"Nhiều người có thói quen lạ, luôn đọc báo chùa, luôn đi xin vé xem nghệ thuật. Tôi chống lại những người đến các buổi ra mắt chỉ để xin sách. Vừa rồi nhạc sĩ Trần Tiến nói sẽ tặng tôi vé xem chương trình biểu diễn của anh ấy, nhưng tôi cương quyết từ chối. Nên tạo thói quen, muốn hưởng thụ nghệ thuật là phải bỏ tiền ra mua, không thể miễn phí được."- Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Tiếp mạch bài bàn về cách thắp sáng đèn cho các nhà hát, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với hoạ sĩ Lê Thiết Cương.

Anh có nghĩ rằng văn hoá nhà hát đang bị lép vế, bị nhấn chìm bởi công nghệ truyền thông với vô khối tính năng hiện đại?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Trước hết tôi phản đối ngay ý kiến này.

Khi vào TP Hồ Chí Minh, đến nhà vợ chồng diễn viên Hồng Ánh – Thanh Sơn ăn cơm tối. Hồng Ánh bảo chúng tôi cứ ăn còn cô ấy phải đi diễn. Chúng tôi bảo cô ấy mua giúp đôi vé cho tối mai, nhưng vé đã hết. Anh Lê Hoàng là tác giả kịch bản cũng không mua được vì vé cho xuất diễn hôm sau cũng hết veo.

Đấy là trải nghiệm thực tế của tôi, để thấy rõ ràng không phải “sân khấu bị bỏ rơi vì nhiều phương tiện giải trí và công nghệ hiện đại”.

Tôi không thể trả lời chính xác tại sao sân khấu Hà Nội thưa vắng. Tôi chỉ có thể nói rằng thói quen tiêu dùng nghệ thuật của Sài Gòn và Hà Nội khác nhau.


 
{keywords}.
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh có biết, sân khấu Sài Gòn có bí kíp gì để có thể sáng đèn liên tục hàng đêm?

Chủ yếu là kịch ngắn, gần gũi với đời sống và mặt bằng văn hoá hơn các nhà hát ở Hà Nội.

Điều quan trọng là người làm sản phẩm phải tìm được cách lách vào trong nhu cầu của người tiêu dùng, len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống.

Tôi tin rằng sân khấu vẫn sẽ phát triển nữa, không có lý gì đạo diễn Việt Linh đang ở nước ngoài mở sân khấu Hồng Hạc tại TP Hồ Chí Minh. Nếu thực sự sân khấu đang đi xuống thì không ai đầu tư vào làm tiếp như thế. Khi tôi đến xem thì tôi thấy rằng đúng là người Sài Gòn rất biết cách làm sân khấu.

Ví dụ trong việc quảng cáo, chị Việt Linh làm rất kỹ. Chị tự đi tìm kịch bản, chủ động liên hệ với báo chí quảng cáo cho các vở diễn. Trong khi tôi chưa thấy một giám đốc nhà hát nào ở ngoài Bắc đi vào đoàn cải lương Sài Gòn tìm vở hay để mời ra ngoài này diễn.

Tóm lại người Sài Gòn rất năng động, họ làm tất cả mọi việc có thể để có được buổi diễn thành công.

Qua câu chuyện của anh, tôi nghĩ là một số nhà hát vẫn còn níu giữ cách làm ăn thụ động của thời bao cấp có đúng không?

Đó chắc chắn là một trong những nguyên nhân.

Nhưng đạo diễn Lê Hoàng là người Bắc, Hồng Ánh cũng nói giọng Bắc nhưng khi vào trong kia họ đều thay đổi. Những người khác như đạo diễn Lê Quý Dương, Minh Ngọc… cũng như thế.

Sự năng động của sân khấu Sài Gòn bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người.  

Tôi đã quan sát và thấy ngoài Bắc, cũng như thói quen đọc báo “chùa”, vẫn còn nhiều người có thói quen rất lạ là luôn đi xin vé xem nghệ thuật, không xin được thì không đi. Liệu rằng thói quen này ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch sáng đèn hàng đêm của các nhà hát?

Tôi từng làm rất nhiều buổi ra mắt sách cho bạn bè. Tôi luôn chống lại những người đến các buổi ra mắt chỉ để xin sách.

Vừa rồi có buổi biểu diễn của nhạc sĩ Trần Tiến. Anh ấy và nhóm thực hiện đều nói sẽ tặng tôi vé, nhưng tôi cương quyết từ chối. Mỗi nghệ sĩ làm chương trình văn hóa nghệ thuật nên tạo cho mọi người thói quen muốn hưởng thụ nghệ thuật là phải bỏ tiền ra mua, không thể miễn phí được.

Tôi đang tổ chức một buổi triển lãm điêu khắc cá nhân. Tôi in một cuốn sách và bán. Tôi không sống bằng tiền bán sách nhưng tôi cố gắng tạo cho mọi người một thói quen như tôi đã nói ở trên.  

Thêm nữa, một phần là do dân ta tự đặt ra những rào cản, cho rằng nghệ thuật là xa vời, khó hiểu. Hội hoạ là trừu tượng, nhạc kịch là xa xôi… nhưng thực ra chèo, tuồng, cải lương cũng chính là nhạc kịch, và gắn bó với đời sống văn hoá từ rất lâu. Đó là cả một câu chuyện dài, như Lenin đã nói: “muốn thưởng thức văn hoá thì phải học”, và phải tự học.

Tôi đặc biệt khó chịu khi thi thoảng có bài báo cho rằng phải đưa ca trù, chèo, cải lương… vào trường học. Không thể có thời khoá biểu nào trong trường học cho những điều đó, trẻ con đã phải học quá nhiều. Chúng ta liên tục nói chuyện giảm tải cơ mà. Không thể có trường học nào dạy tất cả mọi thứ trên đời, học chính là tự học.

Những điều anh tự học, chưa nói đến việc anh mang lại được điều gì cho xã hội, mà tự học vì quyền lợi của chính anh. Anh muốn nâng cao đời sống tâm hồn, trí tuệ của anh thì anh phải tự học, tự đọc. Đấy mới là sống, còn sống mà chỉ có ăn, ngủ, váy ngắn váy dài xanh đỏ thì đó không phải là sống, đấy là tồn tại.  

Tôi cũng đồng ý với anh, bỏ tiền ra để nếu muốn hưởng thụ văn hóa, tuy nhiên đổi lại, người mua vé cũng đòi hỏi sản phẩm đó phải có chất lượng tốt, chứ không được nhàm chán, nhạt nhẽo, hay xa vời với cuộc đời thực. Anh có nghĩ rằng việc thắp sáng đèn cho các nhà hát cũng là một cách để con người bớt gắt gỏng với nhau, bớt chửi bới lẫn nhau và tất nhiên, tệ nạn cũng sẽ bớt đi?

Văn hoá là nền tảng, giống như một toà nhà cao tầng, ai cũng chỉ nhìn thấy từ tầng 1 trở lên. Nhưng dưới toà nhà ấy phải là một móng nhà có chiều sâu bằng vài chục tầng, nếu không, toà nhà đó sụp đổ, nhưng không ai nhìn thấy phần ngầm ấy.

Văn hoá cũng vậy, văn hoá là nền tảng, là chiều sâu bền vững, nếu không đầu tư cho nền tảng ấy, chúng ta chẳng xây dựng được điều gì vững bền.

Hoàng Hường (thực hiện)