Từ khi nào dân ta có định kiến các môn học tự nhiên quan trọng hơn các môn học xã hội và giỏi Toán “oách” hơn giỏi các môn khác?

Toán, Lý, Hóa là tất cả?

Tình cờ đọc được một chia sẻ trên Facebook về thành tích của một HS vừa tốt nghiệp THPT và đậu Đại học với tổng điểm ba môn thi khối A rất ấn tượng là 29. Lướt qua các  bình luận, đa phần khen ngợi, khích lệ vì thành tích xuất sắc mà em đạt được không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn là niềm từ hào của cả tỉnh – một địa phương có vị trí cao trên bản đồ thành tích học sinh giỏi trên cả nước.

Nhìn qua thông tin về điểm thi được đăng tải trên bài viết, mới thấy bên cạnh điểm số ấn tượng của ba môn “chủ chốt” – Toán, Lý, Hóa thì điểm số của hai môn còn lại là: Văn: 5 điểm và ngoại ngữ chỉ 4,25 điểm. Tuy nhiên trong hàng trăm bình luận trên đó, không có bất kỳ ai nhắc hay đả động đến điểm số thấp một cách bất ngờ của hai môn “phụ” (so với khối A) còn lại.

Không biết từ khi nào dân ta, mà cụ thể là bố, mẹ và kể cả các thầy, cô giáo đã tiêm nhiễm vào đầu bao nhiêu thế hệ học sinh một dạng định kiến rằng các môn học tự nhiên quan trọng hơn các môn học xã hội và rằng giải nhất môn Toán học “oách” hơn rất nhiều giải nhất môn địạ lý (cùng cấp)?

Khi chúng tôi còn là HS cấp III, không những bản thân không coi trọng việc học các môn học “phụ” như Lịch sử, Địa lý, Kỹ thuật và thậm chí cả Văn học; mà nhà trường còn ngầm định rằng đối với nhóm đối tượng “ưu tiên” diện lớp A như chúng tôi, thầy, cô dạy các môn “phụ” đó cần nương tay và ưu ái chút, miễn sao không bị điểm liệt. Mục đích cuối cùng là nhiều người đỗ vào đại học, được điểm cao (để có học bổng) và vào được các trường tốp trên.

Sau gần 30 năm đất nước mở cửa và hội nhập, những tưởng cái định kiến trên đã được tháo gỡ rất lâu rồi, nhưng kết quả thi của em HS kia, tuy chưa đủ mẫu thống kê, cũng đã phần nào cho thấy tư duy trong tiếp cận giáo dục của nước ta hầu như chưa thay đổi.

Như nhiều người đã nhận định, người Việt giỏi toán và kém sử là đương nhiên, là chân lý và miễn bàn. Xã hội VN từ lâu đã mặc định học giỏi toán chắc chắn có lợi hơn học giỏi môn sử (thậm chí cả môn văn).

Trong phim ảnh hình tượng một anh kỹ sư (có nền tảng toán học) bao giờ trông cũng nhanh nhẹn và “sáng” hơn mấy anh nhà văn hay nhà sử học – thường được mô tả theo mô típ khác người và luộm thuộm v.v… (!)

{keywords}

Lịch sử và Địa lý giúp mỗi HS hiểu được chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ, ở đâu và nguyên nhân nào, tác nhân nào đã tao nên những thành công hay thất bại đó.

Chúng ta đang tự loại cơ hội để văn minh hơn?

Ở đây, tôi không có ý định tìm hiểu, phân tích xem môn nào thực sự quan trong hơn môn nào, mà thay vào đó là nguyên tắc tôn trọng tính da dạng của xã hội và vai trò khác nhau của mỗi cá nhân.

Do cách nhìn nhận về sướng, khổ, giàu nghèo là không giống nhau ở mỗi người, mỗi cộng đồng, việc so sánh giữa những người học giỏi toán và những ai học giỏi văn hay sử là không có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Tuy nhiên, đối với mỗi cá nhân cụ thể việc học hay không học, học tốt hay không tốt một số môn vốn lâu nay bị coi là “phụ” lại là một câu chuyện khác, bởi nó thực sự có ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta.

Xét trên khía cạnh tư duy và nhận thức, việc có được một khả năng hiểu và cảm thụ văn học sẽ giúp nuôi dưỡng những phẩm chất cao đẹp và nhân văn trong mỗi con người. Văn học giúp chúng ta yêu thương hơn, nhân từ hơn trong cuộc sống. Khi đọc sách nhiều, một số giá trị tốt đẹp từ các dân tộc khác vốn được ẩn giấu trong các tác phẩm văn học có thể dần dần thấm vào người đọc, khiến chúng ta văn minh hơn (?)

