Taxi Uber và nhà công vụ- hai con đẻ của hai thời đại khác nhau đều đang hồi hộp, nín thở chờ đợi cái cách hành xử của quản lý nhà nước các ngành

Cấm đoán hay sẽ tiếp tục… buông?

---------

Phải nói thẳng, đây là một đặc điểm quản lý của nước Việt.

Trong tuần, có hai vụ việc gây ấn tượng với dư luận xã hội và rút cục những ầm ĩ của nó chưa rõ sẽ ra sao, nhưng đều phản chiếu rất rõ cung cách này.

I-Vụ thứ nhất, là taxi Uber. Có thể nói ngành GTVT, các cơ quan chức năng còn đang … ngơ ngác với loại dịch vụ mới mẻ này. Mới hay, cái tư duy kinh doanh của doanh nhân nào đó, hay một nhóm DN nào đó, ở nước Mỹ xa xôi, quá là “quá mở” trong thời đại công nghệ cao, khiến cho giới dịch vụ taxi ở nước Việt tư duy thị trường nửa vời, cung cách quản lý lại lỏng lẻo, cứ nháo nhào cả lên.

Taxi mà không phải taxi, mà vẫn là taxi. Thế mới là… Uber!

Gọi là tư duy kinh doanh “mở” bởi điểm nổi bật của Uber là dịch vụ này không hoạt động như các hãng taxi hiện hành.

Xuất hiện từ năm 2009, “Uber là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone, kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe bất kỳ (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber). Hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. (GTVT, ngày 2/12).

Trong khi nếu so với taxi thông thường, đầy đủ tiêu chí điều kiện kinh doanh, thì Uber quả là loại… quái.

{keywords}

Một taxi Uber ở TP.HCM - Ảnh: Đình Mười

Đến nay, Uber đã triển khai ở 200 t/p trên thế giới, thuộc nhiều nước như Đức, Anh, Thụy Điển, Hàn Quốc ,Singaporre… . Nhưng không phải nơi nào Uber cũng được chào đón. Thậm chí ngay với một số quốc gia văn minh, Uber đang bị coi là một kiểu “dịch vụ đen”. Ở VN, Uber bắt đầu lăn bánh, khởi đầu là t/p HCM, và nay đến Hà Nội.

Ở một xã hội mà tư duy vốn “kín và cứng” quy chuẩn mọi việc theo quy định chặt chẽ, mặc dù quản lý có khi chả lấy gì làm… chặt như những quy chuẩn, thì khỏi phải nói, cái mới, và “mở” của loại hình dịch vụ này vừa khiến cho quản lý ngành cảnh giác, hãi sợ, giới truyền thông “bình loạn”, vừa khiến các hãng taxi phản ứng lo mất khách.

Mà mất khách là phải! Xe vừa xấu, vừa bẩn, lại hay tìm cách … ăn gian tiền khách!

Chả trách có tờ báo đã đặt câu hỏi cực kỳ “hình sự”: Uber “âm mưu” gì sau khi làm hài lòng hành khách? Cũng bài báo này dự đoán, mô hình kinh doanh chính của Uber là tăng giá khi thiếu xe. Sau khi hoạt động một thời gian dài với giá rẻ, người tiêu dùng đã “nghiện” và các hãng taxi đã giãy chết, đây chính là lúc Uber độc quyền hoàn toàn về giá. (Tuổi trẻ, ngày 02/12).

Cứ như xã hội này chỉ có phù thủy Uber, còn các thiên thần taxi trong trắng thật non nớt, đáng thương.

Chả trách mới ngay ngày đầu trình làng, taxi Uber đã liên tiếp bị cơ quan chức năng bắt phạt. Khiến cho hết khách hàng đến lái xe … ngơ ngác như cô bé Mai ca trên trời rơi xuống.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng GTVT nghiêm khắc, Uber là dịch vụ taxi “trá hình, bất hợp pháp, ẩn chứa nhiều nguy cơ không an toàn”.

Nhưng cũng không phải chỉ có sự phản đối. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, luật sư cũng rất đáng chú ý, xuất phát từ lợi ích khách hàng.

