Diễn biến tiếp theo của vụ việc như thế này rất có thể sẽ là một cuộc chiến pháp lý lớn giữa bên bị thiệt hại (Nhà nước, hoặc các nhân vật) và tờ báo.

* Sự thật gây sốc về Hồ sơ Panama  * Hàng trăm nhà báo 'xử' Hồ sơ Panama như thế nào?

Panama Papers (Hồ sơ Panama) đang là tin tức nóng hổi nhất của thế giới trong mấy ngày vừa qua. Rạng sáng ngày 4/4 giờ Việt Nam, một nhật báo Đức có tên Süddeutsche Zeitung (Nhật báo người Nam Đức) cho đăng một loạt bài đầu tiên phanh phui những nhân vật nổi tiếng bao gồm quan chức, nguyên thủ quốc gia, diễn viên, vận động viên thể thao có tham gia sử dụng dịch vụ của một hãng luật Panama tên là Mossack Fonseca nhằm chuyển tiền ra nước ngoài. Mục đích của việc chuyển tiền này thông thường là nhằm để trốn các loại thuế hoặc rửa tiền.

Süddeutsche Zeitung tuyên bố họ có trong tay 2,6 terabytes tài liệu, chứa đựng 11,5 triệu văn bản của 240.000 công ty “ma” (shell company) được tiết lộ bởi một nguồn ẩn danh từ cách đây hơn 1 năm. Nguồn ẩn danh này không đòi hỏi bất kỳ một lợi ích vật chất nào, mà chỉ yêu cầu sự an toàn và bí mật thông tin. Mục tiêu của nhân vật tạm gọi John Doe[1] là sự thật về tội phạm rửa tiền và trốn thuế xuyên biên giới này phải được phơi bày. Đây là số lượng tài liệu bị “rò rỉ” (leak) ra ngoài lớn nhất từ trước đến nay, lớn hơn cả kho tài liệu khổng lồ mà Wikileaks đã công bố trước đây.

Sự cẩn trọng và có trách nhiệm của Süddeutsche Zeitung (với sự cộng tác của Hiệp hội Nhà báo Điều tra ICIJ – Mỹ) để tiếp cận và công bố kho tài liệu đồ sộ này rất ấn tượng. Vì sao các nhà báo lại cẩn trọng như vậy? Đó là bởi tội phạm mà những nhà báo này đang phanh phui là quá lớn và liên quan đến quá nhiều nhân vật nổi tiếng. Đã đánh thì phải chính xác, đó là phương châm của họ. Loạt bài với tên gọi “Bí mật của những đồng tiền dơ bẩn” (Die Geheimnisse des schmutzigen Geldes) cuối cùng đã lên khuôn sau hơn 1 năm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm nhiệt thành dành cho Süddeutsche Zeitung, ít người để ý đến số phận của John Doe.

Cho đến nay, Süddeutsche Zeitung vẫn cam kết không tiết lộ thông tin của John Doe cho bất kỳ bên thứ ba nào. Mọi nhà báo đều hiểu rằng thông tin được cung cấp cho họ dựa trên lòng tin về sự chính trực, không thể bị sang nhượng.

{keywords}
Vụ hồ sơ Panama đang gây chấn động thế giới

Một “cuộc chiến” đang chờ?

Đa số các quốc gia, trừ trường hợp khẩn cấp vì an ninh đất nước, đều có những quy định cho phép nhà báo được bảo vệ tối đa nguồn tin của mình. Ở Mỹ và Đức, quyền được bảo vệ nguồn tin được coi là một bộ phận không thể thiếu của quyền tự do báo chí. Nhà báo không thể bảo vệ nguồn tin là một nhà báo không đáng tin tưởng và khi không có sự tin tưởng, sẽ chẳng còn ai đến nói chuyện với báo chí và cung cấp các thông tin quan trọng như Panama Papers. Tất nhiên, các bên có liên quan, sẽ luôn tìm cách để gạt bỏ quyền lợi này của báo chí.

