Thành công trong quá khứ 

Các đảng chính trị là một dạng thức thể chế chính trị hiện đại, xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Khác với đảng chính trị tại các nước phương Tây vốn vận hành như một khung khổ thể chế nền tảng cho việc đại diện và phân bổ lợi ích giữa các nhóm xã hội, sự hình thành đảng chính trị ở Việt Nam, tiêu biểu là Đảng Cộng sản Việt Nam, trước hết đáp ứng nhu cầu giải phóng dân tộc. 

Vì thế, hai chức năng nổi bật của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đầu là vận động chính trị và tập hợp số đông quần chúng cho mục đích cao nhất là giành lại độc lập dân tộc. Sức hấp dẫn của Đảng Cộng sản còn dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx – Lenin, vốn đáp ứng đúng mong đợi của số đông dân chúng lầm than trong một xã hội thực dân nửa phong kiến, đặc trưng bởi sự bất bình đẳng xã hội cao độ. Kỷ luật Đảng nghiêm khắc, tuyển dụng thành viên chặt chẽ, đề cao sự trung thành với tổ chức và tinh thần cống hiến trọn vẹn cho Đảng, cho đất nước … là những yếu tố tạo nên sức mạnh vượt trội của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng. 

{keywords}
Hiện đại hóa để đảm nhiệm vai trò thống lĩnh của Đảng

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành hạt nhân quyền lực của hệ thống chính trị, đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cả nhà nước và xã hội. Hệ thống Đảng được tích hợp với các thể chế nhà nước, để trở thành một cấu trúc Đảng – Nhà nước, thực thi chức năng quản trị xã hội. Từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới năm 1986 đến nay, vai trò then chốt của Đảng cầm quyền không chỉ thể hiện qua chức năng hoạch định chủ trương, đường lối; tuyển dụng và đào tạo cán bộ cho nhà nước, mà còn thể hiện ở vai trò quy tụ quần chúng nhân dân cũng như các lực lượng xã hội ngày càng đa dạng. 

Biến đổi xã hội và thách thức lãnh đạo 

Tiến trình đổi mới phương thức quản lý kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng những tiến bộ khoa học công nghệ cũng tạo ra những thách thức mới cho Đảng cầm quyền. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu dẫn đến sự đa dạng lợi ích giữa các nhóm xã hội. Quá trình tham gia tích cực vào các thể chế quốc tế đặt ra nhu cầu cải cách sâu rộng hệ thống thể chế chính trị - pháp lý trong nước. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet thúc đẩy tự do thông tin đã làm bộc lộ ra những hạn chế về phương thức tuyên truyền, vận động truyền thống. Cùng với đó, sự chưa thành công trong một số chủ trương, chính sách trọng điểm cũng như tình trạng tham nhũng của một bộ phận đảng viên đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo – quản lý từ địa phương tới trung ương, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín chính trị của Đảng. 

Bối cảnh nêu trên đã đặt ra nhu cầu bức thiết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những năm vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản theo hướng siết chặt kỷ luật tổ chức, kiểm soát quyền lực, đề cao đạo đức, thúc đẩy chống tham nhũng … nhằm nâng cao uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng. Những điều chỉnh mạnh mẽ về thể chế Đảng nhằm giữ vững và bảo đảm bản chất cốt lõi của Đảng cầm quyền: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội. Coi trọng giữ vững bản chất giai cấp công nhân và các nguyên tắc hoạt động của Đảng”. 

Những thành công lãnh đạo trong chín thập kỷ vừa qua của Đảng Cộng sản Việt Nam trước hết là do Đảng đã nắm bắt đúng nhu cầu và nguyện vọng của số đông dân chúng ở mỗi thời kỳ. Đó là nhu cầu độc lập, tự do cho dân tộc; thống nhất đất nước; hay đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập và nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Cùng với đội ngũ đảng viên chất lượng, sự ủng hộ của nhân dân, những thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng dựa trên tinh thần và thái độ cống hiến của những cá nhân lãnh đạo nổi trội, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh; Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…trong kháng chiến chống Pháp; Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh… trong kháng chiến chống Mỹ; Trường Chinh, Nguyên Văn Linh trong thời kỳ đổi mới; hay vai trò nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nỗ lực chống tham nhũng và xây dựng Đảng hiện nay. 

