-Hình như ở xã hội ta, chuyện phóng nhanh vượt ẩu, giành đường, lạng lách đánh võng là chuyện “bình thường”. 

LTS: Những khẩu hiệu gây tranh cãi về an toàn giao thông thời gian qua đã làm dấy lên tranh luận về ý thức tham gia giao thông của người dân. Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tiếp bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Tấn để bạn đọc tranh luận.

Chỉ trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa rồi, cả nước xảy ra 160 vụ tai nạn giao thông, làm chết 81 người, bị thương 97 người. Bạn đọc nghĩ gì về những con số thương tâm này? Hay chúng ta đã quá quen với những con số khắc nghiệt mà quên đi vấn nạn giao thông vẫn là một nỗi nhức nhối chưa bao giờ dịu bớt.

Những con số biết nói

Năm 2014, UB ATGT Quốc gia tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông,  một việc làm lay động lòng người.

Với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", nhiều hình ảnh, câu chuyện có thật được tái hiện, trong đó có sự xuất hiện của nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc tại Sa Pa đã làm khán giả xúc động.

Thế nhưng, dường như tai nạn giao thông vẫn… lùi lũi bước tới, bất ngờ và tai nghiệt!

{keywords}

Chỉ tính riêng năm 2014,  cả nước có trên 7.500 người tử vong vì tai nạn giao thông. Trung bình mỗi ngày có 25 người bước ra khỏi nhà và vĩnh viễn không bao giờ trở về. Mỗi năm, tai nạn giao thông gây thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng, số tiền này đủ để xây 20 bệnh viện. Một con số đau lòng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về tình trạng tai nạn giao thông phải thốt lên rằng, nhiều nước đang xảy ra chiến tranh trên thế giới cũng không có nhiều người chết như ở nước ta.

Ukraine được coi là một trong những điểm nóng về chiến sự trên thế giới. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, những cuộc xung đột đẫm máu xảy ra từ tháng 4 tới ngày 21/10 tại miền Đông quốc gia này đã khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng.

Như vậy, số người chết vì tai nạn giao thông của nước ta, riêng năm 2014 đã cao gần gấp 02 lần số người thiệt mạng do bom đạn tại Ukraine (7.475 so với 4.000).

Cũng phải nói rằng, tai nạn giao thông có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trong thời gian vừa qua, những cái chết thương tâm do phần lớn chủ quan của con người gây nên.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67,) trong rất nhiều những nguyên nhân để xảy ra tai nạn giao thông thì nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, đi lấn đường, tránh vượt sai quy định, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… Có đến  70% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy gây ra.

Việc không nghiêm chỉnh chấp hành qui định pháp luật như không uống rượu bia, không nghiện ma túy, không chấp hành kiểm định phương tiện và nhất là văn hóa tham gia giao thông rất kém đã dẫn đến nhiều tai nạn đau lòng. Chuyến xe định mệnh ở Sa Pa khiến 14 người chết và hơn 30 người bị thương theo cơ quan điều tra tỉnh Lào Cai xác định nguyên nhân không phải xe khách mất phanh mà là do lỗi chủ quan của tài xế.  "Qua kiểm tra, chúng tôi thấy phanh của chiếc xe còn rất tốt”- Phó GĐ Công an tỉnh Lào Cai cho biết.

Văn hóa giao thông có thành nếp sống?

Dù cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, phải nói rằng, ý thức người dân chấp hành Luật Giao thông còn kém. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn gia tăng.

Nhiều đoạn đường giao thông đi qua khu dân cư, KCN đã có đường dành riêng cho người đi bộ, các phương tiện thô sơ, nhưng hầu hết các đối tượng này không đi ở những nơi đó vì đoạn đường hơi xa. Nhiều người vượt rào chắn sang đường vì tiện lợi, bất chấp đoạn đường đó xe đang chạy với vận tốc lớn.

Ai đã từng đi trên Quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng đoạn đi qua các KCN giờ đi làm, hoặc giờ tan tầm sẽ thấy cảnh tượng vượt rào đáng sợ. Họ trèo qua dải phân cách rất cao bằng sắt, vô tư qua đường… rút ngắn khoảng cách mà đâu ngờ rút ngắn cả đời mình, trong tích tắc.

Chuyện sang đường, xin đường là điều tối thiểu của văn hóa tham gia giao thông nhưng rất nhiều người không thực hiện. Nhiều tai nạn thương tâm diễn ra chỉ vì những cú rẽ “đột ngột” này. Trường hợp một xe siêu sang ở Nghệ An bị bẹp đầu cũng vì cú rẽ đột ngột như vậy của người đi xe máy.

Ở xã hội ta, chuyện phóng nhanh vượt ẩu, giành đường, lạng lách đánh võng là chuyện “bình thường”. Nhiều người trẻ coi phóng nhanh, lạng lách là thể hiện bản lĩnh. Họ còn bỏ phanh trong các cuộc đua với tốc độ lớn như là sự thể hiện “chí trai”. Họ coi thường cả tính mạng của mình và người khác.

Pháp luật đã cấm uống rượu bia khi lái xe nhưng các tay lái bất chấp qui định. Không ít những trường hợp bị tai nạn miệng vẫn nồng nặc mùi rượu. Họ đùa với cả tính mạng của mình.

Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền vận động nếp văn hóa trong tham gia giao thông, những cuộc vận động, những phong trào và nhất là tổ chức các buổi cầu siêu thông qua đó tái hiện những cảnh thương tâm đánh động lòng người đã có tác dụng tốt. Tuy nhiên vẫn chưa trở thành nếp văn hóa.

Văn hóa giao thông kém càng làm cho tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng. Chen lấn, giành đường, bất chấp qui định là hiện tượng phổ biến. Đường xấu tai nạn, nhưng đường tốt lại càng nhiều tai nạn chứng tỏ ý thức chấp hành luật giao thông rất kém.

Ở lứa tuổi học sinh, tuy được học luật, được tìm hiểu văn hóa giao thông nhưng các em bất chấp qui định. Tình trạng đi xe máy không đúng tuổi, không đội mũ, vượt đèn đỏ là  “chuyện bình thường”. Bài học đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có ý nghĩa tốt trong việc thực thi pháp luật.

Giáo dục phải đi đôi với chế tài, đó là biện pháp cần thiết. Khi chưa có tính tự giác, khi chưa thành nếp văn hóa thì phải có chế tài. Chưa ai phạt người đi bộ sang đường bất chấp quy định. Ở ta nơi giành cho người đi bộ sang đường thì không ai đi, mà đi bất cứ chỗ nào thích. Nếp sống ấy lâu dần thành quen. Ở nước ngoài tuân thủ điều này rất nghiêm.

Để “văn hóa giao thông” trở thành thói quen, thành máu thịt thì chế tài phải nghiêm sẽ giúp cho định hình những thói quen, thành nếp văn hóa. Hành vi xấu, vi phạm không ai nói, không ai xử thì lại trở thành thói quen. Đó chính là con đường luẩn quẩn làm cho văn hóa giao thông của ta rất khó thành nếp sống.

Nguyễn Đăng Tấn