Là một quốc gia thành viên của UNCLOS, Trung Quốc “cần thực thi một cách có thiện chí những nghĩa vụ đã được UNCLOS trù định”.

Hôm thứ Năm ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở đặt tại La Haye, Hà Lan đã ra phán quyết đầu tiên đối với vụ kiện liên quan đến tranh chấp Philippines – Trung Quốc tại Biển Đông. Theo đó, Tòa quyết định có thẩm quyền xét xử vụ này.

Ngay lập tức, ngày 30/10/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố chính thức, không công nhận bất kể phán quyết nào của Tòa, xem những phán quyết đó vô hiệu và không có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc.  

Hãy cùng phân tích những khía cạnh lập luận trong tuyên bố của nước này.

{keywords}

Bãi cạn Scarborough, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Interaksyon/ Thanh niên online

Thứ nhất, Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết của PCA là “vô hiệu”, “không có giá trị ràng buộc”, và do đó “Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện này”. Nói cách khác, Trung Quốc đang tiếp tục phủ định thẩm quyền xét xử của PCA trong vụ việc này.

Có thể dễ dàng nhận ra Trung Quốc đã làm ngơ sự tồn tại của Điều 288(4) UNCLOS, quy định: “Trong trường hợp có sự tranh cãi về vấn đề tòa án có thẩm quyền xét xử hay không, thì vấn đề này do tòa án đó quyết định.”

Để so sánh, có lẽ nên nhắc lại phản ứng của Australia và New Zealand đối với thẩm quyền xét xử của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Southern Bluefin Tuna. Theo đó, Australia và New Zealand cho rằng: “Những điều khoản [Phần XV UNCLOS – Giải quyết tranh chấp] hàm ý một cách rõ ràng rằng một tòa án khi quyết định về thẩm quyền xét xử của mình theo quy định tại Điều 288(4) UNCLOS luôn hướng tới tính hiệu quả và toàn diện của cơ chế giải quyết tranh chấp – khía cạnh then chốt của UNCLOS. Những luận điểm làm suy yếu tính hiệu quả của Phần XV, làm ngơ trước quy định của các điều khoản là không thể chấp nhận.”

Một điều đáng chú ý là cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS. Theo quy định tại Điều 287 UNCLOS, khi một tranh chấp xảy ra, nếu các bên đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết, thì vụ tranh chấp chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó. Tuy nhiên, nếu các bên không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết, thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài được trù định tại Phụ lục VII UNCLOS. Phán quyết của trọng tài có tính chất tối hậu, không được kháng cáo và tất cả các bên trong vụ tranh chấp đều phải tuân theo.

Là một quốc gia thành viên của UNCLOS, Trung Quốc “cần thực thi một cách có thiện chí những nghĩa vụ đã được UNCLOS trù định” (Điều 300 UNCLOS). Việc thực thi nghĩa vụ một cách có thiện chí đã từng được nhắc đến tại Điều 2(2) Hiến chương của Liên hợp quốc, cũng như trong một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đó là nguyên tắc pacta sunt servanda. Nguyên tắc này sau đó cũng được luật hóa tại Điều 26 của Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước với quy định rằng: “mọi điều ước khi có hiệu lực sẽ có giá trị ràng buộc các bên tham gia và các bên tham gia phải thực thi các quy định của điều ước một cách có thiện chí.”

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc không tham gia quá trình tranh tụng tại phiên tòa sẽ không làm cản trở trình tự tố tụng của Tòa Trọng tài. Điều 9 Phụ lục VII UNCLOS đã làm rõ trường hợp một bên vắng mặt tại phiên tòa với quy định rằng: “việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình sẽ không làm cản trở đối với trình tự tố tụng.” Bởi vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là một bên trong tranh chấp, và phải tuân thủ các quy định của Điều 296(1) UNCLOS và Điều 11 Phụ lục VII UNCLOS. Các phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc cáo buộc Philippines “ngoan cố” trong việc “đẩy nhanh vụ kiện Biển Đông ở Tòa Trọng tài”, và rằng “đó là một sự khiêu khích chính trị núp bóng luật pháp”.

Liên quan đến vấn đề này, cần thiết phải nhấn mạnh rằng ở một mức độ nào đó, khi quá trình tố tụng có hơi hướng chính trị như cách một bên gây áp lực cho phía bên kia, thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến tính chất pháp lý của vụ tranh chấp. 

Trong vụ kiện Border and Trans-border Armed Actions, Tòa án công lý quốc tế (ICJ) đã luận rằng: “Tòa ý thức được rằng khía cạnh chính trị có thể hiện diện trong bất kể một tranh chấp pháp lý nào. Tuy nhiên, là một cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án chỉ quan tâm đến hai vấn đề: thứ nhất, có thể áp dụng các nguyên tắc và quy định của luật quốc tế để giải quyết tranh chấp hay không, và thứ hai, Tòa có thẩm quyền để xét xử vụ việc và thẩm quyền của Tòa là độc lập.

Trở lại vụ kiện Biển Đông giữa Philippines – Trung Quốc, Tòa Trọng tài luận rằng “tranh chấp giữa các bên đối với các vấn đề đã được đệ trình bởi Philippines liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS.” (Đoạn 178 Phán quyết của PCA ngày 29/10/2015). Nói cách khác, tranh chấp Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông là một tranh chấp pháp lý.

Thứ ba, Trung Quốc cáo buộc Tòa Trọng tài và Philippines đã “lạm dụng quy trình giải quyết tranh chấp bắt buộc theo UNCLOS”.

Tuy nhiên, Tòa cho rằng việc sử dụng cơ quan Trọng tài theo Phần XV UNCLOS tự thân nó không bị coi là hành vi lạm dụng quyền, cho dù hành động đó là đơn phương. Trong trường hợp này, sẽ là cần thiết để nhắc lại phán quyết từ vụ kiện Barbados v. Trinidad and Tobago, rằng: “Hành động đơn phương đệ trình một vụ tranh chấp lên cơ quan trọng tài tự thân nó không bị xem là hành vi lạm dụng quyền đi ngược với quy định tại Điều 300 UNCLOS, hay đi ngược với luật pháp quốc tế nói chung. Điều 286 đã trao cho các bên tranh chấp quyền đơn phương, việc thực thi quyền này một cách đơn phương, không qua thảo luận hay thỏa thuận với các bên tranh chấp còn lại là việc thực thi quyền hợp lý đã được công ước thừa nhận.

Qua tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/10/2015 phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 29/10/2015, có thể nhận thấyTrung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng Trung Quốc là thành viên của UNCLOS, những yêu sách của Trung Quốc “có giá trị lịch sử”, tuân thủ theo UNCLOS và luật quốc tế. Trung Quốc cũng hối thúc Philippines “tôn trọng các quyền của Trung Quốc theo luật quốc tế”.

Có thể thấy, một mặt, trên phát ngôn thì  TQ thể hiện đang tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng mặt khác, nước này lại phớt lờ những phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc?

Đỗ Việt Cường

*Tác giả Đỗ Việt Cường hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Luật quốc tế tại Viện Sau Đại học Geneva về Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển (IHEID), và Đại học Geneva, Thụy Sĩ, chuyên về Luật biển, Luật môi trường và Luật năng lượng quốc tế. Ông đồng thời cũng là nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.