Xu hướng hiện đại hóa các đảng thống lĩnh ở Đông Á 

Dù khác nhau về hệ thống chính trị, một điểm chung giữa nhiềuquốc gia Đông Á đạt được sự phát triển vượt bậc từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay là đều được lãnh đạo bởi một đảng chính trị thống lĩnh. Tiêu biểu như Đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Nhật Bản; Đảng Nhân dân Hành động (PAP) ở Singapore; Quốc dân Đảng (KMT) ở Đài Loan; hay Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Một đặc điểm then chốt của các đảng chính trị thống lĩnh là đều đề cao chức năng tập hợp quần chúng từ mọi thành phần xã hội, không phân biệt giai cấp hay tầng lớp. Vởi đội ngũ đảng viên, hệ thống tổ chức cơ sở đảng và các mạng lưới xã hội, các đảng chính trị thống lĩnh hướng đến quy tụ mọi cá nhân và nhóm xã hội vào trật tự chính trị mà họ đang lãnh đạo. 

Tuy nhiên, những biến đổi chính trị - xã hội đã đặt ra nhiều thách thức cho các đảng chính trị tại các quốc gia nêu trên. Để bảo đảm và duy trì được vị trí thống lĩnh trong hệ thống chính trị quốc gia, các đảng chính trị đều phải tiến hành đổi mới theo hướng hiện đại hóa.

Tại Nhật Bản, những điều chỉnh thế chế giúp đảng “Dân chủ tự do - LDP” hạn chế tình trạng phân nhóm, địa phương chủ nghĩa, cũng như ảnh hưởng của tài chính doanh nghiệp đến chính trị. Thay vì tập hợp sự ủng hộ từ mọi nhóm xã hội, đảng LDP chuyển hướng sang thu hút phiếu bầu từ các nhóm cử tri không xung đột nhau về lợi ích. Tương tự, tại Đài Loan, Quốc dân Đảng cũng ngày càng hiện đại hơn khi hướng đến giành phiếu bầu từ các nhóm cử tri trọng điểm. Tại Singapore, các thể chế bầu cử được điều chỉnh nhằm bảo đảm tính đại diện cho các nhóm xã hội thiểu số, qua đó củng cố thêm cho tính chính danh chính trị và vai trò thống lĩnh của đảng PAP. Tại Trung Quốc, năm 2002, thể chế Đảng đã được điều chỉnh để Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố đại diện cho mọi lực lượng xã hội tiến bộ. Yếu tố tư tưởng nền tảng đã được thảo luận theo hướng cởi mở hơn để Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể kết nạp cả những nhà tư bản. 

Nhu cầu hiện đại hóa đảng cầm quyền ở Việt Nam 

Một khía cạnh đặc trưng của tiến trình đổi mới hay hiện đại hóa các đảng chính trị thống lĩnh tại các quốc gia Đông Á chính là quá trình “duy lý hóa”. Về tính chất đại diện, để thích ứng với các điều kiện mới, các đảng chính trị phải điều chỉnh để có thể thiết lập được mối liên hệ vững chắc hơn với các lực lượng xã hội, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các lợi ích đa dạngtrong xã hội. Về phương thức lãnh đạo, các nguyên tắc thể chế hiện đại, duy lý và khoa học, dần thay thế ảnh hưởng và vai trò của các giá trị cũng như địa vị truyền thống hay vai trò cá nhân lãnh đạo. Các quyết định của đảng cầm quyền tích hợp rộng hơn ý kiến của đảng viên cũng như công chúng nói chung. Như nhà xã hội học Max Weber đã chỉ ra, thì “duy lý hóa” là quá trình các tổ chức và quy trình chính trị hiện đại được tri thức hóa, phi cá nhân và bị kiểm soát chặt chẽ. 

Vai trò lãnh đạo tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt chín thập kỷ vừa qua là một thực tế lịch sử đã được khẳng định. Tuy nhiên, trước tình hình mới, các văn kiện Đảng gần đây luôn nhấn mạnh nhu cầu đổi mới để Đảng có thể đại diện cho không chỉ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, mà còn là lợi ích của cả dân tộc. Xét vị thế và vai trò chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều nét tương đồng với các đảng chính trị thống lĩnh tại các quốc gia khu vực Đông Á. Trong khi đó, “duy lý hóa” các tổ chức kinh tế - chính trị là một xu thế làm nên đặc trưng của xã hội hiện đại. 

Để theo kịp tiến trình vận động xã hội cũng như thực hiện tốt sứ mệnh lãnh đạo đất nước, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới cần nhấn mạnh yêu cầu “duy lý hóa” cả về tổ chức, tuyển chọn và đào tạo nhân sự, ra quyết định, cũng như công tác lý luận và tuyên truyền vận động. “Duy lý hóa’ chính là tiến trình hiện đại hóa Đảng cầm quyền, qua đó bảo đảm Đảng có thể tiếp tục đảm nhiệm thành công vai trò thống lĩnh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

TS. Nguyễn Văn Đáng

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 

Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả; không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan công tác hay tổ chức mà tác giả là thành viên.