Việc trình một đề án siêu khủng, siêu tưởng, có nguy cơ hủy diệt môi trường như dự án thủy lộ, thủy điện của công ty Xuân Thiện là thiếu trách nhiệm xã hội.

Công luận vẫn đang tiếp tục mổ xẻ tính siêu thực của dự án tỷ đô dọc sông Hồng. Tuần Việt Nam chia sẻ ý kiến của TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam và bà Ngụy Thị Khanh, (giám đốc Trung tâm Sáng tạo & phát triển xanh – GreenID.

Bà Ngụy Thị Khanh: Ngăn sông đắp đập chắc chắn là điều không ai ủng hộ vì nó sẽ làm thay đổi cảnh quan, dòng chảy, môi trường sinh thái tự nhiên. Những hệ lụy từ việc làm thay đổi dòng chảy đã được cuộc sống chứng minh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên hầu khắp các nước khác.

Khi báo chí đưa tin về dự án của công ty Xuân Thiện với 6 công trình đập thủy điện dọc trên sông Hồng, tôi đã rất ngỡ ngàng. Bởi lẽ các công trình thủy điện này không nằm trong danh mục quy hoạch điện 7 mới hiệu chỉnh gần đây.

Vì chưa có tài liệu chi tiết của dự án, nên khó đánh giá mức độ tác động . Nhưng chỉ với thông tin đã được loan báo về việc họ đề xuất cách tính giá điện và những ưu đãi về thuế, phí cũng đủ khiến công luận không khỏi băn khoăn và hoài nghi về đóng góp của dự án này cho kinh tế và cho xã hội  của đất nước.

{keywords}
Bản đồ sông Hồng
Thông thường quy hoạch được coi là cơ sở cho việc phát triển các dự án trong từng lĩnh vực. Những dự án này chưa nằm trong tầm ngắm của các nhà quy hoạch ngành chắc cũng có lý do và thường là do kém hiệu quả. Thực tế ở Việt Nam đã xảy ra vấn đề dự án bổ sung vào quy hoạch gây khó khăn, thậm chí phá vỡ cả quy hoạch.

Tôi ủng hộ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước nhưng không bao giờ ủng hộ những dự án ngăn sông và làm tổn hại tới môi trường và cuộc sống của người dân.

Chúng ta cần trân trọng và giữ gìn nguồn tài sản tự nhiên quý giá vốn còn rất ít ỏi cho hôm nay và mai sau. Hiện chúng ta không thiếu điện tới mức phải biến sông Hồng thành hồ. Nhà đầu tư cải biến thiên nhiên để sinh lời nhưng cái lời đó cần được cân với lợi ích tổng thể về an ninh, kinh tế, môi trường và xã hội.

Hơn nữa nếu có xảy ra rủi ro, sự cố nhất là trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường khó lường thì người dân và xã hội không chỉ đời này, mà còn rất lâu sau đó sẽ phải gánh chịu hậu họa.

Ông Đào Trọng Tứ: Đề án do Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất không thể và không hề mang tính đột phá gì cho kinh tế xã hội của đất nước. Thậm chí đề xuất "lạ lùng" này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường-sinh thái cho một vùng đồng bằng rộng lớn của phía bắc nước ta.

-  Về mặt kinh tế: với 6 đập chắn ngang một con sông lớn chỉ để tạo ra 3 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 288 MW (so với  trên 30.000 MW công suất của mạng lưới điện Việt Nam) mà cho là đột phá kinh tế thật là phi lý.

Chúng ta hẳn chưa quên, trước xu thế bùng nổ phát triển thủy điện Việt Nam hồi thập niên 90 và 2000. Hệ hụy bởi những tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện đối với môi trường, sinh thái; Đối với sinh kế của số đông người dân đã buộc Quốc hội hồi năm 2013 có những cuộc giám sát thực tế rồi sau đó ra hẳn một Nghị quyết buộc phải dừng xây dựng, dừng đưa vào quy hoạch trên 400 công trình thủy điện lớn nhỏ từ nam chí bắc.

Vậy mà nay, lại có ý tưởng xây đập trên con sông huyết mạch, con sông mẹ để làm thủy điện nhỏ là đi ngược lại nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành.

- Việc kết nối giao thông thủy ư? Hãy thử tưởng tượng, 6 con đập chắn trên dòng sông, thuyền bè qua lại phải vượt qua 6 vũ môn bằng các âu thuyền mà lại gọi là tăng khả năng vận tải thủy là điều quá phi lý (ý tưởng dự án là làm đập để nâng cao mực nước -tầu thuyền dễ đi lại).

Các con đập vừa là vật chắn, cản trở giao thông thủy, cản trở đường cá đi, vừa giữ phù sa thì bài toán kinh tế sẽ chỉ thu được ở chỗ phí tiền tàu bè qua lại và lợi nhuận thu được từ việc nạo vét luồng lạch tích bùn cát.

Thế giới văn minh đang khẩn thiết kêu yêu cầu chúng ta phải hoàn trả không gian, trả lại sự tự do cho các dòng sông- chuyện sống còn của bất kỳ dân tộc nào, chế độ nào.

Khi con người ngày càng trở nên đông đúc, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt với nước ta. Sông cạn, hồ trơ đáy, đất hạn mặn, người khát, cây cỏ cùng cằn khô…. mà chúng đang phải đối diện và vẫn chưa có lời giải.

Luật về Tài nguyên Nước ban hành năm 2012, liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước các sông rạch luật đã qui định rất rõ tại Điều 9, Mục 4 và 5:

* Đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch (mục 4).

* Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa (mục 5).

Tóm lại, cần phải rất thận trọng với những dự án như của công ty Xuân Thiện.

Hoàng Hường ghi