Không có truyền thống, không đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, lại chỉ ăn đong, ăn xổi, nhưng lúc nào cũng hy vọng và chờ đợi.

Cuối tuần rồi, con trai ghé tai mách thầm “Tối chủ nhật chung kết Hoa hậu Thế giới, sáng thứ 2 chung kết Hoa hậu Hoàn vũ, thí sinh Việt Nam có nhiều cơ hội lắm, bố xem nhiệt tình nhé”.

Để mọi việc hòa thuận, trôi chảy trong không gian mấy chục mét vuông chung cư, tôi nói thật to cho cả nhà cùng nghe “Chúng mày làm gì thì làm, xem gì thì xem, chung kết 2 cuộc hoa hậu, để tivi đấy cho bố mẹ. Cấm gây ồn ào, đi vào đi ra, nhờ trông cháu, gửi tiền đi chợ mua quà sáng…”

Bữa đó, tôi giục ăn cơm sớm, trà thuốc gọn nhẹ, ê a vài câu ví, ngả người trên đi-văng chờ xem hoa hậu. Tất nhiên cái chính là chờ xem hoa hậu ta lọt qua vòng lớn, lọt sâu vòng bé, ngon ơ vòng phỏng vấn và giây phút xướng tên vang lên thánh thót, tự hào.

Mà chả riêng tôi đâu nhé. Các anh chị thuyết minh, phiên dịch trên tivi cũng chung tâm trạng hồi hộp, chờ đợi, đợi chờ. Rồi lo âu to dần, lớn dần khi vòng ngoài, vòng trong lần lượt xướng tên các hoa hậu, thêm, thêm nữa vẫn không thấy “quân ta” thì cơ hội càng thu hẹp dần, hẹp hết cho đến khi… cuộc chơi là của thiên hạ, của người khác mất rồi!

Danh sách 20 thí sinh lọt vào vòng trong Hoa hậu Thế giới, không thấy “quân ta” đâu, sao lạ lùng? Top 10 thí sinh tất nhiên là “nỏ” có, lấy đâu ra! Nhưng bỗng dưng thí sinh ta đứng đầu mục bình chọn qua mạng (kiểu bình chọn di sản dạo nọ?), nghiễm nhiên lọt top 11, như trên trời rơi xuống, kiểu vé vớt. Thì ta bầu chọn cho mình chứ răng?

Đi đứt một niềm mong!

Thôi, thua keo này bày keo khác, cuộc sáng mai mới là tuyệt tác, mới là chắc thắng, thông tin trên mạng xã hội, trên báo chí mấy bữa nay cho thấy phen này ta “ẵm” giải to rồi. Bình tĩnh, em nó thi bán kết hay mọi nhẽ, thiên hạ khen lấy khen để ra kia kìa.

Nào, danh sách top 15 Hoa hậu Hoàn vũ lại lần lượt được xướng lên. Ôi, đẹp thế, ác liệt thế, dưng mà đến 10 vẫn chưa thấy “quân ta”, 14 cũng chưa, còn suất cuối biết đâu ta thắng?

Vẫn chẳng có gì sất. Vậy là đi đứt niềm mong tiếp theo.

Sao bảo hy vọng lắm, quốc tế đánh gia cao lắm, thi bán kết tốt lắm? Cứ thổi lên thật to, thật oách  rồi khi vào cuộc bỗng… xẹp dúm như thế này a? Mai kia thể nào ai đó chả thốt lên: gian lận, nghiệp dư, tư nhân, cuồng…

{keywords}
Thành tích của VN trên đấu trường sắc đẹp quốc tế nhiều lần gây thất vọng

***

Thảm cảnh “hoa hậu… hụt” nói trên, thực ra không phải lần đầu chứng kiến, chỉ có điều trong bộ môn khác. Là “anh” bóng đá và giấc mơ vô địch đi mãi không/chưa tới!

Thì đây, vài ví dụ tiêu biểu thôi nhé.

