Những cây cầu xây từ vốn vay

Mấy năm nay tôi thường đi lên sân bay nội bài qua ngả cầu Nhật Tân thay vì qua cầu Thăng Long như trước. Xe đi vù vù, không tắc, không ùn, quả là rất tuyệt vời so với cảnh chen chúc bất kỳ đâu trên các con phố ở Thủ đô.

{keywords}
Cầu Nhật Tân được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Cầu Nhật Tân dài 3,75 km lại được thiết kế rất đẹp, hiện đại mà không nhiều cây cầu ở miền Bắc có được.

Thực tế, Dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Sân bay Quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là những dự án trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.

Những dự án đó, và nhiều dự án khác bằng vốn vay, hay viện trợ không hoàn lại đang giúp hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng ở nước ta.

Tính riêng giai đoạn 2011-2016, trong lĩnh vực giao thông có Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách quốc tế T2 Sân bay Nội Bài,…

Trong lĩnh vực năng lượng thì có Dự án điện Phả Lại, Hàm Thuận - Đa Mi, Phú Mỹ, Ô Môn, dự án đường dây truyền tải điện quốc gia, các dự án điện nông thôn, Dự án đường dây 500KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, các dự án lưới điện góp phần nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải, phân phối, quản lý hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Những dự án đó đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Đó là những ý nghĩa không thể phủ nhận.

Đến nay, nợ công của Việt Nam đã vượt con số 3 triệu tỷ đồng; trung bình mỗi người dân đang phải gánh trên 30 triệu đồng nợ công.

Trong năm 2020 Chính phủ dự kiến vay thêm 459 nghìn tỷ đồng, cao hơn dự toán của năm 2019, để bù đắp chi tiêu ngân sách. Số tiền 459 nghìn tỷ đồng này, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ.

Vay nợ, nhất là với lãi suất thấp, là điều bình thường ở nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số nợ đó được sử dụng hiệu quả ra sao, khả năng trả nợ thế nào để thế hệ hiện tại và tương lai không phải lâm vào cảnh nợ nần của những thế hệ đi trước là điều đáng được đặt lên bàn cân.

Tuy nhiên, tình trạng dự án sử dụng đồng vốn vay kém hiệu quả, thậm chí thất thoát, lãng phí vẫn còn. Đây là điều mà tác giả đã cảnh báo trong bài “Có tăng trưởng mà không có phát triển đi kèm”.

Hàng chục nghìn tỷ đã đổ vào dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông mà dự này sau chục năm trời vẫn nằm phơi mưa nắng. Hàng nghìn tỷ đổ vào đường sắt đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có lối ra… Nhiều dự án được bảo lãnh vay vốn không trả được nợ vì dự án chậm tiến độ, dự án không có hiệu quả, nên Chính phủ phải trả nợ thay; nhiều dự án chậm tiến độ, quy hoạch treo, dang dở là thực tế không thể phớt lờ mà các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng năm.

Hệ số ICOR của chúng ta vẫn luôn cao hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực cũng là lời cảnh báo không thể làm ngơ.

{keywords}
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ về sử dụng vốn vay nước ngoài chưa hiệu quả. Ảnh: Lương Bằng

Nỗi lo trả nợ

Có vay có trả. Những năm qua, Chính phủ vẫn đảm bảo trả các khoản vay đúng hạn, được các nhà tài trợ vốn và các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực.

Ngoài ra, nhiều biện pháp để cắt giảm chi tiêu đã được triển khai để dành nguồn tiền cho đầu tư phát triển, trả nợ. Đó là giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện cơ chế thị trường với một số dịch vụ công,…

Việc siết chặt bảo lãnh Chính phủ cho các khoản nợ của doanh nghiệp cũng là một giải pháp quan trọng để giảm bớt áp lực gia tăng nợ công.

Thế nhưng, trong báo cáo thẩm định ngân sách năm 2020, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phải nhận xét rằng “các tồn tại trong chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để”.

“Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm”.

Câu chuyện Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng để lắp camera an ninh tại nhà của cán bộ trong Ban Thường vụ gây xôn xao dư luận vừa qua là điển hình.

Nhưng lãng phí trong những khoản chi kể trên không thấm là bao so với những lãng phí trong lĩnh vực đầu tư. Bỏ nghìn tỷ làm quảng trường, tượng đài, rồi để hoang hóa; xây bệnh viện hàng nghìn tỷ kéo dài từ năm này đến năm khác không hoàn thành; những trụ sở, trung tâm hành chính công hoành tráng trong khi trụ sở cũ vẫn hoạt động tốt… Những câu chuyện đó đã được báo chí chỉ ra nhiều năm nay.

Các vấn đề "kinh niên" như đội vốn đầu tư, chi sai mục đích, thất thoát ngân sách... vẫn được Kiểm toán Nhà nước điểm mặt khi kiểm toán tình hình thu chi ngân sách hàng năm.

Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Chính phủ cho hay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 122.029 tỷ đồng; qua thanh tra phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng và trên 819 ha đất… Những con số đó lẽ ra đã góp phần cho ngân sách đầy đặn lên, giảm áp lực phải vay nợ thêm.

Con số vay nợ của năm 2020 nói lên nhiều vấn đề. Việc phải đi vay để bù đắp bội chi có nghĩa tiền làm ra vẫn chưa đủ đáp ứng chi tiêu, nên phải đi vay để bù đắp vào. Cũng vì tiền làm ra không chi tiêu đủ, nên việc trả nợ vay phải duy trì bằng cách "vay nợ mới trả nợ cũ".

Hệ quả là, số tiền vay nợ liên tục tăng trong các năm gần đây. Năm 2017, số dự toán vay là hơn 340 nghìn tỷ đồng, thì năm 2018 tăng lên 363 nghìn tỷ, năm 2019 tăng tiếp lên 425 nghìn tỷ và năm 2020 dự kiến là 459 nghìn tỷ đồng.

Thu nhiều vẫn không đủ chi

Điều đáng chú ý là, 5 năm gần đây, thu ngân sách liên tục tăng với nhiều con số tích cực. Nếu như năm 2013, thu ngân sách mới chỉ đạt con số hơn 828 nghìn tỷ đồng thì 5 năm sau, kết quả thu ngân sách đã vượt xa con số 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm, thu ngân sách đã tăng thêm 572 nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng chi ngân sách vẫn không ngừng tăng lên khiến cho tình trạng “thu không bù nổi chi”, “bóc ngắn cắn dài” cứ kéo dài.

Năm 2013 chi ngân sách là 1,08 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2019 dự toán chi ngân sách đã tăng lên con số hơn 1,66 triệu tỷ đồng. Có nghĩa chi ngân sách sau 5 năm đã tăng hơn 600 nghìn tỷ đồng so với năm 2013.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi nghĩa vụ trả nợ vay của Chính phủ đang tăng lên. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước khoảng 19,5-20,5%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,9% cuối năm 2018. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.

Thế nên, việc vay nợ và trả nợ sẽ là thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Hơn 3 triệu tỷ đồng nợ công luôn là sự thúc ép không được phớt lờ. Hơn bao giờ hết, đồng vốn phải được sử dụng hiệu quả, tạo cơ hội cho phát triển vì nếu không là tạo gánh nặng cho con cháu, cho tương lai.

Lương Bằng

Có tăng trưởng nhưng liệu có phát triển đi kèm?

Có tăng trưởng nhưng liệu có phát triển đi kèm?

 - Đầu tư không hiệu quả, dự án ngàn tỷ bị "đắp chiếu" thì có tăng trưởng mà không có phát triển đi kèm.