Cần phải nói ngay việc xóa bỏ rào cản kế hóa gia đình (mỗi gia đình chỉ sinh 1 đến 2 con) là một bước tiến mới của công tác phát triển và ổn định dân số đất nước. Sinh con thứ 3 từ rất lâu đã là ám ảnh của hầu như tất cả mọi gia đình công nhân viên chức nhất là đảng viên ở các địa phương.

Có lẽ ở độ tuổi nhiều thế hệ kể từ thập niên 90 hắt trở về trước đến thập niên 50 và phần nào là thập niên 40 đều mang một ý thức hệ về kế hoạch hóa gia đình. Nghĩa là người trong độ tuổi này được giáo dục và tự ý thức để đi đến một mặc định bất di bất dịch chỉ đẻ tối đa 2 con. Có không ít bi kịch gia đình và cá nhân đã xảy ra về chuyện sinh con vượt kế hoạch.

Nhìn quanh hàng xóm, họ hàng, bạn bè, khối phố, làng mạc, cơ quan, nhà máy… không khó để nhận ra một sự thật, có không ít người “vỡ kế hoạch”, thậm chí là đẻ chui đứa thứ 3. Ít nhiều những trường hợp này phải trả giá cho cái việc vi phạm ấy. Có gia đình người vợ phải rời bỏ biên chế chỉ để “mẹ tròn con vuông” cái sự cố ngoài kế hoạch. Không ít người vì sinh con thứ 3 mà sự nghiệp bị lao đao thậm chí là dừng lại. Người ta có thể khai man lý lịch, tuổi tác nhưng không thể giấu một thành viên gia đình được ra đời vì bất cứ động cơ gì. Việc kỷ luật người sinh con thứ 3 có ở tất cả các địa phương và bộ ngành. Đặc biệt nó trầm trọng ở lĩnh vực người làm văn hóa. Tôi biết 2 tổng biên tập báo và xuất bản gần đây đã thậm lao đao khi vợ sinh con thứ 3 và phải rất may mắn họ mới có thể trụ lại được ở cương vị đương nhiệm dù đó là những cá nhân xuất sắc trong nghề nghiệp.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Chế tài xử phạt vi phạm kế hoạch hóa gia đình ngoài đường hướng chỉ đạo ở các nghị quyết Trung ương, các nghị định chính phủ là những quy định của từng bộ, ngành và địa phương các cấp. Việc xử phạt này cơ bản đúng với tinh thần của kế hoạch hóa dân số nhưng nó cũng bị biến tướng đặc biệt ở các địa phương cấp cơ sở. Thế mới có chuyện cười ra nước mắt để khai sinh được cho con ngoài kế hoạch có gia đình nông dân phải bán hết gia cầm để đủ tiền nộp phạt. Có chuyện thu nợ tiền phạt sinh con thứ 3. Phổ biến nhất là kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương, cách chức, hạ quân hàm và cá biệt là buộc thôi việc đối với những người vi phạm. Việc xử lý này không thống nhất mà tùy thuộc vào các địa phương và đơn vị chủ quản. Riêng viêc phạt tiền khi khai sinh hộ tịch cho trẻ, mới đây, Bộ Tư pháp đã có công văn ngành dọc để chấn chỉnh và chấm dứt việc làm sai luật này.

Thực trạng sinh con thứ 3, thứ 4 nhìn nhận một cách công bằng nó ít xảy ra ở những nơi dân trí cao. Những vùng đẻ tràn lan bất chấp mọi điều kiện là khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa. Tôi đi miền núi chứng kiến những bộ tộc người sinh đẻ hầu như theo quán tính, bản năng thậm chí là cận huyết. Họ không ý thức việc kế hoạch hóa gia đình dù đã được địa phương giáo dục và áp dụng chế tài xử phạt. Việc chênh lệch mức sinh con ở các vùng khác nhau về kinh tế, văn hóa này kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Trong đó có lý do vì sao khu vực miền núi lại nghèo, lạc hậu bởi sự phát triển dân số không tương xứng với phát triển kinh tế, văn hóa…

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Đã là nửa thế kỷ chúng ta kế hoạch hóa gia đình nếu tính từ mốc hội nghị TW 6 (khóa 12) tháng 10/2017 bàn chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Đây là một cột mốc quan trọng để các bộ ngành chức năng cụ thể hóa việc triển khai. Trước mắt từng bước nới lỏng mức sinh đồng thời với những quy định thay đổi căn bản về quy mô, phân bố, chất lượng dân số. Người dân đã hoàn toàn có thể yên tâm nhất là các viên chức và đảng viên sẽ được xem xét không bị hoặc giảm mức kỷ luật khi sinh con thứ 3 trở lên.

Việc thay đổi này sẽ mang lại những lợi ích gì? Từ lâu Việt Nam đã ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Việc này ngày một tăng nhanh và trở nên nghiêm trọng uy hiếp trực tiếp đến chất lượng dân số và kéo theo những vấn đề dân sinh. Theo số liệu của Bộ y tế tỷ lệ bé trai/bé gái năm 2006 ở mức 109/100 nhưng chỉ 20 năm sau tức thời gian hiện tại tỷ lệ này ở con số 113 bé trai/100 bé gái. Với tốc độ tăng tỷ lệ này trong một tương lai không xa giới tính sẽ mất cân bằng nghiêm trọng và sự thiếu hụt số lượng lớn phụ nữ là điều không thể tránh khỏi. Sự mất cân bằng giới tính này chính là hệ quả từ việc kế hoạch hóa gia đình. Việc khống chế số lượng sinh con dẫn đến việc lạm dụng công nghệ, kỹ thuật lựa chọn giới tính. Dễ hiểu khi tâm lý người Việt theo tập tục muốn có con trai nối dõi. Rõ ràng với thay đổi không cấm sinh con thứ 3 việc lựa chọn giới tính sẽ là không cần thiết. Và sự cân bằng giới tính sẽ dần được thiết lập theo thời gian.

Với chính sách mới dân số và phát triển cũng sẽ làm thay đổi việc già hóa dân số. Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh so với các nước đang phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với trên 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỉ lêk người cao tuổi nước ta sẽ chiếm 17% và 20 năm sau sẽ là 25%. Những con số này theo tôi sẽ thay đổi ở chiều hướng giảm lại bởi khi đã không khống chế đẻ con thứ 3, dân số sẽ tăng lên và được trẻ hóa.

Cộng cả yếu tố tâm lý không ám ảnh nỗi sợ bị xử phạt khi sinh con thứ 3 và chỉ tạm tính hai cái được về cân bằng giới tính và giảm tỷ lệ già hóa dân số đã là những cái lợi nhìn thấy rất rõ khi thay đổi về chính sách dân số này.

Chính sách đúng luôn đi thẳng vào đời sống và được toàn dân ủng hộ.

Phạm Ngọc Tiến