhân dân tệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đến việc tiến hành một chính sách trọng thương hạn chế không cho công ty Mỹ tiếp cận dễ dàng thị trường TQ

Lịch sử đang lặp lại: các ứng viên đảng Cộng hòa đang gọi tên Bắc Kinh như cường quốc bá quyền trên đại dương, tìm cách thay đổi nguyên trạng của khu vực Đông Á. Còn các thượng nghị sĩ Dân chủ gây áp lực về vấn đề nhân quyền, cũng như các quyền tự do của người dân xứ này. Đối phó với TQ không phải là chuyện bên ngoài, mà là một vấn đề “bên trong” của nước Mỹ. Thương mại song phương, phá giá đồng nhân dân tệ, phổ biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền, chiến tranh mạng, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu v.v… đang tạo nên đe dọa trong đường lối hành động giữa siêu cường hiện nay với cường quốc mới nổi.

“Lá bài TQ” sẽ ghi điểm cho các ứng cử viên, nhưng nó cũng là bàn đá phản lưới nhà nguy hiểm. Xu hướng dân túy “bài Trung” có khả năng tạo nên hiệu ứng tức thì, nhất là trong trường hợp các chiến dịch chính trị nói chung thường được đẩy lên quá đà phục vụ những lợi ích ngắn hạn.

Tuy nhiên, vấn đề thực ra phức tạp hơn, yếu tố TQ trong chính trường nước Mỹ từ nhiều năm qua chứng minh điều này. Từ lập trường cứng rắn, hứa hẹn những chính sách mạnh mẽ hơn với TQ của các ứng cử viên trong quá trình tranh cử, các tổng thống Mỹ sau khi đắc cử đều quay về thực tế bằng một cách tiếp cận mềm mỏng và thỏa hiệp hơn. 

Cuối 2015, đầu 2016, quá trình chuyển đổi kinh tế - chính trị tại cả hai nước sẽ kết nối quan hệ song phương với các chuyển động từ chính trị nội bộ ​mỗi bên ở mức độ chưa từng có. Trong khi TQ đang thảo luận về một trạng thái bình thường mới (cả về kinh tế, lẫn chính trị), thì nước Mỹ đang chuẩn bị cuộc chạy đua tổng thống với những kỳ vọng về một loạt thay đổi/điều chỉnh và bổ sung chính sách và cách tiếp cận, dù phe nào thắng.

Nhiều thách thức trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích và chính trị của mỗi quốc gia. Hệ thống và lãnh đạo của cả hai vừa phải giải quyết những “vấn đề” chưa từng được coi là vấn đề trước đây, vừa phải ứng biến với các diễn biến khác liên quan (hoặc bị xem là liên quan) đến nước kia trong quá trình hoạch định chính sách đối nội. Đó vừa là lực đẩy, nhưng cũng là nguy cơ khiến các nhà lãnh đạo trở thành tù binh chính sách cho các nhóm lợi ích xung quanh mình.

(Còn tiếp)

TS. Trương Minh Huy Vũ 

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV TP.HCM)

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 22 - 25/9. Chuyến công du này đánh dấu lần trở lại Mỹ thứ hai của ông Tập sau cuộc gặp thân mật Tổng thống Obama tháng 6/2013. Không chỉ riêng lần nghị sự này, mà tất cả các lần gặp gỡ giữa hai nguyên thủ luôn được quan sát cẩn thận. Nguyên nhân chính là do cả TQ lẫn Hoa Kỳ đều là những cường quốc có khả năng tác động lớn đến hệ thống quốc tế. Thêm vào đó, hai quốc gia này ngày càng có nhiều lợi ích gắn kết lẫn nhau, dẫn đến nhu cầu hợp tác sâu rộng.  

Một số vấn đề được dự đoán nhiều khả năng sẽ được đề cập, bao gồm: an ninh mạng, việc phá giá tiền tệ của TQ, can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và vấn đề nhân quyền. Trong đó, vấn đề kinh tế có thể là chủ đề được ưu tiên hàng đầu, nhất là sau khi TQ liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ thời gian qua.