"Việt Nam có một cấu trúc y tế vượt quá cả sự mong đợi ở ngay các nước phát triển như Mỹ, Canada, hay nước láng giềng Malaysia."

2014 tiếp tục là năm ngành y tế cần thay đổi triệt để bởi những vấn đề nổi cộm của năm cũ đã chạm mức nguy hiểm. Bốn vấn đề chính cần được lựa chọn để tập trung sức lực năm nay bao gồm: quá tải, y đức xuống cấp, sai sót chuyên môn và thu nhập.

Với đặc thù quản lý theo cả chiều ngang và dọc, gánh nặng không thể đặt hết lên vai Bộ trưởng, mà phải được chia sẻ trách nhiệm từ các lãnh đạo tỉnh, thành phố, và những người đứng đầu các Sở y tế. Chính phủ cũng phải có sự cam kết hỗ trợ về chính sách và nguồn lực.

Thích... quá tải

Đầu tiên, xin bàn giải pháp gỡ câu chuyện quá tải.

Chuyện quá tải đang diễn ra không đều, theo các cấp độ và theo chuyên ngành.  Trong khi hầu hết lãnh đạo tại các cơ sở y tế quá tải tiếp tục than phiền tình trạng này thì quá hiếm hoi dám dũng cảm thừa nhận rằng quá tải lại là tình trạng được ưa thích và mong muốn được gìn giữ bởi nó đồng nghĩa với...  tăng thu nhập, nâng cao uy tín, và thu hút thêm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực.

Vấn đề nằm ở sự phân bổ và tận dụng nguồn lực chứ không phải sự thiếu thốn cơ học. Chưa có thống kê tin cậy nào chỉ ra rằng đang có một lượng lớn các bác sĩ ra trường không có việc làm, chuyển sang làm trình dược viên cho các hãng thuốc, hãng sữa, thực phẩm chức năng, hoặc làm không lương tại các cơ sở y tế lớn, hoặc chạy sô làm thuê tại các phòng khám tư nhân. Tình trạng thất nghiệp tương tự cũng xảy ra với đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh mới ra trường.

{keywords}

Hầu hết lãnh đạo tại các cơ sở y tế quá tải tiếp tục than phiền tình trạng này thì quá hiếm hoi dám dũng cảm thừa nhận rằng quá tải lại là tình trạng được ưa thích và mong muốn.

Chắc chắn các BV tuyến tỉnh, TƯ và một số chuyên ngành nóng như Sản, Ngoại, Nhi, Mắt không thiếu nhân lực bởi quá nhiều người xếp hàng xin vào trong khi các chuyên ngành Tâm thần, Truyền nhiễm, Lao lại không đủ người.

Rất nhiều BV cấp huyện thiếu bác sĩ. Trong khi vẫn rất nhiều người  được phân bổ cho các trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế mà các vị trí này hoặc không cần thiết, chồng chéo, hoặc hoàn toàn có thể đảm nhận bởi các cử nhân y tế công cộng. Chưa kể làn sóng dịch chuyển của cán bộ y tế lên tuyến cao hơn.

Nguyên nhân tiếp theo dẫn tới quá tải là do thiếu tin tưởng trình độ của y tế cơ sở. Phải thẳng thắn mà nói rằng các bệnh viện tuyến cuối đang làm thay phần việc của các cơ sở y tế tuyến đầu. Đó không nên là một sự hãnh diện. Hoàn toàn bất hợp lý khi các trường hợp bệnh tật đơn giản lại nhất thiết phải khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối.

Sản phụ được dán nhãn... xanh, vàng, đỏ

Vậy xử lý chuyện này có đến nỗi bế tắc?

Thực tế, ngành y có một di sản tuyệt vời để lại là cấu trúc mang lưới chăm sóc sức khỏe.

Đặc thù của cấu trúc này là hệ thống y tế công được phân cấp theo quản ly‎ hành chính từ TƯ đến địa phương. Tuyến xã có trạm y tế xã, tuyến huyện có các trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện, và trung tâm y tế dự phòng. Tuyến tỉnh có BV đa khoa, một số BV chuyên khoa và nhiều trung tâm. TƯ có các BV đa khoa và chuyên khoa. Ngoài ra còn có BV vùng và khu vực. Cấu trúc này tại VN lại được tăng cường mạnh hơn rõ rệt bởi mạng lưới cộng tác viên y tế, dân số, và y tế thôn bản phủ khắp mọi khu vực, kể cả vùng sâu vùng xa.

Nếu tất cả được vận hành trơn tru, sẽ góp phần giảm tải. Cấu trúc này của Việt nam vượt quá cả sự mong đợi ở ngay các nước phát triển như Mỹ, Canada, hay nước láng giềng Malaysia. Trách nhiệm chính vận hành cấu trúc này, không phải thuộc về Bộ Y tế, mà là UBND và các sở y tế.

