Nếu chúng ta không có cái nhìn tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt trong tư duy mà trái lại còn cưỡng ép và áp đặt thì cũng dễ trở thành kỳ...cục.

1. Cái áo “truyền thống văn hóa” đã quá cũ?

Cứ ngỡ sự việc CLB bóng đá M.C sang Việt Nam thi đấu giao hữu với đội tuyển quốc gia vừa rồi là một sự kiện vui, thế mà chỉ vì cái nghi lễ khai mạc rườm rà, rồi chuyện một số người vì thiếu bình tĩnh tung lên mạng video clip với hàm ý hờn giận, trách cứ các cầu thủ M.C thiếu thân thiện đã làm hỏng mọi thứ... Thậm chí chuyện này giờ đây đã làm cho hình ảnh Việt Nam ít nhiều bị sứt mẻ chứ không như kỳ vọng của những người đứng ra tổ chức trận đấu, muốn thông qua sự kiện này để quảng bá hình ảnh của đất nước ra bên ngoài.

Hoàn toàn không phải té nước theo mưa nhưng qua sự việc trên một lần nữa phải nói rằng, lâu nay chúng ta cứ hô hào phải thay đổi tư duy để hội nhập, vậy mà xem ra nhiều người vẫn còn đang mải mê ngụp lặn trong cái “ao làng” mà chưa biết bao giờ mới đủ tự tin bơi ra biển lớn. Tại sao như vậy? Phải chăng đây là một trong những tấm áo choàng có tên gọi “truyền thống văn hóa dân tộc” nhưng giờ đã quá chật, quá cũ và không còn phù hợp trong xu thế hội nhập ngày nay? Và nhiều người dù đã nhận ra từ lâu nhưng lại không đủ dũng khí để thay đổi?

Nói cách khác, phải chăng đây cũng là một kiểu tư duy đã ăn sâu vào máu của nhiều người Việt - một hội chứng mà nói như một câu thơ “ta là ta mà ta cứ mê ta”?

{keywords}

Các ngôi sao Arsenal đội nón lá khi đến VN thi đấu giao hữu năm 2013. Ảnh: Infonet

2. Từ chuyện ép người khác nói lời... khen

Nếu chịu khó quan sát, sẽ thấy mỗi khi có một nhân vật nổi tiếng nào đó lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất hình chữ S là y như trên mặt báo lại xuất hiện những bài viết, trong đó không bao giờ thiếu những câu hỏi, đại loại như: Ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân lên đất nước chúng tôi là gì? Ông đã thưởng thức món ăn của Việt Nam chưa, món nào ông thích nhất? Cô có nghĩ là lần sao sẽ quay lại Việt Nam nữa không?...

Có thế nói, tất cả những câu hỏi trên, dù vô tình cũng ít nhiều đã có ý mớm và ép người bạn mới quen phải nói lời khen Việt Nam chứ không thể nào khác được. Bởi, thử hỏi có du khách nào lần đầu đến một đất nước xa lạ mà không muốn lấy lòng các “ông chủ, bà chủ” của đất nước ấy bao giờ?

Thế là như một nguyên tắc ứng xử mang tính ngoại giao thông thường nhất, những du khách lần đầu đến Việt Nam khi được hỏi như vậy đương nhiên sẽ trả lời: Đất nước Việt Nam của các bạn thật đẹp, thật tuyệt vời; Con người ở đây rất thân thiện; Món ăn của các bạn rất ngon; Tôi thích nhất là món phở; Tôi yêu đất nước này; Tôi yêu con người ở đây, chắc chắn tôi sẽ còn quay lại đây...

Là người Việt, dĩ nhiên ai không cảm thấy sướng và tự hào khi nghe những lời khen ngợi như thế? Vì nói cho cùng ở đời ai không thích người khác khen mình, nhưng thích khen đến mức ép người khác phải nói lời khen, kiểu như “hãy nói yêu Việt Nam đi” thì có khi là... bệnh chứ không phải trạng thái tâm lý yêu, thích bình thường nữa.