Như TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông phân tích: Uber bị cấm ở nhiều nước nhưng cũng rất nhiều quốc gia khác cho phép hoạt động. Như vậy có nghĩa là hoặc hệ thống pháp lý của quốc gia đó “quản” được Uber hoặc quốc gia đó chấp nhận du nhập cái mới trước rồi tìm cách quản lý sau.

Còn chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh: Uber đem lại lợi ích cho số đông, nghĩa là tạo nên môi trường cạnh tranh buộc các hãng taxi truyền thống phải cải thiện chất lượng phục vụ, tìm cách giảm giá. Các hãng taxi truyền thống phải tìm cách nâng mình lên thay vì chăm chăm chỉ trích Uber.

Bất ngờ nhất, tại cuộc họp Ban cán sự Đảng bộ Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi, Uber giá thấp hơn taxi thông thường, người dân được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý nó. Phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm (GTVT, ngày 2/12)

Những ý kiến lo ngại, dưới động cơ này động cơ khác, dù chính đáng hay lo sợ cho “nồi cơm” của mình, đều đã quên rằng, trong thời đại IT, và công nghệ cao phát triển, không có một lĩnh vực nào có thể bất biến, bất di bất dịch, ngược lại, luôn phải đứng trước sự cạnh tranh và thách thức.

{keywords}

Thứ trưởng Trường phát biểu trong buổi họp báo chiều nay. Ảnh: Bá Đô

Hàng chục năm nay, nhân loại nói chung, nước Việt nói riêng thời Internet đã chứng kiến sự xuất hiện liên tục của những cái mới trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao. Đó là bước chân lịch sử vô cùng vĩ đại, đem lại cho con người sự khai mở và cả hưởng thụ tri thức. Những cái mới đầy sức sống đã khiến cho đời sống con người văn minh hơn, thuận tiện, thú vị và cả… phiền toái. Đòi hỏi con người phải học hỏi, và học cả cách sống thích ứng.

Có thể thấy rất nhiều cái mới đang “chung sống” êm đềm và gắn bó với con người.

Bên cạnh thư tay, có thư điện tử (email).

Bên cạnh báo giấy, có báo điện tử, mạng trực tuyến XH. Rồi blog cá nhân, facebook, kết nối con người ở khắp nơi trên trái đất cùng vui buồn chia sẻ.

Bên cạnh điện thoại cố định, có máy nhắn tin, điện thoại di động.

Bên cạnh dịch vụ bán hàng trực tiếp là dịch vụ bán hàng qua mạng ảo v.v.. và v.v..

Và cũng như quy luật đời sống vốn sòng phẳng, khắc nghiệt, bên cạnh cái thăng hoa có cái suy vong, bên cạnh cái phát triển có cái bị đào thải. Cái mới bao giờ cũng có hai mặt, hay và dở mà con người hoặc phải biết khai thác hoặc biết tiết chế, hạn chế.

Thì sự xuất hiện của taxi Uber với hình thức giao dịch trên mạng, cũng là một cái mới của thời công nghệ cao, dựa trên tư duy kinh doanh linh hoạt sáng tạo bất ngờ. Uber mang trong nó cả sự già đời, lẫn sự khôn ngoan, tiện lợi của một loại hình vận tải mới mẻ, chưa hoàn thiện.

Cái khôn ngoan của nó là giá rẻ, đáp ứng nhu cầu con người. Dù muốn hay không, taxi Uber đã tạo nên sự cạnh tranh tự nhiên, buộc taxi truyền thống phải đổi mới mình. Điều đó chỉ có lợi cho khách hàng.

Nhưng cái già đời của nó cũng ngay lập tức không che mắt được ai. Bởi là loại hình vận tải quá mới mẻ, sử dụng công nghệ cao trong giao dịch, nên dễ tiềm ẩn những rủi ro cho hành khách, khả năng trốn thuế là rõ ràng, trong khi về mặt pháp lý, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt với Uber với tư cách pháp nhân đăng ký hoạt động ở VN.

Dù vậy, nếu nói taxi Uber hoạt động trái với quy định pháp lý lại khá… vô lý. Bởi theo Luật Doanh nghiệp, người ta có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Dĩ nhiên, Luật Doanh nghiệp khi ra đời, hẳn chưa bao giờ hình dung, sẽ có ngày một loại hình taxi mang tên lạ đắng lạ cay- Uber nhởn nhơ lượn khắp phố phường mà lại không thuộc… vòng cương tỏa.

