Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về ngăn chặn tham nhũng vặt gần đây, nói về chống tham nhũng ngay trong đội ngũ làm công tác chống tham nhũng, có đại biểu Quốc hội nêu lại sự việc Đoàn thanh tra xây dựng ở Vĩnh Phúc vừa qua và cho rằng đó chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh". 

Cũng ở hội nghị này, đánh giá về xử lý hành vi nhận hối lộ của cán bộ thanh tra Thanh Hóa và cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng: "Khi xảy ra 2 vụ việc này, tôi thấy, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch tỉnh cũng rất trách nhiệm, tập trung xử lý nghiêm”.

Liệu những nhận xét, đánh giá nêu trên có phù hợp với thực tế hay không? 

{keywords}
Đừng quá hào phóng lời khen khi quy hoạch bị băm nát.

Để đánh giá những nhận xét trên có phù hợp cần căn cứ vào thực tế và quan điểm của chính  các đại biểu Quốc hội về quy hoạch đô thị và thực tế thực hiện quy hoạch đô thị trong thời gian vừa qua. 

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 (Khóa XIV), trong phiên thảo luận ngày 27/5/2019, về thực hiện chính sách, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, nghị trường đã nóng lên vì quy hoạch đô thị bị bóp méo mà nguyên nhân là do “nhóm lợi ích”, trong đó có vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ xây dựng. 

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đánh giá: "Chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch". 

Dẫn báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội, ông Vượt nêu số liệu: cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần, rồi ông nhấn mạnh: "Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng." 

Ông Vượt chỉ ra hậu quả của quy hoạch độ thị bị điều chỉnh tùy tiện: "đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải…" 

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bức xúc: "Cử tri cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch như trên là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư và những người có liên quan mà không quan tâm đến lợi ích của người dân. Điều đáng lo ngại là dân cứ phản ảnh, báo chí cứ lên tiếng, cơ quan chức năng vẫn vào kiểm tra, nhưng việc điều chỉnh thì vẫn cứ diễn ra." 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi: "Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20 - 33 nâng lên đến 40 tầng. Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của Nhà nước thì bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời".

Đại biểu Nhân đưa ra câu trả lời: “Có những người được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao trọng trách quản lý thay vì giữ gìn để biến nó thành nguồn lực phát triển kinh tế thì lại lợi dụng để mưu cầu lợi ích riêng tư". 

Nghị trường Quốc hội nóng lên như vậy là vì trên thực tế quy hoạch đô thị bị điều chỉnh, bóp méo nghiêm trọng. Xin đơn cử vài ví dụ cụ thể dưới đây. 

Đó là toà nhà 8B, phố Lê Trực, chỉ cách nhà Quốc hội mấy trăm mét đường chim bay; khu đô thị kiểu mẫu Trung Hòa - Nhân Chính quận Thanh Xuân, khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm quận Hoàng Mai (TP.Hà Nội) bị điều chỉnh cả về chiều cao, số tầng, diệt tích, mật độ công trình xây dựng tăng rất nhiều so với thiết kế và quy hoạch ban đầu. 

Không chỉ các khu chung cư, khu đô thị trên đây mà hầu hết các khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên phạm vi cả nước đều bị điều chỉnh tăng số tầng, diệt tích, mật độ công trình so với quy hoạch ban đầu.   

Những sai phạm đó không chỉ thuộc về các cấp chính quyền, các ngành chức năng địa phương mà còn có trách nhiệm rất lớn về vai trò quản lý nhà nước. 

Khuyết điểm đó không phải là “đáng tiếc” ngẫu nhiên mà là do các “nhóm lợi ích” cấu kết điều chỉnh quy hoạch để trục lợi đúng như các đại biểu Quốc hội đã khẳng định. 

Khẳng định đó hoàn toàn có cơ sở, khi mà bất cứ một người dân nào xây hoặc sửa nhà, nếu muốn làm ban công lấn ra khoảng không đường, ngõ vượt chỉ giới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vài ba chục phân hoặc làm thêm một vài tầng quá quy định, nếu không lót tay cho cán bộ chức năng thì không bao giờ hoàn thành được công trình, nhưng dúi cho họ dăm ba chục triệu thì tất cả đều “ok”. 

Mỗi căn hộ bé tý của người dân mà còn như thế, thì làm sao các khu chung cư, các khu đô thị nếu không có sự thỏa thuận chung chi giữa chủ đầu tư với những người có chức trách ở địa phương và ngành xây dựng thì làm sao quy hoạch dễ dàng bị bóp méo để tăng gấp rưỡi, gấp đôi số lượng tầng; tăng diện tích và mật độ xây dựng dày đặc, làm cho các khu đô thị, khu chung cư thành khu “tổ kiến” như vậy? 

Với thực trạng đó, vụ cáo buộc nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc không thể chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” đơn lẻ. 

Tại sao có nhiều chủ trương giải pháp như vậy mà vẫn để xảy ra vụ cán bộ nhận hối lộ? Liệu còn các trường hợp khác vẫn “an toàn?  Các cuộc thanh tra được tổ chức thường xuyên nhưng vì sao quy hoạch đô thị bị nắn chỉnh sai lệch như vậy, đặc biệt là ở những đô thị lớn nơi đất đai đắt đỏ? 

Qua đó cho thấy nhận xét "con sâu bỏ rầu nồi canh" và “rất trách nhiệm” nêu trên là quá đi so với thực tế, cũng như với các đánh giá ngay tại Quốc hội. 

Nguyễn Huy Viện