Khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì một cuộc họp tổng kết của ngành thống kê cuối năm ngoái, ông đã bày tỏ sự không hài lòng khi một số cán bộ phụ trách thống kê của một số ngành vắng mặt. 

Ông nói, những số liệu thống kê là rất quan trọng, giúp Chính phủ và Thủ tướng hoạch định nhiều đề án phát triển kinh tế, xã hội. 

{keywords}
GDP tăng tác động rất lớn đến các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, thu thuế,... Ảnh: Tính toán của TS Phạm Thế Anh.

Thống kê cô đơn

Tuy nhiên, các bộ ngành mới chỉ thu thập được 34 trong tổng số 79 chỉ tiêu thống kê quốc gia, và cũng chỉ 11/23 bộ, ngành ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê theo Luật Thống kê 2015. Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Số liệu sai lệch sẽ giết chết các quyết định”. 

Là Phó thủ tướng phụ trách kinh tài, ông Huệ luôn quan tâm, theo dõi các số liệu cũng như hoạt động của ngành thống kê. Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất quan tâm đến ngành này khi đã về làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, điều những người tiền nhiệm chưa bao giờ làm. 

Dù được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Chính phủ, không ít những khiếm khuyết trong tổ chức nhân sự hay công tác thống kê vẫn chưa được khắc phục. 

Ông Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc kể, Vụ Kế hoạch ở cơ quan có hơn mười mấy người, nhưng “chỉ có 2,5” người là làm thống kê chuyên nghiệp, quá tải với nhiệm vụ thống kê 119 chỉ tiêu thống kê. Nhận thấy bất cập này, Ủy ban Dân tộc muốn lập một Trung tâm thống kê phân tích dự báo. “Tuy nhiên, khi làm đề án gửi đi thì các đồng chí Bộ Nội vụ gạt bay đi”, ông kể lại và nói: “Khi cần số liệu báo cáo thì “gào thét” tuy nhiên khi xong rồi thì lại thôi … Đầu tư cho thống kê thì tiếc lắm”. 

Những câu chuyện đó cho thấy nhân sự, tổ chức cho thống kê ở không ít cơ quan còn rất lỏng. Đó là chưa nói chuyện những người làm chuyên môn bị hắt hủi, bị ghẻ lạnh. 

Trong một cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước đó, một lãnh đạo Cục Thống kê Phú Thọ kể, cán bộ thống kê địa phương phải chịu rất nhiều áp lực, bị phân biệt đối xử, rồi cô lập khi nói ra những số liệu thật. “Chúng tôi thậm chí phải trả giá khi phải nói những con số thống kê thực cho các cấp lãnh đạo địa phương. Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy bị cô lập, rất cô đơn”, ông nói. 

Những lý do chủ quan trên, cộng với nhiều lý do khách quan khác, làm cho không ít số liệu thống kê rất “yếu và thiếu”, như nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét. 

Khi GDP tăng 25% 

Lấy một ví dụ điển hình là tình hình thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam nhiều năm nay được thống kê là rất thấp, chỉ loanh quanh dưới 2%, tỷ lệ thấp nhất thế giới mà lý do cơ bản nhất là áp dụng phương pháp thống kê quốc tế. 

Theo đó, “người thất nghiệp” bao gồm những người từ 15 tuổi trở lên, khi được hỏi cho biết trong 1 tuần họ đáp ứng tất cả 3 điều kiện: không có việc làm dù chỉ là 1 giờ, sẵn sàng làm việc và đang tìm việc. 

Với thực trạng là 65,6% dân số sống ở nông thôn, di cư ra thành phố cao thì gần như không mấy ai thất nghiệp, dù công việc họ làm có đồng lương chết đói. Một người thất nghiệp chỉ cần nấu một bữa ăn, hay giặt chậu quần áo là coi như có việc làm. 

Tiêu chí như vậy có thể đúng ở các quốc gia phát triển, nơi hệ thống an sinh xã hội được đảm bảo và ghi nhận được ngay những người thất nghiệp. 