Thế nên, ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng chính là sự bật đèn xanh một cách khôn ngoan: Sao không hợp pháp hóa để quản lý. Phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm!

Từ “dịch vụ đen” trở thành một loại hình dịch vụ được thừa nhận, là một khoảng cách dài để hai bên… xích lại gần nhau.

Không chỉ Uber phải tuân thủ những quy định của pháp luật nước Việt, mà bản thân các cấp quản lý của ngành chủ quản cũng phải “mềm hóa” tư duy để quản lý bằng pháp luật, thể chế, chính sách-  tương thích với cách kinh doanh “mở” lạ lẫm, và linh hoạt của thời công nghệ cao.

                                         *****************************

II- Vụ thứ hai là câu chuyện nhà công vụ

Cứ tưởng vụ này được xới xáo lên cách đây ít lâu đã kết thúc… có hậu. Các bác quan chức hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ thì trả lại nhà cho Nhà nước. Hóa ra, cái hậu ấy nó cũng “mở”, “mở” đến tận hôm nay, và vẫn chưa thể khép lại…

Thế mới là nhà công vụ!

Theo điều tra của Báo Người cao tuổi, ngày 27/11,  chỉ riêng khu Hoàng Cầu, trong số 80 căn hộ nhà công vụ (diện tích trên dưới 100 m2/căn), chỉ có 21 căn được sử dụng đúng mục đích. Số sai mục đích đạt tỷ lệ tới 67,7%.

Đó là chỉ riêng khu Hoàng Cầu, còn khoảng gần 13.000 căn hộ nhà công vụ ở khắp nơi, không biết có bao nhiêu nhà đã nghiễm nhiên biến thành “tư vụ” thì chưa có báo nào điều tra nổi.

Tiếc thay, đến lúc này, dư luận xã hội lại tiếp tục được nghe “điệp khúc muôn thuở” của các chủ nhân tạm thời ở nhà công vụ. Tỷ như:  Tôi khẳng định đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa cho tôi quyết định thu hồi lại nhà Cũng chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà, và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi, vậy thì nói không trả nhà công vụ đâu hẳn đã đúng. Tỷ như: Đã có ai đòi nhà đâu, cũng chưa có quyết định thu hồi lại nhà thì sao nói phải cưỡng chế. Chúng tôi đều muốn trả, không ai muốn chiếm nhà công vụ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam Thứ trưởng bộ Xây dựng cho biết, có 59/80 căn hết tiêu chuẩn nhưng chưa trả.

Vậy bên nào đúng, bên nào sai?

{keywords}

Khu nhà công vụ ở phố Hoàng Cầu. Ảnh: Giang Huy.

Có một điều, nguồn gốc nhà công vụ có từ thời bao cấp, được phân cho những cán bộ có tiêu chuẩn đang trong thời gian công tác. Nhưng “điểm chết người” trong các văn bản quyết định phân nhà công vụ là đã không hề có điều khoản ràng buộc cụ thể, sau khi những cán bộ thuộc đối tương này họ nghỉ hưu, luân chuyển nơi khác, hoặc từ trần phải giao lại nhà cho Nhà nước.

Chính ở “gót chân Asin” này, mà người ta rất khôn ngoan đã tận dụng, ngụy biện, vin vào cái sự “tù mù” của quyết định. Cũng là vin vào thứ thiếu công khai minh bạch của quản lý nhà nước, để hành động một cách… thiếu minh bạch nốt, nhưng lại đổ lỗi cho nhau.

Tại anh tại ả tại cả đôi bên- là thành ngữ dân gian cha ông ta ngày xưa mắng khéo cái sự sai của kẻ tám lạng, người nửa cân, chẳng anh nào chịu thua anh nào trong cái sự mắc lỗi. Giờ đây, được hậu thế vận dụng khéo léo, và không chỉ có thế.

