Dưới sự can thiệp của đa số ghế Cộng hòa trong Quốc hội, đường lối đối ngoại của Nhà Trắng dự kiến sẽ trở nên cứng rắn hơn trong thời gian tới.

>> Chọn đại diện ở nơi hệ thống bầu cử 'tinh vi' nhất thế giới

>> Tại sao Obama lại rơi vào ‘tình cảnh’ này?

Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ đã kết thúc với chiến thắng vang dội thuộc về phía đảng Cộng hòa: không những bảo toàn được vị thế tại Hạ viện (243 so với 178 ghế) mà còn giành luôn quyền kiểm soát Thượng viện từ phe đối thủ (52 so với 45 ghế).

"Chiến thuật bập bênh"

Phe Dân chủ cùng với Tổng thống Obama bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ trong tình thế "đủ đường bất lợi". Nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama bị đánh giá là "thiếu mục đích và định hướng" thể hiện qua một loạt những "sai lầm" trong cả chính sách đối nội và đối ngoại.

Những hồ sơ ngoại giao mà Tổng thống từng đặt trọng tâm trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cách đây 2 năm đều thất bại. Khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc gây hấn tại biển Đông, sự trỗi dậy của khủng bố IS hay sự bùng nổ đại dịch Ebola,... Tất cả đều bị quy đồng về một "mẫu số chung" là sự thiếu chiến lược và quyết đoán của Nhà trắng.

Những điều này lại càng làm che mờ các chương trình kinh tế, vốn cũng không mấy hiệu quả, cộng thêm vướng mắc từ các vấn đề như kiểm soát súng, cải cách nhập cư đã khiến cho khó khăn thêm chồng chất. Uy tín của Tổng thống bị sụt giảm tệ hại nhất từ trước đến giờ. Trước cuộc bầu cử Quốc hội, các chỉ số thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống đều sụt giảm dưới mức 50%.

Tệ hại hơn, không chỉ từ phía cử tri mà Tổng thống còn vấp phải lực cản từ ngay trong chính đảng của mình. Sự rạn nứt trong nội bộ "phe xanh" thể hiện qua việc một quan chức cao cấp trong Đảng từng "chĩa mũi dùi chỉ trích" vào Tổng thống ngay trên tờ  National Journal. Hình ảnh Tổng thống Obama thậm chí bị tẩy chay trong chiến dịch vận động tranh cử của các ứng viên đảng mình.

Để nhấn mạnh thêm sự yếu kém của đối phương, đảng Cộng hòa cũng không ngại đầu tư hình ảnh cho các ứng viên. Các đại diện của đảng Cộng hòa xuất hiện trong các quảng cáo ôn hòa hơn, kiên trì gửi đi các thông điệp "tiến bộ" về kinh tế, giáo dục, môi trường, nữ quyền,... khiến phe đối thủ không thể chỉ trích họ "bảo thủ". Nắm cả "thời cơ" lẫn "nhân lực", thành tích lần này của "phe đỏ" là điều hoàn toàn dễ hiểu.

{keywords}

Tổng thống Obama và lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. (Ảnh: AP)

"Thực quyền" của Obama trong chính sách đối nội?

Việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát ở cả Thượng viện và Hạ viện sẽ khiến quyền lực của Tổng thống Obama bị thu hẹp đáng kể. Với mâu thuẫn giữa hai phe, phần lớn các chính sách của Obama đưa ra như Obamacare, chính sách nhập cư, chính sách về biến đổi khí hậu... đều vấp phải sự chỉ trích, phản đối mạnh mẽ của phe Cộng hòa.

Tuy nhiên một số chính sách vẫn có thể có được sự đồng thuận của Thượng viện. Mất đi sự ủng hộ quan trọng từ Thượng viện, Obama nhiều khả năng sẽ buộc phải điều chỉnh các chính sách của mình nếu muốn nhận được sự ủng hộ từ lưỡng viện.

Obama có thể sẽ phải viện đến quyền phủ quyết thường xuyên hơn để bác bỏ các dự luật do quốc hội đưa ra. Thậm chí, có nhiều ý kiến bi quan cho rằng việc Nhà Trắng và Quốc hội ngồi lại để thông qua bất kì vấn đề nào là một điều không tưởng.

