Đặt Sở GDCK mới tại Hà Nội cùng đồng nghĩa với việc phải xây dựng xung quanh nó một hệ thống giúp việc, một phố Wall tại Hà Nội, điều mà TPHCM đã sẵn có.

Như vậy là sau gần 2 năm tranh cãi, Bộ Tài Chính đã trình phương án lên cho Thủ tướng chính phủ về việc sẽ thành lập Sở Giao Dịch Chứng Khoán (GDCK) Việt Nam[1] (trên cơ sở hợp nhất hai Sở Giao Dịch Chứng Khoán TPHCM – HSX – và Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội – HNX). Nếu chiếu theo phương án này, HSX trong tương lai sẽ trở thành một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của HNX.

Đã có rất nhiều ý kiến phản biện đối với phương án này[2], trong đó không ít tập trung ở quan điểm rằng nếu phải hợp nhất thì trụ sở của Sở GDCK mới phải được đặt ở TPHCM, là nơi khai sinh ra thị trường chứng khoán, và cũng là nơi có thị trường vốn hoạt động nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, ở một mặt khác, Bộ Tài Chính có lý do của mình khi mong muốn đặt Sở GDCK mới tại Hà Nội để phục vụ cho yêu cầu quản lý.

Câu chuyện nên đặt Sở GDCK trung tâm ở đâu, hay có nên chuyển thị trường vốn về trung tâm hay không, không phải là một câu hỏi mới mẻ trên thế giới. Người Đức từ nhiều thế kỷ trước đã phải đối đầu với bài toán này.

{keywords}

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM được xây dựng hiện đại. Ảnh: Tấn Thạnh/ Người Lao động

Câu chuyện nước Đức: Để thị trường trả lời

Tại Đức hiện nay, Sở GDCK đầu tàu hiện được đặt ở Frankfurt (Frankfurt Börse) thay vì tại thủ đô Berlin, hay thành phố lớn München, hay Hamburg (nơi có trung tâm GDCK cổ nhất nước Đức). Frankfurt còn là nơi đặt trụ sở của Deutsche Bundesbank (Ngân hàng trung ương Đức) và BaFin (có chức năng như ủy ban giám sát chứng khoán của Đức).

Tuy nhiên, vị trí của Frankfurt Börse đã từng trải qua rất nhiều thử thách. Khai sinh từ năm 1585, nơi đây từng là trung tâm GDCK nhộn nhịp nhất nước Đức cho đến khoảng cuối thế kỷ 19 khi nước Đức thống nhất lần đầu tiên. Để chứng tỏ sự uy quyền của Nhà nước trung ương, Nhà nước Đức lúc bấy giờ đã có những chính sách để dần biến Berlin trở thành không chỉ là trung tâm chính trị của quốc gia mà còn là đầu tàu kinh tế, tài chính. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng mọc lên, đồng nghĩa với thị trường vốn ở Berlin diễn ra nhộn nhịp và vị trí của Berliner Börse dần lấn át vị trí của Frankfurt Börse.

Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, chính trị và lịch sử lại một lần nữa đặt “ngọn cờ” vào tay Frankfurt và Sở GDCK tại đây. Berlin bị chia cắt thành hai phần, phía Tây thuộc về CHLB Đức và phía Đông thuộc về CHDC Đức. Sự bất ổn về chính trị của Berlin lẫn vị trí địa lý "đặc thù" (Berlin nằm trong lòng CHDC Đức nhưng có 1/2 lãnh thổ thuộc về CHLB Đức) cũng khiến các nhà đầu tư, tài chính phải tìm kiếm một giải pháp thay thế. München, Hamburg và Frankfurt nổi lên như những ứng cử viên.

Thế nhưng, trong khi München quá gần gũi với nước Áo lúc bấy giờ vẫn chưa xác định rõ lập trường theo phe Đông Âu hay độc lập, Hamburg thì lại thiếu các cơ sở vật chất về tài chính, Frankfurt hội đủ những yếu tố cần, cả về cơ sở vật chất, truyền thống, vị trí địa lý trung tâm, lẫn kinh nghiệm. Từ đó, Frankfurt và Sở GDCK của nó cất cánh và trở thành đầu tàu về tài chính cho nước Đức.