Điểm đỉnh của sự vận dụng “khôn mà không ngoan” thành ngữ này, là vị cựu Chủ tịch t/p Hà Nội Hoàng Văn Nghiên

Cứ tưởng câu chuyện nhà biệt thự 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa, kéo dài suốt 08 năm trời không dứt điểm nổi, năm trước được dư luận xã hội bàn luận, chỉ trích, chê trách, thì nếu là người quân tử, cựu Chủ tịch t/p hẳn phải có thái độ hành xử quang minh chính đại trước thanh thiên bạch nhật, dù trong lòng rất đau bởi những lời ra tiếng vào.

Hóa ra, đến nay, vụ việc nguyễn y vân. Và lời ra tiếng vào của dư luận xã hội dịp này cũng… vẫn y nguyên. Thậm chí, còn tăng gấp bội.

Người viết tự hỏi, tự lúc nào trong xã hội chúng ta, người Việt mất đi khả năng hành xử một cách tự trọng? Hay vì cứ nhìn nhau mà … tham?

{keywords}

Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh cam kết, Hà Nội sẽ tiếp tục thanh tra công tác quản lý biệt thự, xử lý cá nhân vi phạm theo đúng quy định. Ảnh: Vneconomy

Điều bất ngờ nhất, trong vụ việc biệt thự 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa, không phải t/p HN không có động thái ứng xử. Nhưng một bên thì cả nể, rất duy tình đến mức thành nhu nhược, một bên thì ra đủ thứ yêu sách, rất vô lý.

Cây cầu bắc giữa hai đầu rất duy tình, và rất vô lý này có tên gọi là gì? Không ai trả lời được.

Vô lý đến mức, đã 2-3 lần, ngành chức năng của t/p HN đưa ra nhiều phương án nhà ở cho ông này. Lúc thì bán cho ông căn hộ chung cư tại khu Kim Liên, lúc là một biệt thự tại dự án khu Đông hồ Nghĩa Đô để ông thuê, đều không đi đến kết quả. Lần cuối cùng, phương án do chính ông đề xuất, thành phố mua đất xây biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) để ông thuê ở. Đến nước này thì t/p… chịu. Việc thuê biệt thự 128 Nguyễn Chế Nghĩa với giá bèo, chỉ bằng chục bát phở/ tháng kéo dài cho tới nay.

Nhưng dư luận xã hội không chịu. Và đòi hỏi t/p HN phải giải quyết dứt điểm vấn đề này. Bởi một vô lý sẽ dẫn đến … mười ngờ. Không thể nào để diễn ra mãi tình trạng đáng hổ thẹn, là đặc quyền- đặc lợi cho quan chức cả đến lúc đã nghỉ hưu. Bởi theo như nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm, thì trên thực tế, ông nào trước khi làm Chủ tịch cũng có nhà, chứ không phải là "dân lang thang" đi vào làm chủ tịch (Một thế giới, ngày 04/12).

Nên theo ông Phạm Sỹ Liêm, ông Hoàng Văn Nghiên không trả nhà là lỗi của chính quyền (t/p). Lỗi cả nể, dung túng, nhu nhược trước sự “ngồi xổm” trên cả những quy định pháp luật, trên cả dư luận bất bình, của một cựu quan chức cấp cao. Vụ việc nhà công vụ này không phải quá phức tạp, mà kéo dài tới 08 năm. Nếu không có vụ việc nhà cửa của ông Trần Văn Truyền, không biết biệt thự 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa sẽ… êm đềm đến bao giờ.

Còn báo Lao động, ngày 03/12, giật hẳn một cái title to: Trả lại nhà cho Đảng đi ông Nghiên ơi! Không biết ông Hoàng Văn Nghiên sẽ … đáp lời kêu gọi của xã hội ra sao? Chỉ biết mới đây, trên báo Người lao động, ngày 04/12, ông bảo: Sống đàng hoàng chả phải nói với ai.

Giật mình. Đến nước này, cái chữ đàng hoàng hẳn cũng phải cúi gằm mặt và … chạy mất!

Taxi Uber và nhà công vụ- hai con đẻ của hai thời đại khác nhau, một là của thời kinh tế thị trường, một là của thời bao cấp, đều đang hồi hộp, nín thở chờ đợi cách hành xử của quản lý nhà nước.

Cấm đoán hay sẽ tiếp tục buông?

Kỳ Duyên