Tuy nhiên, chiến thắng của phe Cộng hòa cũng có thể sẽ là yếu tố đem lại làn gió mới cho nền kinh tế, xã hội Mỹ. Họ sẽ phải thực sự nỗ lực hơn nữa để đưa ra các chính sách phù hợp, tìm được tiếng nói chung với Nhà Trắng và chứng tỏ năng lực của mình, không giẫm vào vết xe đổ của phe Dân chủ. Theo một số nhà quan sát từ Washington, vấn đề việc làm, kinh tế và các chính sách cản trở sự phát triển của nền kinh tế sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự sắp tới.

"Phe đỏ" chiến thắng, chính sách đối ngoại Mỹ "nóng bỏng"

Trong vòng chưa đầy một năm qua, cả thế giới dõi theo nhiều sự kiện chấn động. Mở đầu là "khủng hoảng Ukraine" ở Đông Âu, tiếp đó tới cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Trung Đông, đại dịch Ebola ở châu Phi diễn biến khó lường. Ở biển Đông, Trung Quốc lẳng lặng trong các động thái xâm lấn chủ quyền trong khu vực.

Dưới sự can thiệp của đa số ghế Cộng hòa trong Quốc hội, đường lối đối ngoại của Nhà Trắng dự kiến sẽ trở nên cứng rắn hơn trong thời gian tới. Tiêu biểu là cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông với lời tuyên chiến được chính ông Obama gửi đi trong "ngày đau thương" của nước Mỹ - 11/9/2014. Cục diện cuộc chiến này sẽ đi đến đâu? Các hoạt động quân sự của Mỹ sẽ được đẩy mạnh hơn, thậm chí là có tiến tới can thiệp của bộ binh?

Tổng thống Obama là người kiên quyết phủ nhận việc đưa bộ binh tham chiến, bởi nó ngược lại với quan điểm "không để lính Mỹ chết trên chiến trường hải ngoại" của ông. Nhưng với sức ép từ phe Cộng hòa, rất có thể điều này sẽ xảy ra.

Một cuộc thăm dò của tạp chí Wall Street cho thấy chỉ có 32% người Mỹ ủng hộ chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Đó là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ năm 2009. Cuộc thăm dò cũng cho thấy công dân Mỹ tin rằng đảng Cộng hòa có nhiều khả năng hơn so với đảng Dân chủ trong xử lý các vấn đề an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Tổng thống Obama đã thay đổi quan điểm chính trị từ ôn hòa trở nên tiệm cận với phong cách Cộng hòa. Từ nhiệm kỳ thứ hai, một Obama cứng rắn hơn đã xuất hiện. Tại Đông Âu, Mỹ can dự vào vấn đề Ukraine. Tại Trung Đông, Mỹ phát động chiến tranh với IS, xây dựng cho mình một liên minh chiến tranh mới mang quy mô toàn cầu và hùng mạnh. Tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đẩy mạnh chiến lược xoay trục với đích nhắm là Trung Quốc. Như vậy, với Quốc hội lưỡng viện mới này, có thể là đối lập, nhưng khả năng song hành với Obama cũng không loại trừ.

Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là trụ cột kinh tế của Chính sách xoay trục đến châu Á của Obama. Tuy nhiên, sự phức tạp trong quá trình đàm phán đã khiến phe Dân chủ trong Quốc hội e ngại. Sự thật là đảng Dân chủ đã ngăn cản từ lâu đề nghị của Obama thay đổi quyền hành pháp theo hướng thuận tiện cho các đàm phán thương mại. Theo đó, Tổng thống có thể đệ trình một dự luật cho Quốc hội bỏ phiếu mà không cần bất kỳ sửa đổi nào.

Dù không "xuôi chèo mát mái" ở Đảng mình, chính sách của Obama có vẻ được chào đón ở một số thành viên đảng đối lập. Chỉ hơn một tuần trước, Thượng nghị sĩ Rand Paul, một lãnh đạo trong đảng Cộng hòa và là ứng cử viên tổng thống năm 2016, kêu gọi Obama ưu tiên cho TPP nhiều hơn. Như vậy, Đảng Cộng hòa, nói chung, vẫn còn cởi mở hơn với ý tưởng xoay trục đến châu Á so với đảng Dân chủ.

Tất nhiên, từ góc nhìn chính trị thì dễ nhận ra rằng, đây là một điều quan tâm thú vị của các Nghị sĩ đảng Cộng hòa. Việc chiếm ưu thế trong lưỡng viện càng khiến cho sự ủng hộ của thành viên "phe đỏ" trở nên đáng giá hơn với ông chủ Nhà trắng. Họ chắc chắn có thể tác động đến Tổng thống và các vị thành viên đảng Dân chủ vốn bảo vệ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Phương Thủy Thương