Một khi người nông dân chưa làm chủ được “nghiệp” của mình, thì sự giải cứu dưa hấu, thanh long, giải cứu lợn…, chưa phải cuộc giải cứu cuối cùng.

Trong đời sống dân gian, có thành ngữ quen thuộc, lên voi xuống chó, để chỉ sự thăng hoa hay thất bại của số phận con người. Giờ, trong nền kinh tế thị trường  thăng trầm và không ít “thất bát” của người nông dân, thành ngữ này xin được đổi thành lên voi xuống… lợn.

“Lên” voi thì đúng rồi. Vì voi ở Tây Nguyên giờ còn được mấy con, khi mà sự săn bắt, tàn sát để lấy ngà, thiếu thức ăn, thiếu dinh dưỡng, đã khiến cho đàn voi lụi tàn. Nên giá trị của voi lên rất cao

{keywords}
Ăn thị lợn giúp bà con nông dân (Ảnh VietNamNet)

Còn “xuống” lợn cũng đúng nốt. Chưa bao giờ như những ngày này, từ vị Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, hiệp hội, các tổ chức, các nhà bán lẻ Việt Nam gửi công văn hỏa tốc, thư ngỏ…, cho các tỉnh thành, lên tiếng kêu gọi “giải cứu lợn” bằng cách mua, ăn, tích trữ. Hàng trăm bài báo trên các báo, mạng xã hội đề cập vấn đề này. Chợt ngộ ra, thời bao cấp, ngay ở thành phố, lợn từng được GS Văn Như Cương “tôn quý và tôn vinh” đùa là “thủ trưởng”, vì nó nuôi sống cả gia đình. Còn nay, một đàn lợn béo tốt có thể khiến gia đình chủ chăn nuôi … khuynh gia bại sản.

Số phận lợn từ thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường, xem ra cũng vẫn lên voi xuống lợn nốt...

Bởi chưa bao giờ giá lợn hơi người nông dân bán ra thấp thê thảm đến thế, chỉ 23.000 - 25.000 đồng/kg hơi. Bạn đồng nghiệp trẻ kể cho người viết bài này, ở nhiều vùng quê, không còn có thể bán được, có những nhà đành “giải cứu lợn” theo cách của họ- thả lũ lợn đi lang thang. Bởi tiền đâu mua cám bã để nuôi lũ “ăn như lợn”?

Nhưng điều trái ngược, thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Vì sao vậy?

Xem xét kỹ ngọn nguồn, rất đáng buồn, có thể thấy rất nhiều điều.

Người nông dân Việt Nam một nắng hai sương có thể rất thạo việc trồng trọt, chăn nuôi nhưng không làm chủ nổi “nghiệp” của mình và họ luôn cô đơn trong cái nghiệp ấy. Câu ca dao Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm- là một câu tổng kết về thân phận luôn phụ thuộc của họ. Một khi người nông dân chưa làm chủ được “nghiệp” của mình, thì sự giải cứu dưa hấu, thanh long, giải cứu lợn…, chưa phải cuộc giải cứu cuối cùng.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ Công thương tổ chức, kết nối với Sở Công Thương các địa phương hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công Thương, khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu trong nước. Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu lợn sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt lợn trong nước (theo VietNamNet, ngày 28/4)

Nhưng đó đâu chỉ là “nỗi buồn của riêng nông dân”? Mà phải coi là nỗi đau của một nền kinh tế. Dù giao thương là chuyện bình thường của mọi quốc gia. Quy luật cung cầu, cùng với lợi ích, thậm chí là mẹo mực chèn ép của những quốc gia mạnh về nội lực đã khiến những quốc gia yếu hơn về nội lực luôn chông chênh trên hành trình phát triển. Và người nông dân vốn chiếm số đông của một đất nước có ưu thế về làm nông nghiệp, cũng sẽ là tầng lớp dễ tổn thương nhất. Họ làm chăn nuôi theo mối lợi của những cảm tính, của “phong trào” đầy sự thụ động, thiếu tỉnh táo, bất kể lời can ngăn- dù là của một bộ ngành hẳn hoi.