Một trong những câu hỏi mà con người thường muốn giải đáp đầu tiên khi có ít nhiều nhận thức, đó là “Ta là ai và ta đang ở đâu”?

Chính giáo dục lịch sử và địa lý có thể giúp, về cơ bản trả lời được những thắc mắc trên, chứ không phải là toán học hay vật lý. Hiểu biết về lịch sử đất nước, nhân loại cùng các kiến thức địa lý cơ bản sẽ giúp HS có cái nhìn tổng thể hơn trên phương diện không gian (địa lý) và thời gian (các sự kiện và tiến trình lịch sử).

Nó giúp mỗi HS hiểu được chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ, ở đâu và nguyên nhân nào, tác nhân nào đã tạo nên những thành công hay thất bại đó.

Nếu HS nắm bắt tốt các bài học từ địa lý, lịch sử và kết hợp với lối tư duy logic, biện chứng của toán học thì các em có thể tiếp cận những vấn đề mới một cách chủ động và dễ dàng hơn.

Xét trên khía cạnh ứng dụng thực tiễn, một điều dễ nhận thấy: trừ những nhà khoa học và đội ngũ kỹ sư cần chuyên môn sâu cùng một vài ngành nghề đặc thù ra, tới hơn 90% dân ta không cần dùng đến “hằng đẳng thức” hoặc khai căn bậc 2 chứ chưa nói đến tích phân hay vi phân trong công việc và cuộc sống hằng ngày.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với môn hóa học và vật lý. Trái ngược lại hoàn toàn, kiến thức địa lý giúp ích rất nhiều cho mỗi người cả ở nhà (xem TV, đọc báo) lẫn khi đi ra ngoài (xem bản đồ, tìm đường, định hướng, v.v…). Đặc biệt khi đi du lịch, đa số những nơi chúng ta đến đều là danh thắng, sẽ thú vị và ý nghĩa hơn nhiều nếu ai đó có kiến thức tốt về lịch sử. Khi đó nhiều người sẽ có cảm giác tự hào (nếu) là mình đang được đứng ngay tại một địa danh thấm đẫm hồn thiêng sông núi, qua đó lòng yêu quê hương, đất nước được nảy nở và vun đắp thêm.

Xét trên khía cạnh xã hội, trong số những người có cùng chuyên môn hoặc tương đương về bằng cấp, người nào có kiến thức xã hội tốt hơn (đặc biệt là ngoại ngữ) người đó sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Các kiến thức này là thế mạnh được thể hiện trong cách hành văn (nói và viết), biết sử dụng các điển tích hay ca dao, tục ngữ hoặc các nhân vật lịch sử để truyền tải thông điệp đến người khác một cách nhẹ nhàng và tinh tế.

Ngoài trường đời kiến thức thuộc lĩnh vực xã hội dễ dàng tạo ấn tượng đối với người khác hơn so với những “bồ” kiến thức về KH tự nhiên. Sau vài năm đi làm, sẽ chẳng ai còn nhớ việc bạn tốt nghiệp trường nào, chuyên ngành gì, bằng loại gì...

Thay vào đó người ta quan tâm đến kỹ năng trình bày và lắng nghe, kỹ năng điều hành nhóm, sử dụng các công cụ .vv.., mà bạn sở hữu. Đặc biệt sẽ ấn tượng hơn khi bạn sử dụng tiếng Anh lưu loát và thành thạo.

Hình ảnh cựu TT  Bill Clinton đọc hai câu Kiều khi nói chuyện với sinh viên ĐHQG năm 2000 và gần đây Phó TT Hoa kỳ, ông Joe Biden đã “lẩy” kiều trong buổi tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng - làm nhiều người Việt nghiêng mình thán phục, đã nói lên tất cả. Mọi ranh giới, khác biệt, và nghi ngại đều có thể được xóa nhòa khi các bên có thiện chí hợp tác.

Công cụ để giúp kết nối và hiểu nhau hơn chính là lịch sử và văn hóa.

Trên hết, đất nước ngày nay không thể sống cô lập trên thế giới này. Cánh cổng đang sẵn sàng rộng mở để thế hệ trẻ hòa nhập cùng bạn bè quốc tế. Sẽ rất thiệt thòi nếu người VN không kịp chuẩn bị hành trang và kỹ năng cho tiến trình hội nhập ngày một sâu rộng hơn.

Một trong các kỹ năng tối thiểu chính là ngọai ngữ. Vậy chúng ta trông đợi gì khi nhìn vào kết quả môn ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH vừa diễn ra khi có tới 80% số bài thi đạt điểm dưới trung bình và phổ biến từ 2 đến 2,5 điểm. Như có người nói: 12 năm học ngoại ngữ, biết nói mỗi Yes, No.

Câu trả lời xin được phép để ngỏ!

Trần Văn Tuấn