Có vẻ, nhiều năm rồi, chúng ta đang đi theo một con đường đầu tư sai. Nghĩa là khi thấy một bệnh viện tuyến cuối quá tải, các nguồn kinh phí, nhân lực tiếp tục đầu tư vào đó để giải quyết. Điều này càng làm mất cân đối.

Các chuyên gia nước ngoài luôn tỏ ra hết sức kinh ngạc khi biết rằng có những bệnh viện Phụ sản tại Việt nam có số sản phụ sinh 30,000 - 40,000, trong khi các nhà hộ sinh ngay cạnh đó chỉ có số sinh 1000 - 2000 hàng năm mà chất lượng chuyên môn dành cho đẻ thường không thua sút là bao.

Cần phải có tư duy khác. Thay vì đầu tư thêm vào các bệnh viện quá tải, hãy để chúng tự vận động. Bởi bản thân các cơ sở y tế quá tải này thừa sức tìm nguồn đầu tư phát triển hợp ly về cả trang thiết bị và nhân lực.

Nguồn đầu tư công của nhà nước cần và nhất thiết tập trung vào các cơ sở y tế thấp hơn, cụ thể phải là tuyến huyện và xã, để có thêm trang thiết bị, cải tạo cơ sở hạ tầng, thu hút bệnh nhân và nhân lực y tế. Đối với tuyến tỉnh, ưu tiên chỉ tập trung cho một số chuyên ngành có tỷ lệ chuyển tuyến cao nhất, ví dụ ung bướu, ngoại khoa. Đây là giải pháp gốc, bởi một khi các đơn vị này có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì sẽ không người bệnh nào muốn vượt tuyến để nhận sự vất vả và tốn kém.

Thêm vào đó, nên phát triển các BV vệ tinh, trong các chuyên ngành tương đối sâu và mức độ quá tải cao như ung bướu, ngoại khoa, nhi hay mắt. Sự phát triển các BV vệ tinh là sự ràng buộc trách nhiệm, và chia sẻ nguồn lực thực tế nhất của tuyến trên và dưới.

Bắt buộc phân tuyến và phân luồng bệnh nhân là một giải pháp mang tính tình thế, nhưng thực sự khả thi để đạt cả 2 mục đích chống quá tải và tăng cường năng lực tuyến dưới.

Thông tư về chuyển tuyến đã được xây dựng hơn 2 năm nay, nhưng lại chưa thể ban hành, trong đó quan trọng nhất là việc không chấp nhận các bệnh viện tuyên cuối lại điều trị các bệnh thông thường mà tuyến đầu có thể thực hiện. Bộ trưởng Y tế đã khẳng định có tới 60% bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối mà không cần thiết, vì thế nếu quyết liệt thực hiện, vấn đề quá tải rõ ràng có thể được giải quyết.

Điểm mấu chốt nằm ở tuyến cuối, chứ không phải tuyến đầu. Sự ngại ngùng rằng các bệnh viện tuyến đầu có thể giữ bệnh nhân để tăng nguồn thu là không hợp lý, bởi nỗi lo không đảm trách nổi về mặt chuyên môn còn nặng nề hơn nhiều. Các bài học này có thể nhìn thấy rõ rệt nhất ở hai nước láng giềng là Thái lan và Malaysia khi các bệnh viện bậc cao, kể cả tư nhân, chỉ làm các kỹ thuật tương xứng. Ví dụ biện pháp rất đơn giản và hiệu quả tại Malaysia, sản phụ mang thai được khám và phân loại từ đầu theo mức độ nguy cơ, được dán nhãn xanh, vàng, đỏ theo mức độ nguy cơ và được phân luồng theo dõi và sinh đẻ theo các mức độ này tại các cơ sở y tế khác nhau.

Cuối cùng, có thể kể thêm nhiều giải pháp hỗ trợ để chống quá tải, bao gồm phát triển y tế tư nhân trong sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ, xây dựng và thử nghiệm hệ thống bác sỹ gia đình và hệ thống đặt lịch hẹn đến khám, đồng thời sử dụng các biện pháp tuyên truyền để khuyến khích người dân khám bệnh định kỳ thay vì chỉ khi đã phát hiện bệnh nặng. Mô hình phục vụ sẽ bao gồm sự kết nối từ hệ thống BS gia đình, hệ thống y tế tư nhân, hệ thống BS chuyên khoa, và hệ thống bệnh viện. Mô hình này sẽ giúp giảm tải rõ rệt tại các bệnh viện, và đặc biệt sẽ sử dụng tốt nhất quyền lợi BHYT của dân.

(Còn nữa)

Những người bước chân vào ngành y lại cần hiểu rằng ngành y chưa bao giờ là một ngành để làm giàu, ngay cả khi họ làm việc ở các quốc gia phát triển.

Xem tiếp bài 2 bàn giải pháp nâng cao y đức và chuyện thu nhập trong ngành y tế

Nguyễn Công Nghĩa

(TS, BS Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hiện đang nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu y học Propel, Đại học Waterloo, Canada)