Mặt khác, ở trong nước, họ cũng là tầng lớp dễ bị thiệt thòi nhất. Khi mà các nguồn đầu tư cho chăn nuôi, từ nguyên liệu đầu vào, hỗ trợ tín dụng, kinh doanh thức ăn họ đều phải mua hoặc chấp nhận với giá thị trường đắt đỏ. Nhưng không chỉ có họ, mà người tiêu dùng có muốn mua ủng hộ họ cũng thua thiệt. Xin hãy đọc một trích đoạn này để hiểu vì sao người chăn nuôi và người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép: Cần phải tổ chức lại khâu phân phối để giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí. Hiện thương lái đi gom thu mua heo, tập kết ở một điểm và bán lại cho lò giết mổ. Sau đó lò giết mổ bán lại cho thương lái, bán cho người bán lẻ, người bán lẻ bán cho người tiêu dùng. Như vậy là phải qua ba bốn khâu trung gian, chi phí cũng từ đó mà đội lên cao (Tuổi trẻ, ngày 23/4).

{keywords}
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hà Công Tuấn (giữa)- Ảnh VietNamNet

Mặt khác nữa, cần sòng phẳng mà nói rằng, một nền kinh tế thị trường mà luôn phải “giải cứu” người sản xuất bằng những giải pháp thủ công mang tính phong trào, tình thế, ưu tiên “từ thiện, hỗ trợ” của cộng đồng là một nền kinh tế thiếu chuyên nghiệp, một xã hội phát triển thiếu vững chắc. Quy luật kinh tế thị trường tuy hấp dẫn và là động lực kích thích xã hội phát triển nhưng đầy khắc nghiệt, đòi hỏi mỗi thành phần trong đó có nhà nông phải tương thích bằng vai trò của mình. Đó là sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp và hiểu biết thị trường đầy tỉnh táo, có tầm tư duy, quy mô, cơ cấu chăn nuôi hợp lý, biết cung cái gì thị trường cầu, chứ không chỉ cung cái mình có, bất kể thị trường cầu hay không?

Còn nếu với cung cách sản xuất chăn nuôi, trồng trọt kiểu “mì ăn liền”, thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào như hiện nay, thì cuộc giải cứu dưa, thanh long, lợn… chưa phải cuộc giải cứu cuối cùng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra ba giải pháp tập trung trước mắt và lâu dài để hạn chế  hiện tượng “giải cứu lợn” thời gian tới. Đó là, giải quyết tốt quan hệ cung- cầu, không để đứt quãng, rà soát bảo đảm tổng đàn lợn và quy mô đàn chăn nuôi có cơ cấu hợp lý. Thứ hai, bộ sẽ có giải pháp kiểm soát lợn nái, tổ chức liên kết chuỗi và lâu dài sẽ đề xuất với Chính phủ không hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi, mà sẽ hỗ trợ qua chuỗi. Thứ ba, mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc để tăng xuất khẩu thịt lợn (báo Giao thông, ngày 05/5).

Đó có lẽ ba giải pháp căn cơ nhất để giúp người nông dân thích ứng với những đòi hỏi của kinh tế thị trường. Nhưng theo người viết bài này, chất lượng bảo đảm thịt lợn sạch, không dùng các chất tăng trọng cũng là một giải pháp cần được tính đến, tuân thủ lâu dài- để tạo uy tín và niềm tin tương hỗ giữa người chăn nuôi, thị trường và người tiêu dùng.

Như vậy, sự giải cứu không chỉ là lợn, mà quan trọng hơn, Nhà nước, các bộ ngành, hiệp hội và cả người nông dân cần chung tay … “giải cứu” cung cách làm ăn của chính người nông dân, dần từng bước mang tính ổn định, chủ động và tuân thủ quy luật kinh tế thị trường.

Liệu có khó lắm không?

Kỳ Duyên