Bên cạnh đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng 310,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo điều tra lao động việc làm của GSO. Con số gia tăng này nhỏ hơn rất nhiều so với 1,62 triệu việc làm mới được tạo ra năm 2019. Mà số việc làm mới cũng rất kỳ lạ. Người ta tính toán, cứ tăng trưởng 1 điểm phần trăm thì tạo được 300 ngàn việc làm mới. 

Vấn đề là những con số này – người thì ít mà việc làm mới thì nhiều - đã kéo dài nhiều năm nay, cho thấy tình trạng vênh số liệu như thế nào trong thống kê lao động, việc làm. 

Ví dụ thứ hai là việc tính lại làm GDP tăng hơn 25% vừa qua. Có được mức tăng GDP ở mức kỷ lục này là do phát hiện thêm, bổ sung nhiều loại doanh nghiệp. 

Ví dụ, phát hiện thêm 76.000 doanh nghiệp với tổng doanh thu 2.476 nghìn tỷ đồng; tăng thêm 306 nghìn hộ cá thể có doanh thu 99 nghìn tỷ đồng trong năm 2016. Bổ sung 13 nghìn doanh nghiệp từ danh sách của cơ quan thuế mà chưa có trong báo cáo thống kê, tương ứng 278 nghìn tỷ đồng. Bổ sung 735 doanh nghiệp phần mềm có doanh thu 20 nghìn tỷ đổngnăm 2017; tính thêm các doanh nghiệp quân đội, công an;… 

Cộng tất cả doanh thu của các doanh nghiệp này thì còn lâu mới tương ướng với mức tăng hơn 25% (65 tỷ đô). Vấn đề là doanh thu không được tính vào GDP, mà là giá trị gia tăng VA thường thấp hơn doanh thu. Chính vì những lẽ đó, và nhiều hơn nữa, nhiều chuyên gia mới băn khoăn về tính giải trình của các con số tăng trưởng đó, chứ không phải việc tính toán lại. 

Việc đánh giá lại GDP là bình thường, các quốc gia khác cũng vậy. Năm 2013, GSO cũng đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012 và GDP cũng đã tăng khá cao thời điểm đó. 

Song lần này, tính giải trình của GSO về mức tăng còn khá yếu, làm nhiều chuyên gia kinh tế, học giả bày tỏ băn khoăn. 

GDP được sử dụng để phản ánh thu nhập của nền kinh tế nhưng nó có nhiều nhược điểm như bao gồm cả thu nhập của người nước ngoài (khoảng 18-19 tỷ đô la mỗi năm được chuyển ra nước ngoài; 15 nghìn doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận trước thuế tương tứng 80% của doanh nghiệp trong nướcdn trong nước); các dự án “đắp chiếu” trị giá lên tới hàng trăm nghìn tỷ; không phản ánh được chi phí ô nhiễm môi trường (5%GDP). 

Mặc dù vậy, Quốc hội, Chính phủ dựa vào GDP và các thống kê liên quan để đưa ra các tỷ lệ quan trọng như tổng vốn đầu tư phát triển xã hội, thâm hụt ngân sách, giới hạn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, thu thuế,… 

Đó là chưa nói đến nhu cầu của doanh nghiệp và người dân cần có số liệu tốt để lên kế hoạch làm ăn, phát triển thị trường. 

Cách đây 2 năm, trong một lần gặp báo chí, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từng “rút ruột” nói: “Tăng trưởng kinh tế nói 6,7%, 6,8%, hay 6,9% cũng được nhưng nó ở đâu ấy. Còn ngân sách thì phải ‘tiền tươi thóc thật’, thiếu một đồng là mất cân đối ngay". 

Như vậy, khi GDP tăng thêm 25% sau khi tính toán lại sẽ có tác động không hề nhỏ đến rất nhiều cán cân, cũng như đến điều hành tới đây, cả ở cấp quốc gia, cả ở góc độ của từng doanh nghiệp. 

Tư Giang