Không khó để thấy, người dân đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ thế nào về việc dùng tiền thuế của dân để khắc phục sai lầm từ việc lạm quyền.

Ngày 28/11/2015, Công an tỉnh Bình Thuận công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén- “người tù thế kỷ”.

Những con số “biết nói” trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự hồi tháng 6/2015 đã cho thấy mức độ nghiêm trọng.

Riêng ba năm qua, có đến 71 người bị oan và nhiều người khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét [1]. Người dân không khỏi bàng hoàng với “nỗi oan thấu trời xanh” của vụ án Nguyễn Thanh Chấn, của 07 thanh niên bị bắt giam oan tại tỉnh Sóc Trăng, và gần đây nhất là vụ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén…

{keywords}
"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén đã được tại ngoại. Ảnh minh họa: tintuc.vn

Người viết chia sẻ sâu sắc với ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa khi cho rằng: “Nguồn gốc của oan sai chính là thói quen bạo hành thay vì đấu trí và đấu lý, não trạng “suy đoán có tội” thay vì kỹ năng nghi ngờ hợp lý và tấm lòng công tâm…”[2]

Các vụ án oan sai, được mổ xẻ công khai, đa phần đều có điểm chung là bị ép nhận tội do không chịu được sức ép thể xác và tâm lý của hành vi bức cung, mớm cung, nhục hình của cơ quan điều tra.

Đây là hệ lụy của cơ chế để bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nghi can trong các vụ án vẫn còn yếu và thiếu. Và, hệ thống pháp luật tố tụng hình sự lạc hậu, bảo thủ đã tạo ra nhiều không gian cho sự lạm quyền.

Trả giá bằng niềm tin

Cái giá đầu tiên phải trả cho những bản án oan, sai là số phận bất hạnh của những người vô tội bị cưỡng ép vào vòng lao lý. Nguyễn Thanh Chấn 10 năm, Huỳnh Văn Nén hơn 17 năm và còn bao nhiêu người vô tội bị vướng vòng lao lý do lạm quyền nữa?

Không chỉ có cá nhân họ, mà gia đình họ, những người bị hàm oan cũng bị rơi vào bế tắc, ly tán theo.

Trong bối cảnh ở ta, dường như những bản án oan, sai càng trở nên đắt đỏ. Báo cáo của Bộ Tài Chính, năm 2015 cho biết, số tiền ngân sách chi bồi thường trong các trường hợp làm oan, sai đến thời điểm này là 16,4 tỷ đồng [3], tương đương thu nhập một năm làm việc ròng rã của khoảng 400 người Việt.

Không quá khó để thấy người dân đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ thế nào về việc dùng tiền thuế của dân để khắc phục sai lầm từ việc lạm quyền.

Không quá khó để thấy, cái giá phải trả cho sự lạm quyền đó đã tác động vào niềm tin của người dân với người thực thi công lý và tính nghiêm minh của pháp luật như thế nào. Một khi pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật không còn là tấm khiên bảo vệ công lý sẽ là cơ hội cho cách hành xử bản năng.

Vừa qua, giới chuyên gia, luật sư, công luận và các vị ĐBQH đã yêu cầu qui định rõ trách nhiệm bồi thường nhà nước phải theo hướng thể hiện rõ thiện chí, sự chủ động; phải quy định cụ thể trong việc truy cứu trách nhiệm (cả chính trị lẫn vật chất) của những người gây nên oan, sai, kể cả người đứng đầu…

Tại kỳ họp vừa kết thúc, QH thông một loạt qui định mới nhằm hạn chế tối đa oan, sai như: công nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo; bắt buộc ghi âm, ghi hình trong một số trường hợp có nguy cơ dẫn đến hành vi ép cung, mớm cung,… ở giai đoạn điều tra; tạo điều kiện cho nghi can đượp tiếp cận quyền trợ giúp pháp lý của luật sư bằng việc bỏ thủ tục “cấp giấy chứng nhận đăng ký bào chữa” thay bằng quy định “đăng ký bào chữa”.

Trước đó, ngay sau khi QH ban hành Nghị quyết giám sát tình hình oan, sai trên toàn quốc, Ủy ban Tư pháp của QH đã tổ chức giám sát trực tiếp quá trình xử lý các vụ oan, sai nghiêm trọng.

Phía lập pháp coi như đã xong, giờ người dân đang chờ đợi các động thái tiếp theo của bên hành pháp. Việc chi tiết hóa các qui định mới, công bố lộ trình triển khai càng nhanh thì qui định mới càng sớm đi vào cuộc sống.

Báo cáo tháng 6/2015, Đoàn giám sát của QH đã phát hiện 1.653 bị cáo được cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại, trong đó nguyên nhân do chưa đủ căn cứ kết tội là 629 bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội là 186 bị cáo, sai tội danh là 110 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng là 190 bị cáo.

Giai đoạn 2013-2014 có 240 quyết định khởi tố vụ án và 1.213 yêu cầu khởi tố vụ án của các cơ quan điều tra bị hủy bỏ do chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, chứng cứ không đầy đủ. Ngoài ra, tình hình lạm dụng một cách tùy tiện việc tạm giam, tạm giữ hình sự diễn ra với số lượng lớn.

Báo cáo cũng cho biết, có 4.998 người đã bị bắt tạm giam, tạm giữ hình sự nhưng sau đó phải chuyển sang xử lý hành chính.

Lưu Minh Sang, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.

---

[1] Quốc hội thảo luận về oan, sai và bồi thường oan, sai trong tố tụng, Baochinhphu.vn, 05/06/2015.

[2] Công lý tuy chậm còn hơn không, Tuổi trẻ online, 30/11/2015.