Khi Đức thống nhất vào năm 1991, câu hỏi lại được đặt ra rằng liệu một lần nữa, Berlin nên được khuyến khích để trở thành đầu tàu kinh tế hay không. Tuy nhiên, khác với một thế kỷ trước, lần này người Đức đã quyết định để câu hỏi đó cho thị trường trả lời. Họ quyết định duy trì vị trí đầu tàu cho Frankfurt Börse vì tính ổn định, lâu dài, cơ sở vật chất và kinh nghiệm của Sở này.

Năm 2002, nước Đức khẳng định cam kết lâu dài với Frankfurt bằng cách thành lập BaFin ngay tại thành phố này. Đặt BaFin tại Frankfurt thay vì Berlin cũng là cách làm quen thuộc của người Đức với mong muốn tách bạch chính trị ra khỏi việc quản lý thị trường vốn và hoạt động ngân hàng. Nó tương tự như cách họ đặt Tòa án Hiến pháp Liên bang tại Karlsruhe thay vì Berlin hay Bonn để đảm bảo tính độc lập với chính trị cho các thẩm phán nơi đây.

“Phố Wall” tại Hà Nội có hợp lý?

Như vậy, một ví dụ của nước Đức để cho chúng ta thấy rằng đặt trung tâm của thị trường vốn ở đâu phù thuộc vào nhiều yếu tố mang tính thị trường và chuyên môn chứ không đơn thuần là do nhu cầu quản lý. Có rất nhiều thủ đô trên thế giới vừa là trung tâm chính trị, vừa là đầu tàu kinh tế như London, Tokyo, Paris, Seoul v.v… Nhưng cũng có rất nhiều quốc gia chọn thủ đô như một trung tâm hành chính, trong khi đầu tàu kinh tế lại được đặt ở nơi khác như Mỹ (Washington DC – New York), Hà Lan (Den Haag – Amsterdam), Úc (Canberra – Sydney) v.v…

Lựa chọn như thế nào đa phần cũng xuất phát từ yếu tố lịch sử và nhu cầu của thị trường chứ không phải phục vụ cho công tác quản lý. Hiếm có quốc gia nào lựa chọn đưa đầu tàu kinh tế, tài chính về thủ đô vì mục tiêu chính "dễ quản lý", nhất là trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay (ngược lại, đưa chính trị ra xa khỏi các đầu tàu kinh tế thì có rất nhiều ví dụ).

Cần phải khẳng định rằng, nếu đưa Sở GDCK mới về Hà Nội thì trong tương lai, Hà Nội sẽ thay thế TPHCM trong vai trò đầu tàu về tài chính, thị trường vốn. Nhưng đó không phải là chuyện một sớm một chiều, mà trái lại sẽ có thể rất tốn kém và mất thời gian, bởi lẽ Hà Nội sẽ phải học lại những gì mà TPHCM hiện đang sở hữu. Đặt Sở GDCK mới tại Hà Nội cùng đồng nghĩa với việc phải xây dựng xung quanh nó một hệ thống giúp việc (các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư), một phố Wall tại Hà Nội, điều mà TPHCM đã sẵn có.

Đồng thời, Hà Nội cũng phải xây dựng một đội ngũ môi giới chứng khoán chuyên nghiệp để giúp thị trường vận hành trơn tru. Tóm lại, để phục vụ cho công tác quản lý hoặc để giúp cho thủ đô trở nên bề thế hơn không phải là một việc dễ dàng và rất cần những quyết sách hợp lý.

Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ tham vọng biến Hà Nội thành đầu tàu kinh tế của những nhà lãnh đạo thủ đô. Tham vọng này suy cho cùng sẽ rất đáng quý nếu nó được đặt trong bối cảnh cạnh tranh công bằng giữa các địa phương và để cho thị trường quyết định, chứ không phải là được thực hiện thông qua mệnh lệnh hành chính.

Đưa Sở GDCK mới về Hà Nội để dễ quản lý và vì lý do nào khác đi nữa cũng là một quyết định sẽ vấp phải nhiều chỉ trích. Bởi, nguyên lý cốt lõi của nền kinh tế thị trường đó chính là nhu cầu ở đâu thì hàng hóa ở đó, hàng hóa ở đâu thì thị trường ở đó, thị trường ở đâu thì Nhà nước quản lý tại đó.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

----- 

[1] Giọt nước mắt của chứng khoán, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 11/4/2015.

[2] Sao lại đưa “Phố Wall” ra Hà Nội?! , Người Lao động, 16/4/2015.