Không có một phương pháp dạy và học duy nhất, và thậm chí cũng không có một kiểu người học duy nhất. Cho nên, nhiều bộ SGK thi đua nhau, là điều tất yếu nên làm.

Dư luận hiện đang quan tâm tới ý kiến phát ra từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập vấn đề xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK. Thực ra cụm từ "xóa bỏ độc quyền SGK" được dư luận tự động "diễn dịch" với nhiều niềm hi vọng từ lâu, không phải đến bây giờ.

Xung đột lợi ích?

Theo cách nói đó thì "hướng sắp tới là làm sao có chương trình chung nhưng nhiều bộ SGK khác nhau" (VietNamNet ngày 13/12/2012). Mong rằng niềm hi vọng nói trên của đại đa số không phải là... viển vông.

Chủ trương trên của Bộ GD&ĐT nằm trong bối cảnh một cuộc hội thảo về đề án đổi mới GD với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Một điểm rất đáng lưu ý là cuộc hội thảo đã đề cập kế hoạch, sau năm 2015 sẽ có một bộ SGK mới, được biên soạn theo phương pháp mới - tích hợp các môn học và theo đường lối tiếp cận năng lực.

Như vậy, có thể hiểu là trong khi ngành GD đang tiến hành hoặc chuẩn bị tiến hành biên soạn một bộ SGK mới thì ngành cũng đã đồng thời thừa nhận xu hướng tiến bộ tất yếu: Một chương trình chung với nhiều bộ SGK khác nhau. Đây chính là điểm dễ gây xung đột lợi ích- hoàn toàn có thể dùng một cụm từ như thế- giữa nhóm tác giả dùng tiền ngân sách Nhà nước và các nhóm tác giả độc lập tự tìm ngân sách.

Một giáo sư có thâm niên biên soạn SGK của chương trình CT 2000 (chương trình đã chính thức dẫn đến sự xác lập tình trạng độc quyền biên soạn SGK cho tới tận hôm nay) đã lập tức lên tiếng, tỏ ra lo lắng cho công tác đánh giá, thi cử của Bộ GD&ĐT và kinh phí biên soạn sách và in ấn (lại kinh phí!).

Ông cũng đồng thời nhận định: "Hiện nay, nước ta chưa có những người được đào tạo bài bản về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK. Để viết được sách, người viết vừa là nhà khoa học cơ bản rất giỏi, vừa là người am hiểu về GD phổ thông cũng như tâm lý, trình độ của học sinh phổ thông. Nhưng trên thực tế đội ngũ viết của ta hiện nay rất thiếu sự am hiểu về GDPT"

Những điều vị GS này phát biểu có thực sự đúng hay không? Phát biểu như vậy là coi thường lớp lớp những nhà GD hoạt động độc lập. Nếu những người được trao độc quyền đã thực sự làm tốt công việc của họ, thì nền GD đã không đến nỗi... thảm hại như hôm nay. Không đến nỗi phải liên tục thay SGK.

Dư luận hiện đang quan tâm tới ý kiến xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK. Ảnh minh họa

Nếu những người được trao độc quyền biết tự phê bình và dám tiếp thu những thực tiễn thành công nào đó (Công nghệ GD chẳng hạn) thì bức tranh GD Việt Nam hôm nay đã sáng sủa hơn nhiều. Được đào tạo bài bản, kỹ thuật viết SGK, am hiểu học sinh phổ thông, am hiểu tình hình GDPT ... , tất cả những điều đó đang nằm ở đâu, được thấy ở những ai!?

Chưa tổng kết cái cũ, đã lao vào làm một cái mới thì thất bại là điều gần như chắc chắn!!

Một phát biểu được đưa ra vội vã, thậm chí hấp tấp như vậy thực chất là một phát biểu không đáng tin cậy! Mặt khác, tại sao không suy nghĩ theo hướng như thế này: Xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK cũng là cơ hội để cơ quan khảo thí của Bộ GD& ĐT làm một cuộc đổi mới thực sự. Nếu cách khảo thí cũ tỏ ra không đúng hoặc bất cập, thì hãy can đảm thay đổi cách làm đó đi. Vì không thể níu kéo mãi cái cũ!

Chỉ nên xuất phát từ một chân lý duy nhất...

Ở một góc độ khác, một GS lại phát biểu với tâm trạng "sốt ruột" (chữ của Báo Lao động ngày 19/12/20120). Vị GS này khuyên rằng "do lộ trình làm lại SGK từ nay đến năm 2015 là quá lâu, cho nên không việc gì phải mày mò chứng minh, nghĩ ra viết lại từ đầu mà có thể theo chương trình SGK của các nước tiên tiến nhất  như Mỹ, Pháp, Anh, Đức..."

Như vậy, có thể hiểu là trong khi ngành GD đang tiến hành hoặc chuẩn bị tiến hành biên soạn một bộ SGK mới thì ngành cũng đã đồng thời thừa nhận xu hướng tiến bộ tất yếu: Một chương trình chung với nhiều bộ SGK khác nhau.

Đây chính là điểm dễ gây xung đột lợi ích- hoàn toàn có thể dùng một cụm từ như thế - giữa nhóm tác giả dùng tiền ngân sách Nhà nước và các nhóm tác giả độc lập tự tìm ngân sách.

Xin hỏi, làm sao biết được (theo những tiêu chí nào) chí ít trong bốn nước Mĩ, Pháp, Anh, Đức, thì nước nào là "tiên tiến" nhất? Và Phần Lan hoặc Na Uy, New Zealand, chẳng hạn, thì kém tiên tiến hơn bốn nước kia ở chỗ nào? Tiếp theo, sau khi đã chọn được "nước tiên tiến nhất" thì làm thế nào để biết một bộ SGK nào đó của họ là "tốt nhất" giữa rất nhiều bộ SGK đang dùng?

Cuối cùng, làm thế nào để biết được bộ sách họ đang dùng mà ta chọn thì sau đó họ lại không dùng nữa (vì sau đó biết đâu họ lại cho là lạc hậu chẳng hạn). Hoặc sau đó họ lại viết lại mới hoàn toàn theo cách của họ!? Một phát biểu trong tâm trạng sốt ruột như vậy thực chất là một phát biểu thiếu nghiêm túc!

Đừng chần chừ gì nữa. Quả bóng hiện giờ nằm trong tay các nhà quản lý GD nước nhà. Hãy dám xóa bỏ độc quyền biên SGK! Cũng là xóa hẳn tâm lý tự phụ ở không ít các nhà biên soạn SGK được trao đặc quyền từ trước đến nay.

Chỉ nên xuất phát từ một chân lý duy nhất: Không có một phương pháp dạy và học duy nhất, và thậm chí cũng không có một kiểu người học duy nhất. Cho nên, nhiều bộ SGK thi đua nhau, là điều tất yếu nên làm.

Phạm Anh Tuấn