Hồi chung kết Tiger Cup 1998, trên sân nhà gặp đội tuyển Singapore, quân ta có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Dàn Thể Công thượng thặng làm nòng cốt. Lâu lắm mới “quật” được kẻ ngáng đường đáng ghét Thái Lan với 3 bàn không gỡ ở bán kết. Không thắng Singapore là cớ mần răng?

Rứa mà không thắng đấy, thậm chí lại thua bằng cái lưng của cầu thủ cao kều Sasi Kumar. Nhớ đời nhé, các bác “nghiện” bóng đá, “nghiện” Thể Công!

Cũng lại chung kết, nhưng với lứa U23 kỳ SEA Games tại Lào. Thầy trò HLV lừng danh H. Calistor ở vòng bảng thắng dễ U23 Malaysia và họ gặp lại nhau trong trận chung kết rất được chờ đợi. Thầy giỏi, trò hay, từng thắng đối thủ, thi đấu ở Viêng Chăn không khác gì ở Vinh hay Hàng Đẫy, vậy còn gì để ngăn cản U23 VN lần đầu đoạt cup vàng SEA Games, rửa hận cho bóng đá nước nhà?

Thế mà chiếc cup vàng lại cùng đội quân chiến thắng bay về Malaysia đấy? Bao nhiêu hy vọng bị tan ra, bị thổi đi!

Chưa hết, mới đây thôi, thi đấu với đối thủ truyền kiếp Malaysia ở AFF Cup 2014 trên sân bạn mà thầy trò HLV Miura vẫn thắng lớn. Vì thế trận lượt về trên sân Mỹ Đình khán giả đông nghịt, tinh thần cao vút, hy vọng tràn cung mây.

Nhưng rồi, như những phen tệ hại trước đây, tất cả lại bị dội vô vàn, vô số, vô tận những gáo nước lạnh, lánh ngắt, lạnh tê, lạnh đắng, lạnh cứng khi đội nhà bỗng thua tan tác. Đối phương lên bóng 4 đợt ghi 4 bàn thắng, cứ như đá bóng ở chỗ không người. Ngao ngán. Ngán ngao.

***

Hoa hậu và bóng đá ta, được cái lâu nay dễ, rất dễ đưa “phong trào” từ không đến có, từ thấp lên cao, từ thất vọng lên hy vọng và cuối cũng là “vũ như cẩn”!

Không có truyền thống, không đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, lại chỉ ăn đong, ăn xổi, nhưng lúc nào cũng hy vọng và chờ đợi. Nói cho cùng hy vọng dù rất đáng yêu và không bao giờ có lỗi, vẫn chỉ là hy vọng “ảo”, bùng lên một lúc rồi tắt ngấm, như bong bóng mà thôi. Còn làm gì thật bài bản, căn cơ để biến hy vọng thành sự thật thì  để người khác làm. Như thi hoa hậu thì người Venezuela lo, còn bóng đá khu vực thì người Thái lâu nay lo hết còn đâu.

Và người ta vẫn hát cười khoái chí trong dịp “Gặp nhau cuối năm” (lan sang cả đầu và giữa năm) rằng “Thi xong xuôi tất cả lại về!”

Cũng nói cho cùng, chỉ tại thằng con trai ghé tai mách nhỏ mà mình dán mắt lướt mạng quyết không bỏ sót diễn biến thi thố nào, rồi đeo kính xem clip bán kết áo tắm, không lo chuyện bế cháu lại mải mê xem chung kết trên tivi rồi trào sôi hy vọng. Rồi kháo chuyện sang cả hàng xóm, cả chung cư, cả cơ quan. Và thấp thỏm như mình sắp vớ được (bét ra cũng) Á hậu 2, chưa nói Á hậu 1 như người ta đồn đoán, biết đâu Hoa hậu chứ chẳng chơi!

Để rồi chỉ thấy bong bóng bay, muôn màu, hấp dẫn , bay xa, bay hút, ảo mờ…

Châu Phú