Cho nên, nếu “ông chủ, bà chủ” nào tinh tế và khôn ngoan, sẽ không để mình bị “chết chìm” trong những lời khen mang tính ngoại giao kia. Và sẽ càng khôn ngoan hơn nữa nếu biết giữ được sự bình tĩnh và nhìn lại mình trong trường hợp có du khách nào đó nói thật những suy nghĩ của họ rằng: Tôi không thể nào ăn được món ăn của VN vì nó không hợp với khẩu vị của tôi. Hay “đường phố ở Việt Nam quá dơ bẩn”, “giao thông Việt Nam quá hỗn loạn”, “tôi không thể tưởng tượng người Việt lại ăn thịt chó” ...

3.  Đến văn hóa “kính thưa...”

Thật ra, chuyện “kính thưa...” và giới thiệu đại biểu là một nghi thức không thể thiếu trong bất kỳ cuộc hội, họp nào. Và chuyện này diễn ra ở các nước trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, sở dĩ vừa rồi cái nghi thức này ở Việt Nam đã trở thành đề tài mai mỉa cho giới truyền thông thế giới (trong khi đưa tin về trận đấu giao hữu tuyển VN và CLB MC vừa rồi) nói cho cùng cũng là do cái chứng bệnh quá yêu mình, quá mê mình của nhiều người Việt mà ra.

Trong các buổi lễ thay vì giới thiệu một hoặc hai nhân vật quan trọng và có vai vế hoặc không là người chủ xị cuộc họp, cuộc chơi, thì ở VN người ta lại liên tục “kính thưa tất cả các thể loại... kính” mà chẳng thèm quan tâm đến cảm xúc thậm chí sự khó chịu của vô số những người tham dự.

Vậy thì cái văn hóa kính thưa này của người Việt có nguyên nhân từ đâu? Ở góc nhìn văn hóa, theo thiển ý của người viết thì chính cái thói háo danh và sĩ diện hão là một trong những nguyên nhân làm nẩy sinh và duy trì của cái văn hóa "kính thưa" này của người Việt.

Thực tế cho thấy có không ít vị khách mời khi đến tham dự nhưng vì lý do nào đó không được ban tổ chức xướng tên lên trong màn “kính thưa” và giới thiệu đại biểu hay nếu xướng tên lên mà không kèm theo chức danh, chức vụ đã tỏ thái độ hờn giận và không hài lòng. Có khi đơn vị và ban tổ chức sau đó phải đến năn nỉ xin lỗi nếu không muốn gặp rắc rối này nọ...

Cho nên, với những trường hợp như lễ khai mạc trận đấu giao hữu vừa rồi, có khi cũng nên thông cảm cho những người trong BTC. Thật ra, không phải họ không biết chuyện “kính thưa” dài dòng này sẽ gây nên sự khó chịu cho những khách mời nhất là các vị khách mời quốc tế. Nhưng có lẽ vì sợ làm phật lòng các vị chức sắc và nhất là chưa đủ dũng khí để rũ bỏ tấm áo choàng “truyền thống văn hóa” đã cũ kỹ nên họ buộc phải theo nếp cũ mà làm?

4. Thay lời kết

Người Việt có câu "tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa". Dẫu biết rằng các vị khách ngoại quốc khi đến Việt Nam phải “nhập gia tùy tục” nhưng nếu chúng ta không có cái nhìn tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt trong tư duy mà trái lại còn cưỡng ép và áp đặt họ thì cũng dễ trở thành kỳ...cục.

Đặc biệt, nếu muốn hội nhập sâu rộng với bạn bè năm châu bốn biển thì những vấn đề, các quy tắc và luật lệ của những cuộc chơi mang tầm quốc tế, những giá trị văn hóa mang tính phổ quát của nhân loại nhất định chúng ta phải tuân thủ. Đừng chủ quan và bảo thủ để rồi vô tình gây nên những hiệu ứng ngược làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Nguyễn Trọng Bình