Diễn biến tiếp theo của vụ việc như thế này rất có thể sẽ là một cuộc chiến pháp lý lớn giữa bên bị thiệt hại (Nhà nước, hoặc các nhân vật) và tờ báo. Bên bị thiệt hại thường sẽ yêu cầu tòa buộc tờ báo phải cung cấp thân phận người tiết lộ, vì cho rằng tờ báo đang che giấu một tội phạm.

Tại Mỹ, trong vụ Plamgate, nhà báo Judith Miller đã phải ngồi tù gần 5 tháng vì chống lại lệnh của tòa yêu cầu cô cung cấp danh tính người tiết lộ thông tin về một đặc vụ CIA của Mỹ. Judith cuối cùng đã phải cung cấp thông tin người tiết lộ cho bồi thẩm đoàn.

Trong một vụ khác nổi tiếng hơn là Wikileaks, người tiết lộ thông tin ngay lập tức bị bắt giam và kết án một mức án nặng nề vì “tiết lộ thông tin bí mật quốc gia”.

Còn trong các vụ việc liên quan đến rửa tiền tương tự, như vụ Luxembourg Leaks hồi năm 2014, khi một vài nhân viên của hãng kiểm toán PwC công bố tài liệu thuế của nhiều nhân vật nổi tiếng dẫn đến một cuộc bố ráp lớn của cảnh sát nước này, họ được ghi nhận như anh hùng, vẫn bị bắt vì tội trộm cắp tài liệu tư nhân và phải thụ án tù.

Trong một vụ khác liên quan đến chi nhánh Thụy Sỹ của HSBC, người tiết lộ cũng bị kết án 5 năm tù giam.

Cũng cần nói thêm rằng, khách hàng của Mossack Fonseca không chỉ có những người giàu làm ăn chân chính muốn tránh thuế, mà còn cả bọn buôn ma túy, ấu dâm, mafia Nga, mafia Ý, Yazuka Nhật, bọn lái súng và gây chiến tranh ở Syria... Mục tiêu của các công ty “ma” (shell company) không chỉ là cất giữ tiền giúp cho người giàu, mà còn để rửa tiền cho bọn tội phạm. Do đó, an toàn của nguồn tin (cả về pháp lý lẩn tính mạng) có thể nói là đã nằm trong tay nhà báo.

Chính vì thế, trong video giới thiệu về Panama Papers, Süddeutsche Zeitung đã nói rất rõ rằng John Doe không đòi hỏi gì ngoài việc các nhà báo phải giữ bí mật thông tin của người này và cho đến nay, sau hơn 1 năm làm việc chung, các nhà báo vẫn không biết mặt John Doe. Công nghệ bảo mật đã giúp cho việc trao đổi từ xa, bí mật được bảo đảm.

Có thể sự phẫn nộ vì những gì từng chứng kiến đã khiến John Doe đứng lên, chấp nhận rủi ro và làm một việc chấn động như vậy. Ngoài những câu chuyện mà Süddeutsche Zeitung sẽ tiết lộ, chúng ta cũng nên chờ đợi xem cách mà thế giới văn minh, báo chí hiện đại đối xử thế nào với John Doe, trước sự cố chấp với công lý của người này.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

Cần nói rõ, việc có tên trong danh sách của Panama Papers không có nghĩa là những nhân vật đó tham gia vào trốn thuế, rửa tiền. Hoạt động sử dụng công ty “ma” để tối ưu hóa vị thế về thuế của một ai đó là hoạt động hợp pháp, thông lệ. Chỉ khi việc sử dụng các công ty "ma" nhằm vào các mục đích phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng… thì đó mới là dấu hiệu của tội phạm. Chỉ có tòa án mới có thẩm quyền kết tội một người bằng những bằng chứng rõ ràng, chứ không phải dư luận hay báo chí.

------
 

[1] John Doe là một tên gọi chung dành cho những người vì lý do an toàn mà cần phải ẩn danh.

>> ĐỌC THÊM: