Tết ở “nhóm” nào, đi chơi hay đi ăn…? Có người trả lời ngay: “Bây giờ ăn nhậu lễ lạt liên hoan đồng hương họp lớp quanh năm rồi, ai còn thiết ăn nữa!”.

Nhà có khi một con gà phải chia đôi cho vào ngăn đá, một nửa ăn chiều ba mươi, nửa kia mùng ba nấu đồ cúng đưa ông bà. Có phải chỉ có gà thôi đâu, măng miến, bánh chưng, thịt kho hột vịt, giò chả… nữa. Bụng đâu mà ăn. Mở mạng ra mà coi, bên cạnh công thức nấu cỗ linh đình, bên góc vẫn có quảng cáo “Cách ăn giảm cân nhanh nhất”. Thế có phải là chưa kịp sướng được ăn thì đã phải tính ngay đến hậu quả đó không?

Nhìn các quảng cáo du lịch mà thấy ham. Năm nay xu hướng là đi nhóm đông và ngắn ngày. Còn các gia đình đi “trốn tết cỗ bàn” thì đã lo đăng ký vé từ lâu. Thấy máy bay rơi nhiều cũng “ớn”, nhưng rồi người ta gạt đi ngay, rằng đã có nghiên cứu rồi, so với các phương tiện giao thông khác thì đi bằng máy bay là an toàn nhất. Thế nên cứ đi, sống chết có số.

Nhưng đừng tưởng phái “đi chơi” không nghĩ tới ăn nhé. Vẫn phải làm cỗ cúng ông bà tổ tiên xong, cúng thổ công thổ địa xong, thì mới đi. Chứ có phải nói đi là “xách balô lên rồi đi” luôn được đâu.

Thế nên, đi hay ăn, phái nào cũng phải lo cỗ tết. Đấy là chưa kể trước tết lên mộ người thân cúng kiếng đàng hoàng. Mâm cỗ cũng vẫn phải “bắt buộc có tết” như là ở nhà. Bánh chưng bánh tét hiển nhiên rồi. Cỗ Bắc thì bị ràng buộc như ngày xưa theo công thức của ông bà, riêng món nấu cũng phải… tám thứ. Nào là chân giò nấu măng, bóng bì, mực nấu su hào, nấm thả giò sống, vây cá, chim hầm, gà tần, miến gà… (không biết nhà nghèo thì phải như thế nào). Rồi cỗ miền Trung công phu tỉ mỉ kiểu gà tiềm, bò nấu thưng… và bày ra đĩa thì xanh đỏ hình đuôi công đầu rồng, nhìn đẹp đến… không nỡ xắn ra ăn tác phẩm nghệ thuật. Cỗ Nam thì phong phú, thịt kho trứng, nồi khổ qua… Dù thời đại mới cải tiến tùy hỷ gì cũng phải có chút hương vị xuân…

{keywords}

Những món “công thức” đó phải có mới ra tết. Quanh năm bò nướng lá lốt, cá chép hấp bia, đi quán Nhật quán Hàn rồi. Tết thì phải ra tết.

Thế nên, những người “trời ơi, sao nghỉ dài ngày quá vậy, đất nước nghèo mà ăn chơi” – miệng kêu lên nhưng vẫn phải ăn, vẫn phải đi chơi. Chứ nằm cả chín, mười ngày ở nhà thì… chết chứ còn gì. Thế nên, dù thích hay không, vẫn phải đi, vẫn phải ăn.

Còn phái “về quê” nữa, tạm gọi là phái “vừa đi vừa ăn”. Chẳng đúng là gì? Chen tàu xe bẹp ruột nhé, đó là đi. Còn về quê, làm sao không ăn được? Ăn liên tục ấy chứ. Mà cỗ ở đâu, đến nhà ai cũng “sao y bản chính”.

Không tin cứ thử ăn tết Hà Nội xem, đi nhà nào cỗ cũng thế. Thịt gà thịt đông, bánh chưng, dưa hành, chả giò, nồi canh măng to đùng… Cứ nói nước nghèo, người đói ăn áo rách ở mãi tận miền núi miền xa ở đâu ấy chứ, nhìn thành phố xem, đố có ai không rơi vào một trong ba nhóm: Nhóm “ăn tết”, nhóm “đi du lịch chơi tết” và nhóm “vừa đi vừa ăn”…

Nếu không thế thì còn đâu lễ tết cổ truyền?

Quảng Yên (theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại.