Chủ tịch Tập Cận Bình quả quyết: “Không có an ninh mạng đồng nghĩa không có an ninh quốc gia”.

Đổ tiền của vào chiến trường thứ năm

Tháng 3/2016, một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho biết, Bộ Tư pháp Hoa Kì ra thông cáo về việc một người Trung Quốc tên là Tô Bân đã thú nhận tội xâm nhập hệ thống máy tính của nhiều nhà thầu quốc phòng Mỹ, đánh cắp tài liệu kỹ thuật liên quan tới các loại máy bay tiên tiến như máy bay tiêm kích F-22 , F-35 và máy bay vận tải hạng nặng C-17.

{keywords}
Ảnh minh họa

Đây chỉ là một trong những vụ việc Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công vào hệ thống an ninh mạng của Hoa Kì. Trước đó, Trung Quốc cũng bị tình nghi đã tổ chức một cuộc tấn công lớn vào Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM). Vụ tấn công này đã đánh cắp 5,6 triệu dấu vân tay hồ sơ chứng nhận an ninh, mà nếu gắn với số an sinh xã hội và địa chỉ nhà, thì sẽ tương đương hơn 21 triệu người bị ảnh hưởng.

Trung Quốc được xem là cường quốc không gian mạng mặc dù quan điểm, chính sách cũng như lực lượng an ninh mạng của nước này vẫn là một ẩn số.

Như một sự thay đổi để thích ứng với thế giới phẳng, gần đây Bắc Kinh đã công khai sử dụng không gian mạng bày tỏ nhiều hơn về quan điểm, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền lãnh hải. Chủ tịch Tập Cận Bình từng quả quyết công khai : “Không có an ninh mạng đồng nghĩa không có an ninh quốc gia”. Ông nói điều này tại Hội nghị thành lập Tiểu tổ lãnh đạo An ninh mạng và Thông tin hóa Trung ương ở Bắc Kinh hôm 27/2/2014.

{keywords}
Ảnh: shutterstock.com

Không những thế, quốc gia này xác định, an ninh mạng đứng ở vị trí thứ ba trong bốn lĩnh vực an ninh trọng yếu. Vị trí này chỉ sau an ninh biển, không gian vũ trụ và đứng trước an ninh năng lượng hạt nhân.

Cuộc chiến mạng xung quanh Biển Đông

Trung Quốc đã dùng không gian mạng như một công cụ nhằm đạt được mục tiêu trong thế giới thực. Những tham vọng của Trung Quốc đã góp phần gia tăng căng thẳng  toàn diện cả trên mạng và ngoài thực địa. Bắc Kinh đã sử dụng công nghệ kết hợp cùng với các đường lối ngoại giao cho các mục tiêu tham vọng. Đây là nhận định của ông Anni Piiparinen là Trợ lý Chương trình Cyber Statecraft Initiative thuộc Trung tâm An ninh quốc tế Brent Scowcroft của Viện Atlantic Council.

Ông cho rằng Trung Quốc đã sử dụng không gian mạng góp phần vào việc củng cố yêu sách chủ quyền họ đưa ra với quần đảo Trường Sa. Kể cả việc bồi đắp và xây dựng hệ thống sân bay ở các bãi ngầm đang tranh chấp tại khu vực Biển Đông.

Minh chứng là việc các công ty TQ hoạt động về không gian mạng và các biến thể phần mềm độc hại đã tìm cách xâm nhập lén lút vào nhiều hệ thống thông tin của các chính phủ, các tổ chức dân sự và quân sự nhiều quốc gia.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Cụ thể là, tháng 4/2012, tàu tuần tra Trung Quốc neo đậu tại vùng biển gần cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Sau cuộc đối đầu căng thẳng, Philippines đã buộc phải rút tàu về. Đồng thời, tin tặc từ cả hai bên mở chiến dịch phá hủy lớn các trang web chính phủ, truyền thông và trường đại học của nhau. Một đơn vị mạng Trung Quốc xâm nhập thành công vào mạng thông tin của chính phủ và quân đội Philippines, ăn cắp tài liệu quân sự, thông tin liên lạc nội bộ, và các tài liệu nhạy cảm khác có liên quan đến tranh chấp.

Việc Trung Quốc ra sức bồi lấp các đảo nhân tạo và việc quyết định sơ bộ của ủy ban trọng tài trong hồ sơ pháp lý của Philippines chống lại Trung Quốc cho thấy những căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục còn tăng cao. Và các mâu thuẫn này không chỉ diễn ra trong thế giới thực mà chắc chắn sẽ còn diễn ra ở không gian mạng.

Trong một bài viết trên tờ Diplomat, ông Anni Piiparinen đã cảnh báo, phòng thủ mạng vững chắc có ý nghĩa rất quan trọng đối với khả năng bảo vệ an ninh thông tin quốc gia nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay. Cũng trong bài viết này, ông đã nhận xét, khả năng mạng của một số nước ASEAN vẫn chưa đủ mạnh.

Với những cảnh báo đó, ông Piiparinen góp ý, các nước ASEAN cần đặc biệt lưu tâm về tính cấp bách của không gian mạng. Đặc biệt liên quan đến chuyện Biển Đông. Do vậy, các chính phủ cần gia cường nguồn lực phát triển các kiến trúc phòng thủ mạng hiện đại hơn.

ASEAN cũng cần phối hợp xúc tiến cơ chế chung về an ninh mạng vững chắc hơn để giảm thiểu các mối đe dọa mạng từ Trung Quốc. Từ đó xây dựng hệ thống dữ liệu, chia sẻ thông tin thường xuyên, đặt dưới sự chỉ đạo của Ban thư ký ASEAN hoặc hoạt động độc lập như một ASEAN-CERT dưới sự bảo trợ của CERT khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), mà Trung Quốc cũng tham gia cần phối hợp để cho ra bằng được bộ quy tắc ứng xử khu vực và xây dựng lòng tin đối với không gian mạng, thúc đẩy minh bạch và thực hiện các nỗ lực cho cả cộng đồng khu vực.

Diễn đàn Toàn cầu Boston do Giáo sư Michael Dukakis Cựu ứng cử viên Tổng Thống Mỹ làm Chủ tịch, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng với  Giáo sư Joseph Nye, Giáo sư Jose Barroso (Cựu Chủ tịch Châu Âu, Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha), và các Giáo sư ở các trường đại học hàng đầu thế giới ở Harvard, MIT, Princeton, UCLA, Brown, đã đưa ra một chương trình hợp tác với chính phủ Nhật Bản nhằm xây dựng “Sáng kiến chống khủng bố mạng” cho Hội nghị thượng đỉnh G7 qua nhiều cuộc đối thoại với các GS và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng trên thế giới.

Lan Anh